|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lạm phát - phép thử cho sức bền kinh tế Mỹ

07:06 | 27/02/2024
Chia sẻ
Lạm phát đã thay đổi cách thức mua sắm của nhiều người dân Mỹ. Giờ đây, những thay đổi trong thói quen tiêu dùng đó đang giúp kiềm chế lạm phát.
 

(Ảnh minh hoạ: Getty Images).

Lạm phát đã thay đổi cách thức mua sắm của nhiều người dân Mỹ. Giờ đây, những thay đổi trong thói quen tiêu dùng đó đang giúp kiềm chế lạm phát.

Tại các cửa hàng tạp hóa, người tiêu dùng Mỹ đã chuyển sang lựa chọn các sản phẩm nhãn hiệu có giá thành rẻ hơn, tìm đến các cửa hàng giảm giá hoặc đơn giản là mua ít hơn đồ ăn vặt hoặc thực phẩm cao cấp. Ngày càng nhiều người Mỹ cũng mua xe cũ thay vì xe mới, buộc một số đại lý phải giảm giá xe mới để kích cầu.

Thực tế này đã khiến các công ty thực phẩm lớn phải đáp ứng bằng cách giảm mạnh tốc độ tăng giá so với đỉnh điểm của ba năm qua. Điều này không có nghĩa là giá thực phẩm sẽ giảm trở lại mức của vài năm trước, mặc dù với một số mặt hàng như trứng, táo và sữa, giá đã thấp hơn mức đỉnh.

Nhưng mức tăng nhẹ hơn về giá thực phẩm sẽ giúp hạ nhiệt hơn nữa lạm phát nói chung, hiện đã giảm mạnh từ mức đỉnh 9,1% năm 2022 xuống còn 3,1%.

Phản ứng mạnh của người tiêu dùng trước giá hàng hóa cao khiến nhiều nhà kinh tế học cho rằng lạm phát sẽ tiếp tục giảm. Điều đó sẽ khiến đợt lạm phát này khác biệt đáng kể so với những đợt tăng giá phi mã của thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, vốn mất nhiều thời gian hơn để kiểm soát.

Khi lạm phát cao kéo dài, người tiêu dùng thường phát triển tâm lý lạm phát: giá cả liên tục tăng khiến họ đẩy nhanh việc mua hàng trước khi giá tăng thêm, một xu hướng có thể tự thân nó khiến lạm phát kéo dài.

Nhà kinh tế trưởng Gregory Daco của công ty tư vấn EY nhận định, người dân Mỹ đang chi tiêu thận trọng hơn, nhất là người tiêu dùng thu nhập thấp đang phải gánh thêm nợ thẻ tín dụng và chậm thanh toán. Ông lưu ý tổng doanh số bán hàng trong mùa mua sắm Giáng sinh chỉ tăng 4% và phần lớn là do giá cao hơn chứ không phải do người tiêu dùng thực sự mua nhiều thứ hơn.

Trong khi đó, ông Samuel Rines, chiến lược gia về đầu tư tại Corbu lấy một loạt doanh nghiệp, trong đó có Unilever làm ví dụ điển hình cho việc doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược tăng giá để đảm bảo doanh số.

Ông cho biết Unilever đã tăng giá trung bình 13,3% trên tất cả các thương hiệu của mình trong năm 2022 và doanh số bán hàng của họ giảm 3,6% trong năm đó. Trước tình hình này, năm ngoái, công ty chỉ tăng giá 2,8%, doanh số bán hàng tăng 1,8%.

Tương tự, sau khi doanh số bán hàng giảm trong ba tháng cuối năm 2023, các lãnh đạo của PepsiCo đã báo hiệu rằng năm nay họ sẽ kiềm chế việc tăng giá và tập trung hơn vào việc thúc đẩy doanh số.

Theo đánh giá của các quan chức tại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), chính sự hạn chế chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ khi giá cả hàng hóa tăng cao là một lý do chính khiến họ kỳ vọng lạm phát sẽ từng bước giảm về mức mục tiêu 2%.

Các khảo sát của các ngân hàng khu vực thuộc Fed cho thấy các công ty trên tất cả các ngành dự kiến sẽ tăng giá ít hơn trong năm nay. Chi nhánh Fed tại New York cho biết các công ty trong khu vực có kế hoạch tăng giá trung bình khoảng 3% trong năm nay, giảm từ mức khoảng 5% trong năm 2023 và mức 7%-9% trong năm 2022.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ trong tháng 1/2024 tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2023, tuy thấp hơn mức tăng 3,4% trong tháng 12/2023, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với mức tăng 2,9% theo dự báo trung bình của MarketWatch.

