Lãi suất ngân hàng tăng cao, cuộc đua cuối năm chưa dừng lại
So sánh lãi suất ngân hàng cuối tháng 11: Lãi suất ngân hàng nào cao nhất? |
Ảnh minh hoạ. |
Các ngân hàng tiếp tục đua nhau tăng lãi suất
Xu hướng tăng lãi suất chưa có dấu hiệu giảm nhiệt trong những tháng cuối năm khi nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất ở nhiều kì hạn.
Mới đây nhất, từ ngày 20/11, ngân hàng SHB triển khai chương trình ưu đãi tăng đồng loạt lãi suất tiết kiệm các kì hạn từ 6 tháng trở lên. Mức tăng cao nhất là 0,6% ở các kì hạn 6 - 8 tháng. Chương trình này được áp dụng đến cuối tháng 11.
Theo đó, đối với kỳ hạn từ 6 - 11 tháng, khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại SHB với số tiền gửi dưới 2 tỉ đồng sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi 7,4%/năm. Đối với số tiền từ 2 tỉ đồng - dưới 5 tỉ đồng và từ 5 tỉ đồng trở lên sẽ được hưởng mức lãi suất lần lượt là 7,5%/năm và 7,6%/năm. Mức lãi suất cao nhất tại SHB cũng được nâng lên từ 7,5% lền 7,8%/năm.
Ngày 19/11, ACB và LienVietPostBank cũng điều chỉnh đồng loạt lãi suất ở nhiều kì hạn tiết kiệm.
Cụ thể, LienVietPostBank tăng đồng loạt lãi suất từ kì hạn 3 tháng đến 24 tháng, mức tăng từ 0,3 - 1 điểm %. ACB cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở các kì hạn 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng, 15 tháng và 24 tháng. Lãi suất kì hạn 6 tháng và 9 tháng tăng 0,2 điểm %; kì hạn 12 tháng, 15 tháng tăng 0,1%; kì hạn 24 tháng tăng 0,4 điểm %.
Trước đó, VPBank điều chỉnh tăng lãi suất lần 2 trong tháng 11, lần đầu vào ngày 2/11 và lần gần đây nhất vào ngày 15/11, lãi suất các kì hạn 6 tháng đến 9 tháng được tăng từ 6,5% lên 7%/năm, lãi suất kì hạn 15 tháng từ 7% lên 7,05%/năm.
Ngoài ra, cũng có thể kể đến như "ông lớn" VietinBank, lãi suất ngân hàng VietinBank kì hạn 3 tháng được điều chỉnh tăng từ 4,8% lên 5%/năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những ngân hàng tăng lãi suất lại xuất hiện một số lại điều chỉnh giảm lãi ở một số kì hạn mặc dù chỉ là số ít.
Cụ thể, VIB điều chỉnh giảm lãi suất các khoản tiền gửi từ 100 triệu đồng trở lên tại hầu hết kì hạn từ 6 tháng trở lên, mức giảm từ 0,3 - 0,97 điểm %. Ngân hàng OCB cũng giảm lãi suất kì hạn 1 tháng từ 5,4% xuống 5,3%/năm.
Lãi suất tăng cao do mùa vụ cuối năm?
Nói về lý do tăng lãi suất vào cuối năm có thể nhắc đến hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ khi nhu cầu vốn cuối năm của các cá nhân, doanh nghiệp tăng cao khiến cho ngân hàng cũng phải tăng cường huy động tăng vốn đầu vào để cân đối.
Nguyên nhân thứ hai là thời hạn áp dụng tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã ở sát nút khi đầu năm 2019, tỉ lệ này sẽ giảm từ 45% xuống 40%. Điều này thúc đẩy các ngân hàng phải lên kế hoạch cơ cấu lại nguồn vốn để đảm bảo qui định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có thể là tăng tỉ trọng vốn huy động dài hạn hoặc giảm cho vay dài hạn.
Có thể nhận thấy, nhiều ngân hàng đã thực hiện tăng lãi suất ở một số kì hạn đặc biệt là kì hạn trên 12 tháng. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn này ở các ngân hàng dao động trong khoảng từ 6,5%/năm đến 8,4%/năm. Mức lãi suất cao nhất hiện tại là ở VIB với số tiền áp dụng từ 500 tỉ đồng trở lên.
Cũng trong hai tuần liên tiếp vừa qua, NHNN đã liên tục bơm ròng trên thị trường liên ngân hàng trong khi lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng. Diễn biến này cho thấy thanh khoản toàn hệ thống đang ở trạng thái eo hẹp. Theo thống kê của NHNN, lãi suất liên ngân hàng qua đêm ở mức 4,8%/năm; lãi suất 1 - 2 tuần là 4,91%/năm; lãi suất kì hạn 1 tháng là 5%/năm;...
Lãi suất liên ngân hàng ngày 22/11/2018 (Nguồn: SBV). |
Ngoài ra, một nguyên nhân nữa có thể kể đến là việc Fed tăng lãi suất khiến đồng USD mạnh lên tương đối so với nhiều đồng tiền trên thế giới. Để kiềm chế tỷ giá trong nước và giữ giá tiền đồng, NHNN cũng đã có động thái giữ khoảng cách lãi suất USD và VND ở một biên độ nhất định. Điều này cũng tác động làm cho lãi suất VND bị đẩy lên.
Lãi suất cho vay có tăng theo?
Một trong những vấn đề khiến cho nhiều người quan tâm là lãi suất huy động tăng liệu có kéo theo việc tăng lãi suất cho vay?
Theo nhận định của chuyên gia Công ty Chứng khoán MBS, lãi suất huy động tăng sẽ tạo áp lực tăng lãi suất cho vay nhưng ảnh hưởng sẽ không nhiều do NHNN đang hạn chế tăng trưởng tín dụng vào cuối năm để kiểm soát lạm phát.
Ông Lê Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc HDBank, cho biết lãi suất cho vay hiện nay cơ bản là đang ổn định và không phải ngân hàng nào cũng tăng lãi suất huy động.
"Với mục tiêu giảm lãi suất cho vay để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn ngân hàng và quyết định không nới room tín dụng để kiềm chế lạm phát của NHNN thì tăng lãi suất thì sẽ không phải xu thế" - ông nói. Ông cũng nhận định chính sách tiền tệ đang được kiểm soát tốt và có một số điểm sáng như tỷ giá điều chỉnh nhưng không tạo ra cú sốc, thanh khoản hệ thống dồi dào, lãi suất ổn định.
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, lãi suất đầu ra khó có thể tăng vì Chính phủ chỉ đạo và NHNN quyết tâm cố gắng ổn định mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm. "Khi ngân hàng tăng lãi suất đầu ra đương nhiên là doanh nghiệp sẽ có phản ứng. Do đó, các ngân hàng phải có những giải pháp thay thế để bù đắp khoản thiếu hụt này thay vì tăng lãi suất đầu ra".
Ông cho rằng để đạt được lợi nhuận như kỳ vọng, các ngân hàng nên tiếp tục quản lý chi phí tốt hơn, đa dạng hoá dịch vụ để tăng nguồn thu bù đắp thiếu hụt chi phí cho lãi suất hoặc đẩy mạnh hơn bán lẻ, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, là những phân khúc có biên lợi nhuận cao hơn.