Làn sóng tẩy chay Nike lan rộng khắp thế giới khi CEO tuyên bố đây là thương hiệu của Trung Quốc và vì Trung Quốc
Ngay sau tuyên bố đến từ CEO Nike, trên mạng xã hội Twitter đã xuất hiện hàng loạt hashtag với nội dung "Boycott Nike". Nhiều người tiêu dùng đã không hài lòng với tuyên bố của Nike. Một số người thì bày tỏ sự bất bình với động thái "hai mặt" đến từ hãng thể thao Mỹ, trong khi số còn lại cho biết sẽ không mua thêm bất cứ sản phẩm nào của Nike.
Làn sóng tẩy chay Nike trên mạng xã hội. (Nguồn: Twitter).
Trước đó, ông John Donahoe - CEO của Nike đã có một tuyên bố gây sốc rằng Nike là một "thương hiệu của Trung Quốc". Đây được cho là động thái xoa dịu đối với khách hàng Trung Quốc sau những lùm xùm liên quan tới Tân Cương.
"Chúng tôi là thương hiệu thể thao lớn nhất ở đó, và chúng tôi là thương hiệu của Trung Quốc và vì Trung Quốc", CEO Nike, John Donahoe nói.
"Tài sản lớn nhất mà chúng tôi có ở Trung Quốc là người tiêu dùng. Người tiêu dùng cảm thấy có mối liên hệ chặt chẽ và sâu sắc với các thương hiệu Nike, Jordan và Converse. Và điều đó là có thật", ông nói thêm.
Donahoe đã đưa ra lời giải thích rằng Nike có tầm nhìn trong dài hạn về thị trường Trung Quốc - nơi họ đã hoạt động trong gần 4 thập kỷ.
Hôm thứ năm (24/6), Nike đã báo cáo doanh số bán hàng tại Trung Quốc đại lục hơn 1,9 tỷ USD trong quý tài chính kết thúc vào ngày 31/5, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020.
Trước đó, vào tháng 3, Nike vướng phải làn sóng tẩy chay tại Trung Quốc vì những phát ngôn liên quan đến tình hình sử dụng lao động tại Tân Cương. Họ tuyên bố rằng các sản phẩm của mình không sử dụng vải vóc hoặc nguyên vật liệu từ khu vực này, tiêu biêu là bông vải Tân Cương.