CPI lõi, không tính giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, trong cùng thời gian này đã tăng 3,9%, tương đương mức tăng của tháng 12/2023, bất chấp kỳ vọng chỉ số này giảm hơn nữa. Điều này cho thấy con đường giảm lạm phát vẫn còn nhiều chông gai.

Chỉ số CPI đã giảm từ mức đỉnh 9,1% trong tháng 6/2022 và đang tiến tới mức 2% là tin tốt cho các nhà hoạch định chính sách, cũng như khả năng phục hồi rõ ràng của nền kinh tế khi lạm phát hạ nhiệt.

Chuyên gia kinh tế Rubeela Farooqi tại High Frequency Economics cho biết, dữ liệu mới nhất cho thấy sự tăng tốc trở lại, đặc biệt là trong các số liệu hàng năm trong ba và sáu tháng. Điều này ủng hộ quan điểm của Fed rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ không xảy ra ngay lập tức.

Nói cách khác, lạm phát đang trên đà giảm, nhưng có lẽ chưa đủ nhanh để khuyến khích các quan chức Fed sớm bắt đầu nới lỏng lãi suất. Các quan chức có thể sẽ kiên nhẫn khi tiếp cận các quyết định chính sách trong tương lai.

Mặc dù hiện tại có khả năng "bi quan về lạm phát", song nhà kinh tế trưởng của EY Gregory Daco cho biết, một số yếu tố "vẫn sẽ tạo thành sự kết hợp hoàn hảo cho việc tỷ lệ lạm phát giảm dần cho đến năm 2024. Những yếu tố này bao gồm sự sụt giảm về mức tăng nhu cầu tiêu dùng, giảm lạm phát tiền thuê nhà và tăng trưởng tiền lương ở mức vừa phải.

Trong khi đó, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) Mỹ cho biết, thâm hụt ngân sách nước này dự kiến sẽ tăng hơn 60% trong 10 năm tới, chủ yếu do chi phí lãi vay và chi tiêu chăm sóc sức khoẻ tăng.

Giám đốc CBO Phillip Swagel nhận định thâm hụt ngân sách dự kiến sẽ tăng từ 1.600 tỷ USD vào năm 2024 lên 2.600 tỷ USD vào năm 2034. Nếu so sánh với sản lượng kinh tế, mức thâm hụt dự kiến sẽ cao hơn đáng kể so với mức trung bình được ghi nhận trong những thập kỷ gần đây. Tương tự, nợ công của Mỹ dự kiến sẽ tăng từ 99% lên mức cao kỷ lục 116% GDP.

Theo ông Swagel, chi phí lãi vay được dự báo sẽ chiếm khoảng 75% mức thâm hụt gia tăng trong giai đoạn 2024-2034. Ngoài ra, dân số già đi và chi phí chăm sóc sức khỏe liên bang tăng lên cũng sẽ làm tăng thêm thâm hụt, do những xu hướng này thúc đẩy nhu cầu chi tiêu.

Trước đó, báo cáo do Bộ Tài chính Mỹ công bố hồi tháng Một cho thấy thâm hụt ngân sách trong quý I tài khóa 2024 (từ tháng 10 đến tháng 12/2023) tăng 21% so với cùng kỳ tài khóa trước, lên mức 510 tỷ USD. Nguyên nhân chính khiến thâm hụt ngân sách Mỹ tăng là do chi tiêu lớn hơn, trong đó có cả khoản lãi trả cho nợ công.

Lãi cho nợ công trong quý I này đã tăng 78 tỷ USD, lên mức 310 tỷ USD. Đây cũng là mức lãi nợ công cao nhất trong một quý kể từ năm 2011. Tổng nợ công của Mỹ hiện đã vượt mức 34.000 tỷ USD.

Thâm hụt ngân sách tăng và nợ công khổng lồ là những vấn đề đáng lo ngại đối với nền kinh tế Mỹ. Thâm hụt ngân sách lớn có thể dẫn đến lãi suất cao hơn, giảm đầu tư và tăng áp lực lên các chương trình xã hội. Nợ công lớn cũng có thể khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc.

Khánh Ly