|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Phản ứng đầu tiên của thị trường tiền tệ sau khi Fed tăng lãi suất

14:19 | 23/12/2018
Chia sẻ
Ngay trong ngày Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, lãi suất đô la (USD) trên thị trường tiền tệ đã tăng thêm 0,1-0,3% các kỳ hạn. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục bơm ròng qua cả kênh tín phiếu và thị trường mở (OMO), lãi suất tiền đồng giảm nhẹ, song vẫn neo cao.
phan ung dau tien cua thi truong tien te sau khi fed tang lai suat Fed tăng lãi suất, Việt Nam bị tác động tới mức nào?
phan ung dau tien cua thi truong tien te sau khi fed tang lai suat

Thị trường USD liên ngân hàng có lẽ là thị trường đầu tiên trong nước phản ứng với tin tăng lãi suất từ Fed rạng sang hôm 20-12. Ngay trong ngày, lãi suất USD liên ngân hàng đã tăng từ 0,1-0,3% các kỳ hạn. Khi lãi suất tăng, các giao dịch chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm, có những thời điểm ghi nhận ở mức 2,6%, cao hơn 0,35% so với thời điểm trước đó.

Việc lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng (LNH) tăng nhanh ngay sau khi Fed tăng lãi suất thực tế chưa phản ánh cầu USD tăng cao, do thanh khoản USD liên ngân hàng vẫn ổn định, mà chủ yếu do tâm lý các nhà giao dịch (phần lớn là các ngân hàng) cho rằng cần đẩy lãi suất USD trong nước cao hơn để cân bằng với lãi suất tiền USD tại Mỹ. Điều này là cần thiết để tránh rủi ro đầu cơ ngoại tệ, tác động tiêu cực tới dòng tiền USD của chính các nhà giao dịch.

Thị trường tiền đồng LNH tuần này ghi nhận mức giảm nhẹ các kỳ hạn, ở mức từ 0,1-0,2%. Yếu tố chính hỗ trợ thanh khoản thị trường là một lượng lớn tín phiếu NHNN - gần 26.000 tỉ đồng đáo hạn, đồng thời NHNN vẫn gọi thầu qua OMO, với tổng vốn bơm vào liên ngân hàng tuần này khoảng 52.300 tỉ đồng. Tổng cộng, NHNN bơm ròng gần 19.000 tỉ đồng qua hai kênh trong tuần này, thể hiện trên Cổng thông tin điện tử của NHNN.

Tác động của việc lãi suất USD tăng ảnh hưởng lên lãi suất VND trên thị trường LNH cần có thời gian và độ trễ của cơ chế dẫn truyền do nhu cầu nắm giữ và sử dụng đồng đô la Mỹ ở Việt Nam bị hạn chế lớn do luật pháp. Điển hình nhất là trần lãi suất huy động USD là 0% và giới hạn đáng kể đối tượng được vay vốn USD làm triệt tiêu đáng kể nhu cầu găm giữ ngoại tệ trong dân. Tuy nhiên, việc Fed tăng lãi suất về lâu về dài vẫn sẽ gây áp lực lớn cho việc tăng lãi suất nội tệ, nhưng có độ trễ và phụ thuộc lớn vào mục tiêu và động thái của NHNN.

Trước mắt, nối tiếp việc lãi suất USD trên thị trường tiền tệ tăng cao, có lẽ sẽ là ảnh hưởng tới tỷ giá – thước đo tương quan sức mạnh của các cặp tiền. Tuy nhiên, diễn biến thị trường ngoại hối trong nước và quốc tế là có những bước đi trái chiều những ngày gần đây.

Cụ thể, chỉ số USD index ngày hôm qua (21-12) giảm 60 điểm so với ngày giao dịch trước đó. USD trượt giá so với hầu hết các đồng tiền trong nhóm G7 (nhóm có các cặp tiền mạnh, được giao dịch nhiều).

Tỷ giá USD/VND có xu hướng giảm nhẹ và đi ngang trong ngày hôm qua. Đây không phải trường hợp đầu tiên, USD mất giá so với một số đồng tiền khác khi Fed tăng lãi suất.

Nguyên nhân chính được cho là việc Fed tăng lãi suất các nhà đầu tư đã dự báo trước và chủ động mua vào USD (long position) từ trước, khi thông tin nâng lãi suất chính thức ra thì thị trường có những động thái bán USD ra, chốt lời, đẩy giá USD giảm so với một số đồng tiền. Tuy nhiên, xu thế thường chỉ diễn ra trong vài ngày đến 1 tuần.

Đồng đô la Mỹ mạnh hơn sẽ gây áp lực đáng kể lên tỷ giá và lạm phát và sau đó là lãi suất tiền đồng trong năm tới.

Xem thêm

Phạm Long