Lặng sóng thị trường tiền tệ
Cung ngoại tệ dồi dào nhờ kiều hối chảy mạnh vào Việt Nam dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Thành Hoa. |
Cung ngoại tệ dồi dào nhờ kiều hối chảy mạnh vào Việt Nam dịp Tết Nguyên đán, kể cả nguồn tiền từ khách du lịch quốc tế cũng như Việt kiều về quê ăn Tết, và việc các tổ chức tín dụng giảm giữ ngoại tệ do nhu cầu tiền đồng tăng cao của khách hàng.
Theo chu kỳ, thường tiền đồng quay trở lại ngân hàng sau Tết cả từ dân cư lẫn doanh nghiệp, vì thế một số ngân hàng lớn như VietinBank, BIDV, ACB đã hạ lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn ngắn từ năm tháng trở xuống ngay ngày cuối cùng giao dịch trước kỳ nghỉ dài. Tuy nhiên lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn từ sáu tháng trở lên vẫn tiếp tục neo ở mức cao, nhất là các kỳ hạn trên 12 tháng.
Khi lãi suất đầu ra có dư địa để đi lên như vậy và tăng trưởng huy động vốn đang không mấy thuận lợi, khó có thể dự báo lãi suất đầu vào sẽ giảm cho dù vẫn còn đó sự vận động mang tính chu kỳ của tiền đồng sau Tết. |
Các ngân hàng đang chạy nước rút để đáp ứng quy định chỉ được sử dụng 40% vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn trước khi cơ quan quản lý bước vào đợt thanh tra định kỳ mà năm nay được nhấn mạnh sẽ chú ý đến khâu hậu kiểm và kiểm soát từ xa.
Quy định này có hiệu lực từ đầu năm, nhưng không phải tất cả các tổ chức tín dụng đều đã thực hiện được. Hiện tại, theo khảo sát của người viết với những ngân hàng chủ chốt của hệ thống, khoảng 70% vốn huy động vẫn là ngắn hạn.
Trong 30% tổng vốn huy động còn lại là trung, dài hạn, thì chủ yếu là kỳ hạn gửi sáu tháng. Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết rất khó thuyết phục khách hàng gửi kỳ hạn 12 tháng hoặc dài hơn, mặc dù chênh lệch lãi suất kỳ hạn sáu tháng và một năm đã giãn ra khoảng 0,5%/năm. Người dân không muốn gửi kỳ hạn dài quá sáu tháng vì họ e ngại lãi suất biến động trong quí 3, quí 4 và nhu cầu chi tiêu đột xuất khi cần thiết.
Ngoài ra, theo ông, tăng trưởng huy động vốn từ hai năm nay đang thấp hơn tăng trưởng tín dụng và xu hướng này có khả năng sẽ còn đậm hơn trong năm 2019. Chưa có khảo sát chính thức, nhưng dường như tỷ lệ tiết kiệm của người dân đang giảm do nhu cầu tiêu dùng cho đời sống ngày một gia tăng, nhất là nhu cầu đầu tư nhà ở.
Tốc độ tiêu thụ sản phẩm của thị trường bất động sản đã “chùng xuống” ít nhiều trong quí cuối cùng của năm ngoái, song đất nền vùng ven, căn hộ tầm trung ở các đô thị vẫn được giao dịch tích cực. “Bất động sản như một kênh đầu tư vẫn đang có lợi thế hơn gửi tiết kiệm, nhất là đối với khu vực miền Bắc” - ông nhận xét.
Từ năm ngoái, các ngân hàng đã đa dạng hóa mảng bán lẻ, tập trung cho vay khách hàng cá nhân với lãi suất đầu ra cao hơn và các khoản vay có giá trị nhỏ hơn nhằm nâng lợi nhuận biên và siết chặt quản trị rủi ro. Ngay cả Vietcombank - một ngân hàng vốn có truyền thống về bán buôn - đã coi bán lẻ như một hướng kinh doanh chủ đạo và tỷ trọng bán lẻ đã được đẩy lên 47%, tiến tới ngang ngửa bán buôn trong tín dụng, theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Nghiêm Xuân Thành. Tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân và nhỏ lẻ của Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB), như lời Tổng giám đốc VIB Hàn Ngọc Vũ, hiện đã đạt 75% (bao gồm cả doanh nghiệp nhỏ, tiểu thương, hộ gia đình).
Khi lãi suất đầu ra có dư địa để đi lên như vậy và tăng trưởng huy động vốn đang không mấy thuận lợi, khó có thể dự báo lãi suất đầu vào sẽ giảm cho dù vẫn còn đó sự vận động mang tính chu kỳ của tiền đồng sau Tết. Việc quỹ dự trữ ngoại hối đang được củng cố nhờ đợt mua vào đô la Mỹ vừa qua của NHNN sẽ tạo điều kiện cho cơ quan quản lý gia cố nền tảng điều hành tỷ giá theo định hướng ổn định giá trị đồng nội tệ. Dự báo tỷ giá năm 2019 sẽ không biến động quá biên độ 2,5% nhờ ba yếu tố.
Thứ nhất, NHNN đã có thêm nguồn để can thiệp vào thị trường ngoại tệ khi cần do mua được 4 tỉ đô la Mỹ trước Tết và có thể còn mua được sau Tết. Thứ hai, NHNN không chủ trương phá giá tiền đồng để hỗ trợ xuất khẩu. Ngay trong tháng 1-2019, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với mức xuất siêu 4 tỉ đô la Mỹ. Cân bằng trong quan hệ thương mại là điều mà Mỹ đang nhìn về Việt Nam. Thứ ba dù muốn hay không, lãi suất tiền đồng vẫn là cái neo chính để thực hiện chiến lược thả nổi có kiểm soát tỷ giá.
Sự khác biệt trong điều hành lãi suất của NHNN sẽ được thể hiện rõ hơn trong thời gian tới dựa trên sự phân hóa các hướng tín dụng. Hoạt động tín dụng đang và sẽ được chẻ ra. Năm lĩnh vực ưu tiên được vay vốn lãi suất ưu đãi trong khi để đẩy lùi cho vay nặng lãi, tín dụng đen, các ngân hàng đã được bật đèn xanh để tiếp cận và mở rộng tiếp cận các đối tượng chưa có điều kiện giao dịch với ngân hàng.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết các ngân hàng có thể cho vay với lãi suất tới 12%/năm đối với những đối tượng đang vay nặng lãi mà chưa biết cách hoặc chưa có điều kiện làm quen dịch vụ ngân hàng, tất nhiên cần thông qua sự giới thiệu, hợp tác của chính quyền địa phương. Mức lãi suất trên đảm bảo cho các ngân hàng cân đối chi phí và thấp hơn rất, rất nhiều cho vay nặng lãi, đặc biệt tại địa bàn nông thôn.