|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lazada có thể hưởng lợi sau đợt tái cấu trúc quan trọng nhất kể từ khi thành lập của Alibaba

07:07 | 31/03/2023
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, sàn thương mại điện tử Lazada có thể thực hiện đợt IPO riêng biệt, trở nên tự chủ hơn và có khả năng gọi vốn từ bên ngoài sau khi công ty mẹ Alibaba quyết định tái cấu trúc, phân tách thành 6 đơn vị kinh doanh riêng biệt.

Các nhà phân tích và nhà đầu tư đang phản ứng tích cực với kế hoạch tái cấu trúc của gã khổng lồ Alibaba sau khi có thông tin về việc ông lớn thương mại điện tử Trung Quốc này tách thành 6 đơn vị kinh doanh riêng biệt, theo Tech in Asia.

Theo đó, giá cổ phiếu của công ty đã tăng 14,26% kể từ khi gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc công bố quyết định chia đế chế của mình thành 6 đơn vị kinh doanh riêng biệt. Động thái này sẽ ảnh hưởng đến Lazada, chi nhánh thương mại điện tử ở khu vực Đông Nam Á của Alibaba.

Lazada có thể hưởng lợi từ đợt tái cấu trúc của Alibaba. (Ảnh: CNBC).

Theo những thông tin được phía Alibaba chia sẻ về đợt tái cấu trúc quan trọng bậc nhất lịch sử công ty, Lazada sẽ trực thuộc Nhóm Kinh doanh Kỹ thuật số Toàn cầu (Global Digital Business Group), đơn vị bao gồm cả AliExpress, Trendyol và Daraz.

Zerlina Zeng, nhà phân tích cấp cao tại CreditSights chuyên về các tập đoàn Trung Quốc, nhận xét sau khi thay đổi, ban quản lý của Lazada có thể trở nên “phi tập trung hơn và do đó có thể linh hoạt hơn với các quyết định của mình”.

“Chúng tôi kỳ vọng Alibaba sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ kiếm tiền và hiệu quả hoạt động, đồng thời giảm thiểu tổn thất từ hoạt động của Lazada”, chuyên gia của CreditSights với Tech in Asia. Zeng nói thêm rằng Lazada có thể tiến hành IPO, điều này có thể thu hút vốn bên ngoài mà công ty có thể sử dụng để mở rộng quy mô.

Trong báo cáo tài chính mới nhất của mình, gã khổng lồ Alibaba cho biết sàn thương mại điện tử Lazada không chỉ cải thiện tốc độ tăng trưởng đơn hàng và tỷ lệ kiếm tiền mà còn thu hẹp các khoản lỗ trên mỗi đơn hàng.

Angus Mackintosh, một nhà phân tích tại CrossASEAN Research, người đóng góp cho SmartKarma, nói với Tech in Asia rằng ông tin rằng động thái tái cấu trúc mới này của Alibaba cũng mở ra khả năng huy động vốn mới cho Lazada.

Mackintosh nói: “Với việc Trung Quốc ngày càng siết chặt các hoạt động của lĩnh vực công nghệ trong nước, các khoản đầu tư ra nước ngoài có thể trở nên quan trọng hơn. Những động thái như việc Alibaba bơm 1,6 tỷ USD vào Lazada trong suốt năm 2022 và khoản đầu tư của Lazada vào ví điện tử Dana của Indonesia cho thấy rằng các công ty thương mại điện tử này đang trở thành ngành kinh doanh có mức độ ưu tiên cao hơn đối với công ty mẹ”.

Những phân tích trước đây từ Tech in Asia đã chỉ ra những lý do khác khiến Lazada có nhiều quyền tự chủ hơn sau quyết định tái cấu trúc của Alibaba, bao gồm cả triển vọng giúp nền tảng này tăng giá trị. Tech in Asia cũng đã liên hệ với Lazada để nhận xét về kế hoạch tái cơ cấu của Alibaba, song phía Lazada chưa có phản hồi.

Trước đó, trong năm 2022, tổng vốn đầu tư mà Alibaba rót vào sàn thương mại điện tử Lazada đã đạt mức 1,6 tỷ USD. Vào tháng 5, Lazada đã nhận được một khoản đầu tư trị giá 378,25 triệu USD. Tới tháng 8, sàn thương mại điện tử này tiếp tục nhận thêm khoản đầu tư trị giá 912,5 triệu USD khác. Tháng 12, Lazada đã nhận được thêm khoản đầu tư trị giá 342,5 triệu USD khác từ Alibaba.

Lazada từng là sàn thương mại điện tử số một tại thị trường Đông Nam Á, song gần đây đã vấp phải sự cạnh tranh từ các công ty mới nổi nhưng rất “đáng gờm” như Shopee của Sea Group hay Tokopedia của Indonesia.

Anh Nguyễn