Làm nên từ tay trắng và bài học quản trị với startup muốn mở rộng quy mô
Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu như một “cuốn từ điển” chứa đựng những quan điểm hiệu quả và đầy giá trị về khởi nghiệp |
Bí quyết của ông Lý Quang Diệu
Lúc sinh thời, ông Lý Quang Diệu được coi là tấm gương sáng trong việc lãnh đạo khởi nghiệp đảo quốc Singapore, từ chỗ chỉ là một làng chài nhỏ ven biển trở thành quốc gia phát triển. Vậy nên, có thể coi việc nâng tầm Singapore giống như một dự án khởi nghiệp khổng lồ, bắt đầu từ con số 0 và “CEO” Lý Quang Diệu đã phát triển “dự án” này thành công vượt bậc.
Cũng bởi thế, trong những lý thuyết về quản trị đối nội dành cho các startup hiện nay, người ta vẫn nhắc tới cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu như một “cuốn từ điển” chứa đựng những quan điểm hiệu quả và đầy giá trị về khởi nghiệp. Chẳng hạn như khi nói về sự lãnh đạo, ông Lý Quang Diệu từng chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ là “tù nhân” của bất kỳ học thuyết nào. Những gì hướng dẫn tôi chính là lý do và thực tế. Nguyên tắc được tôi áp dụng cho mọi học thuyết và chương trình là: Giải pháp đó có hiệu quả hay không? Và hiệu quả, hiệu suất là thước đo cuối cùng, không phải những lời giới thiệu hão huyền”.
“Tôi chưa bao giờ là “tù nhân” của bất kỳ học thuyết nào. Những gì hướng dẫn tôi chính là lý do và thực tế. Nguyên tắc được tôi áp dụng cho mọi học thuyết và chương trình là: Giải pháp đó có hiệu quả hay không? Và hiệu quả, hiệu suất là thước đo cuối cùng, không phải những lời giới thiệu hão huyền”.
Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu
Khi phải nhận những chỉ trích về sự chuyên quyền, ông Lý Quang Diệu cũng rất thẳng thắn bày tỏ: “Đôi khi mọi người bị dao động… Tôi tin điều cần thiết cho một quốc gia muốn phát triển là kỷ luật, nó quan trọng hơn là dân chủ. Tâm trạng phấn khởi mà dân chủ đem lại sẽ dẫn tới sự vô kỷ luật và mất trật tự, đó lại chính là những kẻ thù của sự phát triển”.
Nhờ cách quản trị cân đối hài hòa giữa lắng nghe, chỉ đạo và khích lệ mọi người, ông Lý Quang Diệu đã làm được những điều thần kỳ cho đảo quốc bé nhỏ của châu Á. Ông cũng chính là nguồn khích lệ tinh thần lớn lao cho nhiều người khi bước chân vào con đường khởi nghiệp.
Và đến bây giờ, Singapore cũng tự hào khi được quốc tế công nhận họ đích thực là một quốc gia khởi nghiệp, với tinh thần đổi mới, sáng tạo không ngừng… Những quan điểm quản trị của nhà lập quốc Singapore Lý Quang Diệu được nhiều người coi như “cẩm nang” trong quá trình khởi nghiệp và vận hành mô hình doanh nghiệp hướng tới hiệu quả và thành công.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh luôn thẳng thắn khi chia sẻ những kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp |
Lãnh đạo doanh nghiệp thế nào cho hiệu quả?
