|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Làm việc từ xa: Lợi hay hại?

08:58 | 27/06/2020
Chia sẻ
Đại dịch COVID-19 đã "tạo điều kiện" để các doanh nghiệp buộc phải trải nghiệm cho nhân viên làm việc từ xa. Kết quả là nhiều ông lớn công nghệ như Facebook, Twitter đã cho phép nhân viên một số bộ phận làm việc tại nhà thời gian dài. Vậy rốt cuộc, làm việc từ xa lợi hay hại?
Làm việc từ xa: Lợi hay hại? - Ảnh 1.

(Ảnh: Workable).

Theo Cục điều tra dân số Mỹ, gần 33% tổng lực lượng lao động và 50% lao động tri thức tại Mỹ sẽ có thể chuyển sang làm việc tại nhà. Dù bắt đầu từ nhiều năm trước, nhưng đại dịch COVID-19 mới thúc đẩy tăng tốc xu hướng chuyển dịch sang làm việc từ xa, cả bán phần hoặc toàn phần.

Trải nghiệm qua hàng tháng làm việc tại nhà giữa thời kì phong tỏa hàng loạt, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu nhận ra làm việc từ xa không xấu như họ vẫn nghĩ.           

Khảo sát mới đây của Buffer về mức độ hài lòng của các doanh nghiệp và nhân viên đối với hình thức làm việc từ xa với hơn 3.500 người lao động, đã đánh giá ưu và nhược điểm của hình thức làm việc mới này.

Công ty cung cấp phần mềm quản lí phương tiện truyền thông xã hội Buffer từng làm việc với các thương hiệu lớn như Microsoft, Shoptify, các trang tin tức lớn như Business Insider.

Làm việc linh hoạt hơn

Nó không có gì bí mật rằng mọi người coi trọng sự tự do lựa chọn. Một con số khổng lồ  mọi người muốn có tùy chọn làm việc từ xa cho phần còn lại của sự nghiệp.

Làm việc từ xa: Lợi hay hại? - Ảnh 2.

(Ảnh: Visual Capitalist).

Theo kết quả khảo sát, 98% người tham gia muốn làm việc tại nhà đến hết thời gian làm việc tại công ty hiện tại của họ. Sau đây là một số lí do khiến cho hầu như những người tham gia khảo sát lựa chọn hình thức làm việc tại nhà:

Các lí do tiêu biểu nhất gồm có lịch trình làm việc linh hoạt với 32%, người lao động có thể làm việc từ bất kì địa điểm nào (26%) và không mất thời gian đi lại (21%).

Tuy nhiên, đi kèm với những ưu điểm trên là một số thách thức khác mà người lao động phải đối mặt khi làm việc từ xa.

Làm việc từ xa: Lợi hay hại? - Ảnh 3.

(Ảnh: Visual Capitalist).

Vấn đề nổi cộm nhất mà những nhân viên làm việc từ xa mắc phải, là khó khăn trong việc phân chia công việc khi làm việc ở nhà. 

Việc không có sự xác định rõ ràng về địa điểm và thời gian làm việc hành chính khiến nhiều người còn bối rối trong việc phân chia thời gian dành cho công việc và cho nhu cầu cá nhân.

Làm việc từ xa: Lợi hay hại? - Ảnh 4.

(Ảnh: Visual Capitalist).

Đồng thời, môi trường thiếu giao tiếp giữa người với người có thể là một thách thức đối với một số nhân viên. Trên thực tế, 33% người tham gia khảo sát lo ngại rằng nỗ lực cải thiện trình độ chuyên môn của họ sẽ không được đánh giá cao, vì thiếu đi khâu tương tác tại các không gian văn phòng làm việc.

Song, đối với đa số mọi người, việc giao tiếp qua điện thoại hoặc phần mềm gọi hội nghị trực tuyến được coi là có đem lại kết quả tích cực nếu những cuộc tranh luận diễn ra.

