|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lạm phát không tự nhiên sinh ra: Thực chất, các ông lớn vận tải biển đã 'góp' một phần sức

06:29 | 19/01/2022
Chia sẻ
Giá cước vận tải biển được dự đoán sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2022, qua đó tạo thêm một năm bội thu khác cho các hãng vận tải hàng hóa toàn cầu. Song, cùng lúc, nền kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt với rủi ro lạm phát nguy hiểm hơn.

Ngành vận tải biển "ôm trọn" 150 tỷ USD

Giá cước giao ngay cho một container loại 40 feet từ châu Á đến Mỹ đã đạt đỉnh 20.000 USD vào năm ngoái. Chỉ vài năm trước, giá cước chỉ dao động dưới mức 2.000 USD và gần đây cũng chỉ leo lên 14.000 USD.

Do công suất container còn hạn chế và hàng loạt cảng biển lớn trên thế giới đang bị tắc nghẽn nghiêm trọng, giá cước vận tải dài hạn có thể sẽ cao hơn năm ngoái khoảng 200%. Điều này đồng nghĩa rằng giá cả hàng hóa trong tương lai gần cũng sẽ tăng đáng kể.

Lạm phát không tự nhiên sinh ra: Thực chất, các ông lớn vận tải biển đã 'góp' một phần sức - Ảnh 1.

Giá cước giao ngay cho một container loại 40 feet từ châu Á đến Mỹ đã đạt đỉnh 20.000 USD vào năm ngoái. Chỉ vài năm trước, giá cước chỉ dao động dưới mức 2.000 USD và gần đây cũng chỉ leo lên 14.000 USD. (Ảnh minh họa: Bloomberg).

Nhờ giá cước tăng trưởng thần tốc, ngành vận tải biển đã chuyển từ thua lỗ trong nhiều liền thành lãi to trong năm 2021. Ước tính, các hãng vận tải biển đã thu về lợi nhuận khoảng 150 tỷ USD trong năm ngoái, tăng gấp 9 lần năm trước.

A. P. Moller-Maersk - tập đoàn vận chuyển container lớn thứ hai thế giới, đang trên đà báo cáo lợi nhuận cực khủng cho năm 2021, bằng hoặc cao hơn kết quả của cả 9 năm qua, Bloomberg cho hay.

Cổ phiếu của Maersk còn leo lên mức cao kỷ lục trong tháng 1/2022, tương tự cổ phiếu của hãng Hapag-Lloyd - tập đoàn vận tải biển lớn thứ 5 hành tinh. Nhìn chung, không khí tích cực đang bao trùm ngành công nghiệp vận tải biển toàn cầu.

Lạm phát không tự nhiên sinh ra: Thực chất, các ông lớn vận tải biển đã 'góp' một phần sức - Ảnh 2.

Doanh nghiệp nhỏ lận đận vì giá cước

Ở diễn biến khác, các khách hàng lớn của ngành vận tải biển như Walmart hoặc Ikea thường có đủ sức ảnh hưởng để thương lượng giá cước phù hợp, hoặc đơn giản là họ có thể chấp nhận hấp thụ phần chi phí tăng thêm khi cước vận tải phi mã.

Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu hoặc xuất khẩu nhỏ hơn - đặc biệt là doanh nghiệp ở các nước nghèo, lại không thể dễ dàng sang tay những chi phí đó cho khách hàng hoặc xoay xở dòng tiền eo hẹp trong thời gian dài.

Trao đổi với Bloomberg, ông Amruth Raj, Giám đốc Điều hành của Green Gardens (một công ty chế biến rau củ tại Ấn Độ), cho hay: "Các công ty vừa và nhỏ đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi cú sốc giá vận tải biển".

Sau khi giá cước container tăng vọt trong năm qua, hơn 50% dòng vốn của Green Gardens đã bị xóa sổ khi các khách hàng ở châu Âu chùn bước trước chi phí quá cao. "Các hãng vận tải biển đang bóc lột chúng tôi", ông Raj nhấn mạnh.

Lạm phát không tự nhiên sinh ra: Thực chất, các ông lớn vận tải biển đã 'góp' một phần sức - Ảnh 3.

Mùa hè năm ngoái, MCS Industries - một nhà nhập khẩu đồ trang trí nhà cửa có trụ sở tại bang Pennsylvania (Mỹ), đã đệ đơn khiếu nại hai đại gia vận tải biển MSC (Thụy Sĩ) và Cosco Shipping (Trung Quốc) lên Ủy ban Hàng hải Liên bang Mỹ.

MCS Industries cho rằng hai tập đoàn vận tải trên "…đã tận dụng sự gián đoạn mà đại dịch COVID-19 gây ra để trục lợi, gây thiệt hại cho người tiêu dùng Mỹ". MCS Industries đã đạt được một thỏa thuận bảo mật với Cosco, trong khi thủ tục kiện cáo chống lại MSC vẫn đang tiếp tục.

Ông James Hookham, Giám đốc Diễn đàn Chủ hàng Toàn cầu (Global Shippers Forum) đại diện cho các nhà nhập khẩu, xuất khẩu và chủ hàng trên toàn cầu, kết luận: "Thị trường vận tải biển không hoạt động vì lợi ích của tất cả mọi người".

"Chúng tôi tin rằng thị trường này cần phải bị điều tra, để đảm bảo khách hàng không bị lợi dụng", ông Hookham nói thêm.

Vận tải biển thổi bùng lạm phát

Không chỉ sự tồn tại của doanh nghiệp bị đe dọa khi cước vận tải leo thang. Chuyên gia Achil Yamen thuộc Hội đồng Chủ hàng Quốc gia Cameroon, đã nêu lên những lo ngại khác.

Chia sẻ với Bloomberg, ông Yamen nhấn mạnh: "Nếu không ai làm gì để đảo ngược xu hướng tăng giá của cước vận tải biển, rủi ro về lạm phát và an ninh lương thực có thể ngày càng lớn".

Quả thực, việc cước vận chuyển container phi mã đã khiến giới chính trị gia thế giới đứng ngồi không yên khi các nhà kinh tế cảnh báo rằng giá vận tải liên tục neo ở mức cao đang thổi bùng lạm phát và phủ bóng đen lên triển vọng phục hồi.

Ông Nicholas Sly, nhà kinh tế cấp cao tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Kansas, đã thực hiện một nghiên cứu. Kết quả cho thấy, chi phí vận chuyển container tăng 15% sẽ khiến lạm phát cơ bản nhích thêm 0,1 điểm % sau một năm.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, giá vận tải hiện là một thách thức dai dẳng chứ không còn là tạm thời hay nhất thời. "Những cú sốc kiểu này thường gây ra ảnh hưởng kéo dài, từ 12 đến 18 tháng", ông Sly nói.

Yên Khê