|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lận đận xăng sinh học

15:57 | 19/10/2018
Chia sẻ
Nhà nước đã và sẽ dành nhiều ưu ái cho ngành pha chế xăng sinh học (xăng E5, E10), nhưng giá nguyên liệu để sản xuất ethanol, nguyên liệu để pha chế xăng E5, cao cộng với những hạn chế đối với ethanol nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước đang khiến cho lợi thế về giá của xăng E5 mất dần và do đó cũng khó tiếp cận người tiêu dùng hơn.
lan dan xang sinh hoc
Nguyên liệu để pha chế xăng E5, cao cộng với những hạn chế đối với ethanol nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước đang khiến cho lợi thế về giá của xăng E5 mất dần. Ảnh: THÀNH HOA

Giá nguyên liệu cao và hàng rào đối với ethanol nhập khẩu

Gần một năm sau khi xăng E5 được triển khai bán đại trà cùng xăng khoáng RON 95, loại bỏ hoàn toàn xăng RON 92 ra khỏi thị trường, hiện chưa có một báo cáo chính thức, đầy đủ được công khai về tình hình tiêu thụ xăng E5. Mới nhất, tại cuộc làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng với tập đoàn Petrolimex cách đây ba tuần, Petrolimex cho biết lượng tiêu thụ xăng E5 của tập đoàn chiếm 44% tổng sản lượng bán ra.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng bán được lượng xăng E5 ra ngoài thị trường như Petrolimex - đầu mối xăng dầu lớn nhất Việt Nam. Các doanh nghiệp khác chắc chắn có lượng tiêu thụ thấp hơn nhiều. Trừ những lần điều chỉnh giá xăng dầu thì xăng E5 cũng luôn có tên trong danh sách điều chỉnh đầu tiên.

Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến 2015, tầm nhìn 2025 của Chính phủ được ban hành cuối năm 2007, đã trải qua 11 năm để chuẩn bị. Quá trình chuẩn bị rất kỹ lưỡng đó với mong muốn tốt đẹp rằng xăng sinh học có thể đi vào cuộc sống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, khuyến khích sử dụng năng lượng xanh.

Nhưng không phải mọi chuyện có thể diễn ra như ý muốn. Cho đến thời điểm này, có thể nói việc phát triển các doanh nghiệp sản xuất ethanol đã thất bại. Bằng chứng là ngoại trừ doanh nghiệp tư nhân Tùng Lâm (Quảng Ngãi) đến nay là doanh nghiệp duy nhất trong nước có thể sản xuất được ethanol bán cho các cơ sở phối trộn, với tổng công suất 200.000 mét khối/năm, đủ để phối trộn ra hơn 5 triệu mét khối xăng sinh học E5 RON 92, các dự án khác của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tại Dung Quất, Bình Phước và Phú Thọ hiện vẫn “đắp chiếu” vì các lý do khác nhau. Báo cáo của Bộ Công Thương ra Quốc hội hồi tháng 5-2018 cho biết, cả ba dự án đều có những vướng mắc nên chưa thể tái khởi động được và mục tiêu có nguồn ethanol bổ sung từ cuối năm 2017 cũng “phá sản” theo.

Từ ngày xăng sinh học được phân phối thay thế cho RON 92, chưa bao giờ giá ethanol hết “nóng”. Điệp khúc tăng giá ethanol là khá đều đặn trong chín tháng qua. Như đợt điều chỉnh giá xăng dầu mới nhất hôm 5-10, giá ethanol nhiên liệu là 15.458 đồng/lít (chưa bao gồm thuế GTGT). Với con số tính toán được Bộ Công Thương công bố hồi tháng 7-2017, ước tính mỗi năm cần ít nhất 267.850 mét khối ethanol để pha chế xăng sinh học, việc chỉ cần tăng giảm vài trăm đồng/lít cũng đã tác động đến lợi nhuận của doanh nghiệp rất nhiều.

Một vấn đề nữa của nguồn nguyên liệu để sản xuất ethanol tại Việt Nam là hiện nay duy nhất chỉ có khoai mì lát (sắn lát), đây cũng là nguyên liệu của nhiều ngành công nghiệp khác cũng như là mặt hàng xuất khẩu ăn khách của Việt Nam.

Từ đầu năm đến nay, giá khoai mì lát liên tục tăng cao do các nhà máy sản xuất cồn và ethanol ở Trung Quốc tăng cường nhập khẩu để sản xuất. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính chung sáu tháng đầu năm, lượng khoai mì và các sản phẩm từ khoai mì (90% xuất đi Trung Quốc) đã đạt 1,47 triệu tấn, trị giá 543 triệu đô la Mỹ, giảm 26,4% về lượng nhưng tăng 8,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá xuất khẩu bình quân tăng gần 80% so với cùng kỳ năm 2017.

