Bài toán xăng sinh học ở Đông Nam Á
Bộ Công thương chưa thể vận hành 3 nhà máy ethanol và nỗi lo thiếu xăng sinh học |
Nông dân thu hoạch trái cọ dầu ở Indonesia. ẢNH: REUTERS |
Chính phủ các nước Đông Nam Á những năm gần đây đẩy mạnh chính sách sản xuất và sử dụng xăng sinh học nhằm hạn chế phụ thuộc vào xăng truyền thống (xăng gốc hóa thạch), giảm thiểu phát thải ô nhiễm từ động cơ xe máy và chi phí nhập khẩu nhiêu liệu. Tuy nhiên, quá trình chuyển sang xăng sinh học lại là câu chuyện đau đầu với nhiều nước.
Gánh nặng cho người tiêu dùng Theo báo cáo của tổ chức phi chính phủ chuyên về năng lượng sạch ICCT (Mỹ), diesel sinh học có giá bằng với loại truyền thống do được chính phủ Indonesia trợ giá cho ngành công nghiệp dầu cọ. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, diesel sinh học có ít năng lượng hơn sản phẩm truyền thống từ 8 - 9%. Điều này đồng nghĩa ô tô dùng diesel sinh học chạy được ít hơn vài kilomet mỗi lít, nên tài xế sẽ phải đổ thêm nhiên liệu thường xuyên hơn. Như vậy, tài xế thực chất chi nhiều tiền hơn cho cùng số ki lô mét đi được hằng năm |
Ở Thái Lan, tiêu chuẩn hiện tại là 7% ethanol (cồn sinh học) pha với 93% xăng truyền thống, theo tờ Bangkok Post. Chính phủ lên kế hoạch tăng lên 10% ethanol vào cuối năm 2018 và 20% trong các năm tới. Bangkok đồng thời quyết định giảm 500.000 tấn đường xuất khẩu trong năm nay để phục vụ sản xuất ethanol. “Hạn chế xuất khẩu đường có thể khiến nguồn cung trong nước vượt quá cầu dẫn đến giá mía giảm xuống thấp, ảnh hưởng đến nông dân. Thay vào đó, chính phủ nên khuyến khích nhà đầu tư đẩy mạnh trồng mía phục vụ sản xuất ethanol riêng, đồng thời mở chiến dịch động viên người dân dùng xăng sinh học”, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Thái Lan Theerachai Saenkaew nói với tờ Nikkei Asian Review.
Trong khi đó, Indonesia và Malaysia cũng chủ trương dùng xăng sinh học sản xuất từ dầu cọ để hạn chế nhập khẩu nhiên liệu và giảm phát thải. Bắt đầu bùng nổ từ năm 2000, hoạt động trồng cây cọ dầu thu hút 6 triệu lao động ở Indonesia và 500.000 ở Malaysia. Hai nước này hiện chiếm 90% sản lượng dầu cọ của thế giới, khoảng 65 triệu tấn mỗi năm. Dầu cọ cũng trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng sang thị trường Liên minh Châu Âu (EU). Tuy nhiên, chính phủ Indonesia và Malaysia đang đối diện sự chỉ trích gay gắt từ các tổ chức bảo vệ môi trường cũng như từ EU. Các nhà sản xuất dầu cọ bị cáo buộc phá rừng nghiêm trọng, đe dọa gây tuyệt chủng loài đười ươi.
EU cũng đã công bố kế hoạch điều chỉnh chính sách về năng lượng thay thế, dự kiến đến năm 2030 sẽ xóa sổ hoàn toàn dầu cọ trong sản xuất xăng sinh học. Trong một diễn đàn tại Jakarta hồi tháng 5, Đại sứ EU tại Indonesia Vincent Guerend cho biết: “Hoạt động trồng cây cọ dầu mở rộng nhanh chóng dẫn đến tàn phá rừng, đe dọa tới môi trường và các khu đất phục vụ nông sản khác bị lấn át”. Theo giới chuyên gia, đợt bùng nổ xăng sinh học mới cũng có nguy cơ lặp lại kịch bản của năm 2000, khi nông dân Indonesia và Malaysia đổ xô đi trồng cây cọ dầu khiến giá các nông sản khác tăng đột biến. Động thái của EU vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ chính phủ và nông dân trồng cọ dầu ở Malaysia và Indonesia, làm lo ngại nguy cơ xảy ra xung đột thương mại giữa hai nước này và EU, theo tờ South China Morning Post. Trước tình hình đó, Indonesia bắt đầu chuyển hướng xuất khẩu dầu cọ sang Trung Quốc.
Mặc dù còn nhiều vướng mắc, nhưng việc sản xuất xăng sinh học vẫn được thúc đẩy ở các nước trên. Theo giới quan sát, ngoài lý do tiết kiệm chi phí nhập nhiên liệu và bảo vệ môi trường, xăng sinh học còn là mặt hàng chính trị ở một số nước như Indonesia và Thái Lan, do nông dân trồng cọ dầu, sắn, ngô và mía - những nguồn chính để sản xuất ethanol - đóng góp lượng phiếu bầu đáng kể trong các kỳ tổng tuyển cử.