Có một nhà sáng lập doanh nghiệp tỷ đô ở Việt Nam trong lĩnh vực nước giải khát, ngang tầm với những người khổng lồ đa quốc gia trên thế giới ở lĩnh vực này, cũng đang chia sẻ những kinh nghiệm quản trị rất tương đồng với quan điểm của ông Lý Quang Diệu. Đó là ông Trần Quí Thanh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Trong khóa học Tự động hóa Doanh nghiệp vừa diễn ra, CEO Trần Quí Thanh đã có những chia sẻ nhận được nhiều ủng hộ, khi trả lời câu hỏi: “Ở vai trò nhà lãnh đạo doanh nghiệp, ông lựa chọn cách điều hành nào?”; “Chuyên quyền, dân chủ hay cố vấn?”…
“Tôi dùng cả 3 kiểu điều hành, nhưng mức độ thế nào thì phải tự bản thân mình điều chỉnh hài hòa, để khai thác mặt tốt của từng phương pháp, hạn chế mặt xấu. Có vậy, việc quản trị mới thực sự hiệu quả” - người sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng, giải pháp “chuyên quyền” chỉ nên sử dụng khi bàn một vấn đề mà mọi người trong doanh nghiệp không có đủ năng lực, sự tự tin để thực hiện. Đó là lúc phẩm chất “đương đầu sóng gió” của người đứng đầu được phát huy. Nhưng lạm dụng “chuyên quyền” sẽ rất nguy hiểm, bởi nó hạn chế sức sáng tạo của tập thể.
Dân chủ cũng là giải pháp mà ông Trần Quí Thanh lựa chọn trong quản trị doanh nghiệp. Điều thú vị mà CEO này chia sẻ là tại Tân Hiệp Phát, có một nguyên tắc bất thành văn được áp dụng: Ai dự họp cũng phải đưa ra ý kiến của mình, bất luận đó là nhân viên hay quản lý. Tại sao lại như vậy? Ông Trần Quí Thanh cho rằng, đi họp cũng là làm việc, và người lao động được nhận lương cho lúc “làm việc” này.
Nếu họ chỉ ngồi đó, nghe và… không có chính kiến gì, thì rõ ràng không hiệu quả. Việc mỗi người nêu ra ý kiến sẽ giúp khai thác tối đa sức sáng tạo của tập thể, có điều gì hay thì chính những lãnh đạo cũng phải ghi nhận và học hỏi, còn nếu… “Ý kiến dở thì cũng không quá tệ! Vì qua đó, người lãnh đạo phân loại được ngay năng lực, tầm nhận thức của nhân viên này”.
Nhưng cái hay lớn nhất trong quan điểm quản trị của CEO Trần Quí Thanh nằm ở phương pháp cố vấn: Đó là nhà lãnh đạo lắng nghe phương án, giải pháp của cấp dưới, rồi đặt câu hỏi để cố vấn ngược lại, giúp hoàn thiện tối ưu. Có thể xem đây là phương pháp kết hợp độc đáo giữa “chuyên quyền” với “dân chủ”, để người lãnh đạo doanh nghiệp khai thác hết những điểm sáng trong tư duy của bản thân và các cộng sự.
“Khi lắng nghe cấp dưới trình bày một bản kế hoạch triển khai công việc, tôi thường đặt ra nhiều câu hỏi, thực chất là để cố vấn cho kế hoạch đó hoàn hảo. Nếu người trình bày không trả lời thỏa mãn được các câu hỏi, tức là giải pháp đó có vấn đề, và họ phải tìm cách tối ưu. Cứ như vậy, cả tôi và họ đều cùng nhau tư duy, để cuối cùng tìm ra giải pháp hợp lý nhất”, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát bày tỏ.
Có lẽ, chính nhờ phong cách quản trị khoa học, hiệu quả, tương tự quan điểm của nhà lập quốc Singapore Lý Quang Diệu, mà ông Trần Quí Thanh đã chèo lái được “con thuyền” Tân Hiệp Phát từ một phân xưởng sản xuất bia nhỏ bé hồi những năm 90 của thế kỷ trước, trở thành một tập đoàn nước giải khát hàng đầu quốc gia và vươn tầm quốc tế, xuất khẩu đến 20 nước, có thể vượt lên cả “người khổng lồ” ở những thị trường địa phương như hiện nay.