|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ đáng ngại của Indonesia

15:56 | 26/04/2022
Chia sẻ
Kể từ ngày 28/4, Indonesia sẽ cấm xuất khẩu toàn bộ dầu cọ thô với thời hạn không xác định. Cùng với việc mất một phần nguồn cung từ Ukraine, lệnh cấm của Jakarta đang làm dấy lên lo ngại về lạm phát lương thực toàn cầu.

Theo Financial Times, mới đây, chính phủ Indonesia đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ nhằm ngăn chặn cơn bão giá thực phẩm do hệ lụy của xung đột Nga – Ukraine. Theo đó, lệnh cấm mới sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 28/4.

Trước đó, chính quyền Jakarta đã yêu cầu các nhà sản xuất dành một phần sản lượng cho thị trường nội địa, đồng thời gần đây đã tăng thuế xuất khẩu cọ để đảm bảo nguồn cung.

Indonesia - nhà xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, là nước mới nhất ban hành lệnh cấm xuất khẩu lương thực để chống chọi với đà tăng giá thực phẩm hiện nay.

Thực tế, trước cả khi căng thẳng Nga – Ukraine xảy ra, Indonesia đã phải vật lộn với tình trạng thiếu dầu cọ. Điều này càng gây áp lực lên chính phủ của quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới khi Tết Eid al-Fitr (Lebaran) đang đến gần.

Một số nhà phân tích tin rằng lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ sẽ được gỡ bỏ sau khi lễ Lebaran kết thúc. “Chúng tôi tin rằng lệnh cấm sẽ sớm được dỡ bỏ sau khi lễ Lebaran khép lại, vì nhu cầu tiêu dùng sẽ trở lại bình thường sau đó", ông Lester Siew, một nhà phân tích tại Citigroup, cho hay.

Ngay sau khi chính quyền Jakarta ban hành lệnh cấm mới, giá dầu cọ này đã tăng vọt. Ở phiên giao dịch mở cửa ngày 25/4, giá dầu cọ ở Malaysia đã tăng 7% lên 6.800 ringgit/tấn, trước khi giảm trở lại mức 6.217 ringgit. 

Lệnh hạn chế có thể giúp hạ giá dầu thực vật ở Indonesia, song lại kích thích đà tăng giá ở các thị trường nhập khẩu, trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc. "Dù thế nào, lệnh hạn chế này cũng tác động tiêu cực đến người tiêu dùng trên toàn cầu”, một nhà phân tích cho biết.

Bà Tracey Allen, một nhà phân tích của ngân hàng JPMorgan ở London, cho biết:Lệnh cấm xuất khẩu dầu ăn của Indonesia được cho là một đòn đau giáng vào chuỗi cung ứng nông sản, khi lượng tồn kho vốn đã bị thắt chặt do Ukraine cũng tạm ngừng xuất khẩu nông sản vô thời hạn và chi phí sản xuất cao.

Theo thống kê của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), giá dầu thực vật đã tăng 40% trong năm nay. Giá dầu thực vật leo thang khiến các nhà bán lẻ ở nhiều quốc gia phải kiểm soát khâu phân phối hàng hóa.

Cụ thể, vào tháng 3, các siêu thị ở một số nước châu Âu đã bắt đầu hạn chế lượng dầu ăn mà khách có thể mua. Trong vài ngày qua, các nhà bán lẻ hàng đầu của Anh như Tesco và Waitrose cũng có động thái tương tự.

Hoàng Anh

ADB nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên 6,4% năm 2024 và 6,6% năm 2025
Theo các chuyên gia từ ADB, hoạt động thương mại của Việt Nam mạnh hơn dự kiến, sản xuất chế biến chế tạo hàng xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, và việc tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ tài khóa đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, tổ chức này đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam.