|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Kỹ sư khởi nghiệp: 'Tôi từng phải tránh các cuộc ăn, chơi với bạn bè'

10:16 | 14/03/2018
Chia sẻ
Trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, kỹ sư lâm nghiệp Phạm Ngọc Hưng thường xuyên tránh những cuộc nhậu hay đi chơi với bạn vì anh chẳng có nhiều tiền.
ky su khoi nghiep toi tung phai tranh cac cuoc an choi voi ban be 'Với người khởi nghiệp, đôi khi người thân, bạn bè là trở ngại lớn nhất'

Sau khi thôi việc ở công ty nhà nước, Phạm Ngọc Hưng - kỹ sư lâm nghiệp thành lập công ty nội thất Kithome Việt Nam - trải qua quãng thời gian cực khổ theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Người thân trách móc anh, bạn bè nói anh ngốc, công việc kinh doanh không ổn định. Nhưng chàng kỹ sư lâm nghiệp vẫn phải cố gắng để theo con đường anh đã chọn.

Tài sản lớn nhất là danh sách khách hàng

Hưng bắt đầu với 20 triệu đồng mà anh để dành trong thời gian còn làm thuê. Anh không vay tiền của bất kỳ ai để khởi nghiệp. Vì chỉ có chút vốn nhỏ nên anh tận dụng triệt để nhà xưởng, máy móc, nhân sự của đối tác, bạn bè. Anh đặt tên thương hiệu là Kithome - từ viết tắt của Kitchen (Bếp) và Home (Nhà). Đây là cái tên đáp ứng hai tiêu chí của anh về thương hiệu - dễ nhớ và hướng ngoại.

"Danh sách khách hàng mua nhà mà tôi giữ từ khi còn đi làm thuê là tài sản lớn nhất của tôi hồi ấy. Ban đầu tôi thuê xưởng, rồi tích tiền mua máy móc để sản xuất", anh kể.

ky su khoi nghiep toi tung phai tranh cac cuoc an choi voi ban be
Nhân viên của công ty Kithome Việt Nam lắp đặt nội thất trong nhà của khách hàng. Ảnh: Kithome

Bước vào nghiệp kinh doanh, Hưng cảm nhận rõ sự cô đơn của doanh nhân. Không ai có thể chia sẻ nỗi lo và áp lực với anh. Một số người quen còn trở nên xa cách vì anh chẳng có tiền. Mỗi khi bạn bè rủ đi nhậu hay chơi, anh luôn viện cớ để từ chối. Về cường độ lao động, anh thường làm từ 6h sáng tới tận 12h đêm.

"Tôi phải dậy cùng thợ vào buổi sáng, thức tới khuya để vẽ thiết kế sản phẩm hay làm báo giá", anh kể.

Dù làm việc với cường độ cao, nhưng vì chưa có kinh nghiệm nên ban đầu Hưng chỉ kiếm đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt tối thiểu hàng ngày và trả công cho thợ.

Hiểu rằng thị trường nội thất là sân chơi khắc nghiệt do quá nhiều đối thủ, Hưng quyết định chọn một hướng đi khác biệt và chắc chắn. Ban đầu anh chỉ tập trung vào tủ bếp để chiếm lòng tin của khách hàng. Sau khi sản phẩm tủ bếp đã chiếm lĩnh thị trường, anh mới mở rộng sang những sản phẩm khác.

"Tủ bếp của chúng tôi rất khác biệt với các đối thủ. Chúng toát lên sự trẻ trung, hiện đại. Đặc biệt, chúng tôi sản xuất tủ bếp theo module lắp sẵn nên chất lượng rất cao. Về chất lượng và tiến độ của tủ bếp, chúng tôi vượt xa nhiều đối thủ thời bấy giờ. Phương châm của tôi là tận tụy phục vụ khách hàng trong phân khúc của mình, bán hàng bằng cái tâm", anh kể.

Sau hai năm, Kithome có xưởng sản xuất rộng 1.000 m2 với đầy đủ máy móc. Đội ngũ công nhân dao động từ 12 tới 14 người, còn nhân viên văn phòng gồm 6 người.

