|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ Công thương chưa thể vận hành 3 nhà máy ethanol và nỗi lo thiếu xăng sinh học

16:02 | 08/05/2018
Chia sẻ
Hiện nay, Bộ Công thương và trực tiếp là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang có 3 nhà máy sản xuất ethanol chưa thể đi vào hoạt động trong khi nhu cầu ethanol để pha chế xăng sinh học đang cao.
bo cong thuong chua the van hanh 3 nha may ethanol va noi lo thieu xang sinh hoc Ép dân xài xăng sinh học? Các nước duy trì nhiều loại xăng khác nhau
bo cong thuong chua the van hanh 3 nha may ethanol va noi lo thieu xang sinh hoc Khai tử xăng RON 95: Cần lộ trình và căn cứ khoa học
bo cong thuong chua the van hanh 3 nha may ethanol va noi lo thieu xang sinh hoc [Infographics] Lượng xăng E5 tiêu thụ nội địa tăng trong đầu năm 2018

Tại báo cáo gửi Quốc hội khóa XIV về chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ Công thương cho biết ba dự án thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) là nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, Bình Phước và Phú Thọ vẫn chưa thể vận hành và Bộ đang tiếp tục giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Đối với Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi: Do chưa hoàn thành việc khắc phục hệ thống xử lý nước thải và hoàn thiện chạy thử nghiệm thu toàn bộ Nhà máy nên chưa thể quyết toán Hợp đồng EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) và thanh quyết toán Dự án.

Đơn vị quản lý là CTCP Nhiên Liệu sinh học Dầu khí Miền Trung (BSR-BF) và các cổ đông đã hoàn thành đàm phán cấp cao với đối tác là CTCP Đầu tư và Thương mại tạp phẩm (Tocontap) và hiện đang hoàn thiện hợp đồng hợp tác kinh doanh để khởi động, vận hành lại Nhà máy trong Quí II năm 2018.

Bên cạnh đó, nhà thầu là Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí (PTSC) cũng đã đồng ý ứng trước kinh phí để khắc phục hệ thống xử lý nước thải trong khi xử lý tranh chấp hợp đồng EPC.

Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Quảng Ngãi được khởi công xây dựng tháng 9/2009 với vốn đầu tư 1.887 tỷ đồng trên diện tích 24,6 ha tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nhưng đội vốn lên 2.100 tỷ đồng. Đây là nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học có quy mô đầu tư lớn nhất miền Trung, chủ yếu sản xuất cồn Ethanol 99,8% từ sắn lát, công suất 100 triệu lít một năm.

Sau 18 tháng thi công, ngày 3/2/2012 nhà máy chính thức cho ra mắt dòng ethanol đầu tiên. Tuy nhiên, từ tháng 5/2015, nhà máy phải ngừng sản xuất vì sản phẩm không bán được ra thị trường do giá thị trường thấp hơn so với giá bán của nhà máy khoảng 2.000 đồng/lít.

Ngoài ra hệ thống nước thải của nhà máy cũng cần đầu tư nâng cấp để có thể vận hành 100% công suất thiết kế.

bo cong thuong chua the van hanh 3 nha may ethanol va noi lo thieu xang sinh hoc
Nhà máy nhiên liệu sinh học ở Quảng Ngãi. Ảnh: PetroTimes.

Đối với Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước, cuối năm 2017 Bộ Công thương đã lên kế hoạch tái khởi động nhà máy này để sản xuất đáp ứng nhu cầu xăng sinh học E5 A92 trước khi chính thức khai tử xăng khoáng A92 từ ngày 1/1/2018.

Tuy nhiên theo Báo cáo mới đây của Bộ Công thương, đến tháng 4 này nhà máy vẫn chưa thể vận hành lại được. Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông (OBF) vẫn đang triển khai đầu tư bổ sung một số thiết bị để đảm bảo vận hành ổn định nhà máy, gồm: hệ thống sấy bã, hệ thống mương tách cát, hệ thống tuần hoàn nước thải và trạm quan trắc nước thải tự động.

Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) đã dự thảo sơ bộ chứng thư thẩm định giá và phương án thoái vốn và dự kiến sẽ triển khai thực hiện sau khi Nhà máy vận hành lại ổn định một thời gian và giá trị doanh nghiệp tăng lên.

Dự án ethanol Bình Phước có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng, bị đội vốn lên hơn 1.700 tỉ đồng. Tính đến tháng 3-2013, nhà máy hoàn thành nhưng chỉ hoạt động được 5 đợt, sản xuất hơn 16 triệu lít xăng ethanol.

Cũng do giá thành sản phẩm cao, tiêu thụ hạn chế nên từ tháng 4-2013 nhà máy này hầu như không vận hành thương mại, dự tính mỗi năm dự án bị lỗ khoảng 200 tỉ đồng cho các khoản khấu hao tài sản, lãi vay, bảo dưỡng máy móc thiết bị, chi phí bộ máy…

bo cong thuong chua the van hanh 3 nha may ethanol va noi lo thieu xang sinh hoc
Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước. Ảnh: CAND.

Ngoài ra, PVN còn có một nhà máy nhiên liệu sinh học khác đang xây dựng dở dang là nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ.

So với hai nhà máy ở Quảng Ngãi, Bình Phước, nhà máy ở Phú Thọ được bắt đầu xây dựng sớm nhất nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành do nhà thầu đã dừng thi công từ tháng 11-2011. Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra và đưa ra kết luận, đơn vị được chỉ định thầu thực hiện dự án là Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí (PVC) là nhà thầu chưa có năng lực, kinh nghiệm trong việc thực hiện dự án nhiên liệu sinh học.

Theo lý giải của Bộ Công thương, việc tiếp tục đầu tư để hoàn thành Dự án vẫn chưa thực hiện được do quá trình tìm kiếm, đàm phán với các đối tác về phương án hợp tác kinh doanh, khởi động vận hành lại Nhà máy kéo dài, phụ thuộc vào đối tác. Hiện nay, chủ đầu tư dự án là CTCP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB) tìm kiếm đối tác đầu tư tiếp Dự án theo nguyên tắc đối tác hợp tác sẽ góp toàn bộ vốn còn thiếu để triển khai, hoàn thành Dự án.

Nỗi lo thiếu nguyên liệu Ethanol để sản xuất xăng sinh học

Năng lực sản xuất ethanol (E100) của các nhà máy ethanol tại Việt Nam hiện là 300.000 m3/năm, gồm: 200.000 m3 của hai nhà máy của Công ty TNHH Tùng Lâm và 100.000 m3 của nhà máy ethanol Dung Quất, vốn cũng bị "đắp chiếu" trong nhiều năm và mới được khởi động lại đầu năm nay.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, lượng RON 92 cả nước tiêu thụ là khoảng 5,4 triệu m3/năm. Để pha chế lượng xăng E5 RON 92 tương đương cần khoảng 250.000 – 270.000m3 Ethanol (E100) mỗi năm, tức đã chiếm gần hết công suất tối đa 300.000 m3 của Tùng Lâm và Dung Quất.

Tuy nhiên mới đây có doanh nghiệp đề xuất khai tử luôn xăng khoáng RON 95 và thay vào đó là chỉ dùng xăng sinh học E5 RON 92 và E5 RON 95. Nếu đề xuất này được thực hiện trong khi các nhà máy ethanol ở Quảng Ngãi, Bình Phước và Phú Thọ chưa đi vào hoạt động thì lượng E100 cần sẽ vượt quá năng lực sản xuất hiện có.

Kiên Dương