Các rào cản trong việc thực hiện chính sách làm việc từ xa

Mặc dù sự phổ biến của làm việc từ xa và linh hoạt, không phải mọi công ty đều chấp nhận khái niệm này. Dưới đây là một số lí do tại sao.

Làm việc từ xa: Lợi hay hại? - Ảnh 5.

(Ảnh: Visual Capitalist).

Mặc dù vẫn tồn tại những lí do liên quan đến khâu kĩ thuật hay bảo mật thông tin khiến cho nhiều doanh nghiệp vẫn ngại áp dụng chính sách làm việc từ xa, theo Buffer, rào cản lớn nhất là vẫn là tâm lí ngại thay đổi của các doanh nghiệp.

Hơn 50% các công ty tham gia khảo sát không áp dụng chính sách làm việc từ xa (hay linh hoạt) cho biết lí do là do "đã có chính sách làm việc lâu đời". Hay nói cách khác, họ muốn giữ nguyên cách thức mà họ vẫn luôn hoạt động.

Dưới đây là các vấn đề mà các nhà quản lí gặp phải khi dẫn dắt đội ngũ của họ từ xa:

Làm việc từ xa: Lợi hay hại? - Ảnh 6.

(Ảnh: Visual Capitalist).

Theo Buffer, các nhà quản lí lo ngại năng suất và sự tập trung sẽ sụt giảm, nếu mọi người làm việc ở những địa điểm không chính thức, chẳng hạn như ở nhà hoặc tại các quán cà phê.

Ngoài ra, nếu mọi người không làm việc ở cùng một vị trí, các nhà quản lí nhận thấy rằng sự gắn kết của nhóm và văn hóa công ty cũng có thể chịu tác động tiêu cực.

Trong khi đó, mức chi phí tiết kiệm được từ việc chuyển sang làm việc từ xa có khả năng thu hút sự chú ý của nhiều công ty, trước bối cảnh họ phải cắt giảm chi tiêu để duy trì hoạt động.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng một nhà tuyển dụng điển hình có thể tiết kiệm được khoảng 11.000 USD mỗi năm với một nhân viên làm việc từ xa bán phần. Đồng thời, khi nhân viên chuyển sang hội họp trực tuyến trong một số trường hợp cũng có thể tiết kiệm đáng kể chi phí cho doanh nghiệp.

Sự linh hoạt có phải là ưu điểm tối thượng nhất?

Địa điểm làm việc linh hoạt không chỉ là biện pháp giữ chân các nhân viên hiện tại của doanh nghiệp, mà còn là "vũ khí" để họ chiêu mộ nhân tài. Các doanh nghiệp không có  chính sách làm việc linh hoạt có thể sẽ gặp bất lợi hơn khi tuyển dụng nhân sự mới.

Khảo sát cho thấy, gần 67% ứng viên xin việc cho biết việc có thể chọn lựa địa điểm làm việc, là một yếu tố quan trọng để họ cân nhắc lựa chọn nhà tuyển dụng.

Làm việc từ xa: Lợi hay hại? - Ảnh 7.

(Ảnh: Visual Capitalist).

Giai đoạn phong tỏa đồng loạt vào hai tháng trước đã làm nổi bật giá trị của việc có một chính sách nơi làm việc linh hoạt - đặc biệt là đối với những người lao động đã có con cái.

Theo Buffer, tổng cộng có 86% phụ huynh hiện muốn làm việc linh hoạt hơn, so với 46% ghi nhận trong giai đoạn trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Cuối cùng, dù các nền kinh tế đã rục rịch mở cửa trở lại, việc đại dịch COVID-19 có hay không thúc đẩy tốc độ dịch chuyển cách thức làm việc sang làm việc từ xa vẫn chưa rõ ràng. Nếu COVID-19 thực sự mở ra kỉ nguyên làm việc tại nhà, việc "mặc áo sơ mi xỏ quần đùi" mở Zoom gọi họp trực tuyến mỗi tuần sẽ trở nên quá đỗi quen thuộc cho hàng triệu người lao động trên toàn thế giới.

Điêu Quân/Theo Visual Capitalist