Với mức giá nguyên liệu cao như vậy, việc chế biến ra ethanol cũng không thể rẻ, nên bài toán hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất ethanol về thuế, hàng rào kỹ thuật nhập khẩu để giá ethanol hạ nhiệt... có thể phát huy tác dụng trong một thời gian ngắn song không thể kéo dài và Việt Nam không tìm được nguồn nguyên liệu nào khác có sản lượng lớn và giá rẻ thay cho khoai mì lát để sản xuất ethanol.

Về lý thuyết, không có chính sách nào buộc các doanh nghiệp pha chế xăng sinh học phải mua ethanol nguyên liệu trong nước sản xuất mà không được nhập khẩu. Song Chỉ thị 11-2017 của Bộ Công Thương hồi tháng 9-2017 về tăng cường triển khai thực hiện lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống nhấn mạnh: “Chủ động phối hợp với Bộ Tài chính, nghiên cứu về thuế đối với nguồn ethanol nhiên liệu E100, đảm bảo chênh lệch giá của E100 nhập khẩu cao hơn 5-7% so với E100 sản xuất trong nước”. Nói khác đi, kể cả trong điều kiện sắn nguyên liệu sản xuất ethanol đầu vào tăng cao như hiện nay, việc mở rộng thị trường cho ethanol nhập khẩu cũng hạn chế.

Sẽ còn hỗ trợ nhiều hơn

Việc Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) , trong đó quy định chính sách thu thuế TTĐB đối với xăng E5 là 8% kể từ ngày 1-1-2016 (so với mức 10% của xăng khoáng) đồng nghĩa với việc phải hoàn thuế TTĐB (khấu trừ lại 2% đã thu) đối với lượng xăng E5 bán ra từ thời điểm đó đến nay. Theo tờ trình, năm 2016 số thuế này không đáng kể, song từ năm 2017 và 2018 dự kiến khoảng 750 tỉ đồng. Bộ đề nghị nguồn ngân sách trung ương xuất cấp để khấu trừ cho doanh nghiệp (một phần ba số khấu trừ này cho Petrolimex). Như vậy có thể nói, giá xăng cơ sở tính trong mỗi kỳ điều hành giá được công bố liên tiếp chưa tính đúng tính đủ. Đối với xăng E5 nói riêng, ngoài việc trích quỹ bình ổn giá luôn cao hơn xăng khoáng RON 95 (có kỳ trích cao gấp đôi) và các chi phí, lợi nhuận định mức khác còn chưa tính mức khấu trừ thuế cho doanh nghiệp. Nếu tính đủ, phải có cả phần ngân sách dự kiến cấp bù này vào giá cơ sở của E5.

Cũng kể từ đầu năm 2019, thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng E5 cũng chỉ ở mức 3.000 đồng/lít (như hiện hành), trong khi thuế BVMT đối với xăng khoáng tăng thêm 1.000 đồng/lít. Như vậy xăng E5 chỉ còn phải nộp 75% mức thuế BVMT so với xăng khoáng, nhằm tạo thêm khoảng cách đối với xăng RON 95 để định hướng tiêu dùng.

Hàng loạt các chính sách giảm thuế, hoàn thuế, dựng hàng rào kỹ thuật nhập khẩu... đối với xăng E5 đã và đang có hiệu lực. Nhưng người tiêu dùng có thể hy vọng giá nguyên liệu ethanol sẽ giảm xuống và giá xăng E5 sẽ giảm theo? Hy vọng này chỉ trở nên rõ ràng nếu giá thành sản xuất ethanol trong nước giảm dần và tiếp cận được với mặt bằng giá ethanol của thế giới. Điều này phụ thuộc vào hai yếu tố quan trọng. Thứ nhất Việt Nam có tìm được nguồn nguyên liệu nào có sản lượng đủ lớn và giá đủ rẻ để làm nguyên liệu sản xuất ethanol, ít nhất là không đắt hơn nguyên liệu để sản xuất ethanol của một số nước chủ chốt trên thế giới? Và thứ hai là ngành ethanol trong nước liệu có thể phát triển thêm những nhà sản xuất mới để tạo ra môi trường cạnh tranh hay không? Thiếu một trong hai yếu tố này thì ethanol sẽ khó mà rẻ, và nếu Việt Nam tiếp tục dùng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ ngành sản xuất ethanol trong nước thì xăng sinh học sẽ không thể rẻ được.

Xem thêm

Lan Nhi