Sự cô độc

Hiện tại, khi công việc kinh doanh đã ổn định, Hưng vẫn còn nhiều nỗi lo mà anh không thể chia sẻ với vợ, người thân, bạn bè, đối tác và thợ. Chẳng hạn, anh muốn có thêm nhiều khách hàng hơn nữa để tăng việc làm và thu nhập cho đội thợ.

"Đội thợ của tôi vẫn chưa làm hết công suất đâu. Nhiều khi nhìn anh em không có việc để làm, tôi cảm thấy xót xa lắm. Thu nhập của thợ cao thì họ mới muốn gắn bó lâu với mình", anh tâm sự.

Ngay cả khi tiền sắp cạn vì không có đơn hàng, Hưng vẫn giấu thợ để họ không lo lắng.

"Kể cả khi còn rất ít tiền, tôi vẫn mời thợ đi nhà hàng, gọi món thoải mái. Tôi cố gắng vui vẻ để mọi người yên tâm", anh kể.

ky su khoi nghiep toi tung phai tranh cac cuoc an choi voi ban be
Đồ nội thất trong phòng khách mà Kithome Việt Nam lắp trong nhà một khách hàng ở khu chung cư cao cấp Park Hill ở Hà Nội. Ảnh: Kithome Việt Nam

Tìm và thuyết phục khách hàng mua đồ nội thất không phải việc dễ, bởi nội thất là tài sản có giá trị lớn, và người bán khó chứng minh chất lượng sản phẩm ngay lập tức. Thông thường, khách hàng chỉ có thể kết luận về chất lượng sản phẩm sau khi họ tiếp nhận và sử dụng sản phẩm. Những cách phổ biến mà Kithome áp dụng - như liên kết với các doanh nghiệp bất động sản, nhờ nhân viên môi giới bất động sản giới thiệu khách, quảng cáo trên Facebook hay Google - đều cũng đã được các đối thủ áp dụng. Để có thể tăng số lượng khách, Hưng phải nghĩ ra một sáng kiến đột phá.

"Đó là vấn đề mà tôi luôn trăn trở trong thời gian qua", anh tâm sự.

Dồn sức vào xây dựng thương hiệu

Đối với anh Hưng, thương hiệu là linh hồn của doanh nghiệp và nó còn quan trọng hơn chính bản thân công ty.

"Tôi nghĩ nghĩ lập công ty không phải là việc cần thiết trong xây dựng thương hiệu. Chi phí nuôi pháp nhân lên tới mấy chục triệu đồng một năm, rồi còn tiền thuế, chi phí cho người làm báo cáo thuế và vô số thứ khác. Sau khi có thương hiệu mạnh, bạn lập công ty cũng chưa muộn", anh nói.

Vì hiểu tầm quan trọng của uy tín của doanh nghiệp đối với thương hiệu, nên Hưng luôn làm việc bằng tất cả tâm huyết, phục vụ khách hàng tốt nhất trong khả năng để vun đắp sức mạnh thương hiệu. Nhờ đó, vào năm 2012, tức là hai năm sau khi khởi nghiệp, thương hiệu của anh bắt đầu lan tỏa trong thị trường nội thất.

Chiến lược tìm nhà đầu tư

Thị trường nội thất đã và đang thay đổi rất nhiều. Để tồn tại, Kithome cũng có những ý tưởng mới và Hưng cần nhà đầu tư "chịu chi" để thực hiện. Tuy cần vốn, nhưng anh chủ trương không "bán mình".

"Có thể tôi vẫn còn nghèo, nhưng tôi phải làm chủ doanh nghiệp của tôi. Nếu phải phụ thuộc để nhận vốn, tôi thà đi từng bước chậm mà chắc để hưởng quyền tự định đoạt. Có thể công ty sẽ tăng trưởng chậm trong vài năm, nhưng khi đã có nền tảng vững chắc, nó sẽ phát triển rất nhanh. Theo tôi, các start-up nên tìm những nhà đầu tư hiểu mình, chứ đừng hướng tới những nhà đầu tư muốn nuốt mình", anh nói.

Nhạc Dương