Lạm bàn về những khoản tiền gửi “khủng” của các DNNN lớn
Đương nhiên, dân trong nghề đều biết rằng, gần như chỉ có những ngân hàng thương mại gốc nhà nước, do những nguồn gốc “anh em” và các quan hệ tài chính khá chằng chịt với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), mới có thể tiếp cận được những món tiền “khủng” đó để thực thi chiến lược huy động vốn giá thấp (Low Cost Funding) từ những người anh em của mình.
Hãy thử phân tích tình huống giả định của một ngân hàng mang tên XYZ theo đồ thị dưới đây. Chúng ta chỉ cần tập trung phân tích các khoản huy động vốn từ tài khoản tiền gửi thanh toán (theo thuật ngữ Việt Nam), thuộc loại tài khoản ký thác không kỳ hạn (demand deposit). Chúng ta sẽ thấy, trong một chừng mực nào đó, đây sẽ là những khoản huy động “béo bở” dưới mắt các ông chủ ngân hàng. Giả sử theo lãi suất hiện nay, ngân hàng XYZ trả lãi 0,5%/năm cho tài khoản tiền gửi thanh toán và 7%/năm cho tài khoản huy động tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng. Nếu định giá theo kiểu “khớp” kỳ hạn (trường hợp này thì quá dễ hiểu), và bỏ qua các chi phí giao dịch khác, thì lãi suất cho món cho vay 12 tháng có thể là 7%+m nào đó. Thế nhưng, chúng ta hãy nhìn kỹ hơn đồ thị biểu diễn biến động số dư tài khoản tiền gửi thanh toán từ tháng 1 đến tháng 12 trong một năm giả định nào đó, thậm chí qua hệ thống thông tin khách hàng (Customer Information System) trải qua nhiều năm, trưởng phòng nguồn vốn ngân hàng XYZ có cơ sở tin rằng, mức thấp nhất bình quân của số dư gộp tài khoản tiền gửi thanh toán lúc nào trong năm cũng trên mức 21.000 tỉ đồng.
Ở đây sẽ xuất hiện vai trò trung gian kỳ hạn của ngân hàng thương mại, ngân hàng XYZ có thể tự tin sử dụng số tiền 21.000 tỉ đồng trên tài khoản tiền gửi thanh toán (không kỳ hạn) để cho vay 12 tháng với cùng lãi suất 7%+m nhưng với chi phí vốn rẻ hơn 7%-0,5% = 6,5%/năm, bỏ qua các chi phí giao dịch.
“Lấy ngắn nuôi dài” kiểu này thực ra cũng phù hợp với khung pháp lý giám sát ngân hàng quốc tế khi các ngân hàng trung ương đều cho phép các ngân hàng thương mại được phép sử dụng một tỷ lệ các nguồn vốn ngắn hạn để (thậm chí) cho vay trung dài hạn.
Đến đây, chúng ta đã hiểu lợi thế huy động vốn giá thấp của các ngân hàng. Bề ngoài, đó là lợi thế của các ngân hàng thương mại nhà nước hay gốc nhà nước, thế nhưng, chúng ta hãy tự hỏi, các nhà quản lý DNNN có ý thức được điều đó hay không?
Thực khó tin nếu như được nghe nói rằng họ không biết. Hơn nữa, dưới góc độ phân tích chiến lược, dù là các ngân hàng có “lợi thế”, nhưng thực ra, các DNNN sẽ có quyền lực hơn. Họ chính là những nhà cung cấp có quyền lực, nếu nói theo kiểu M. Porter. Họ toàn toàn, bằng cách này hay cách khác, có thể đàm phán một chính sách giá hữu hảo và có lợi cho cả đôi bên, mang tính cạnh tranh, minh bạch và mang màu sắc kinh tế thị trường hơn. Cái giá 0,5% trên tài khoản tiền gửi thanh toán theo ví dụ trên chắc chắn là một cái giá bóp méo cạnh tranh và do đó, mang tính cách phi thị trường.
Vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng, và mang tính kỹ thuật hơn, đó là ký thác nhàn rỗi không nên được hiểu đơn giản chỉ là ký thác vào tài khoản tiền gửi thanh toán. Ngân hàng thương mại cũng có nhiều công cụ khác để đón nhận những khoản tiền nếu như nó thực sự nhàn rỗi: ký thác qua đêm (Over-Night Deposit), những khoản ký thác có kỳ hạn linh hoạt hơn (chẳng hạn 15, 20, 27... ngày). Không phải cứ cứng nhắc là cứ kỳ hạn thì phải là 1, 3, 6, 9... tháng, bởi lẽ, dưới góc độ quản trị tài sản (bên DNNN) và nguồn vốn (bên ngân hàng), thì bất kỳ kỳ hạn nào cũng đều là một cơ hội để sinh lợi.
Theo Trương Quang Thông - ĐHKTQ
TBKTSG