|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế Việt Nam 2022 sẽ ra sao trước 'cơn bão' giá hàng hóa?

08:46 | 11/03/2022
Chia sẻ
Thị trường hàng hóa thế giới biến động mạnh, đứt gãy chuỗi cung ứng khiến kinh tế toàn cầu đứng trước những mối lo ngại về lạm phát, tăng trưởng kinh tế và Việt Nam cũng không nằm ngoài những ảnh hưởng chung.

Giá xăng dầu liên tiếp lập "đỉnh" trước căng thẳng địa chính trị

Căng thẳng giữa Nga - Ukraine leo thang từ ngày 24/2 đã kéo theo một loạt lệnh trừng phạt của Mỹ và EU nhắm vào Nga, điều này tác động mạnh tới thị trường hàng hóa thế giới, đặc biệt là dầu mỏ.

Việc chứng kiến giá dầu liên tiếp xác lập "đỉnh" mới giữa bối cảnh nền kinh tế thế giới vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 kéo dài, nay kết hợp thêm căng thẳng địa chính trị leo thang đã khiến giới phân tích liên tục điều chỉnh dự báo về triển vọng thị trường dầu mỏ.

Bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) nhận định rằng, giá dầu Brent có thể đạt mức 175 USD/thùng trong năm nay nếu 2/3 lượng dầu xuất khẩu từ đường biển của Nga bị cắt giảm do tình hình căng thẳng ở Ukraine, đẩy nền kinh tế toàn cầu đối mặt với một trong những “cú sốc” về nguồn cung năng lượng lớn nhất từ trước đến nay.

Các nhà phân tích của Ngân hàng JPMorgan (Mỹ) cũng ước tính giá dầu thô có thể tăng vọt gần 70% từ mức ghi nhận vào cuối tuần trước (khoảng 114 USD/thùng) lên 185 USD/thùng vào cuối năm nay nếu nguồn cung dầu của Nga vẫn bị gián đoạn.

Kinh tế Việt Nam 2022 sẽ đi về đâu trước 'cơn bão giá' hàng hóa? - Ảnh 1.

Biến động giá xăng dầu qua các kỳ điều chỉnh. (Biểu đồ: Phạm Mơ).

Trong tuần vừa qua, giá dầu thế giới liên tục biến động mạnh. Đặc biệt vào gày 7/3 vừa qua, giá dầu thế giới bất ngờ tăng vọt và chạm mức 139 USD/thùng, cao nhất 14 năm.

Trong khi đó, tại thị trường trong nước, giá xăng cũng đang neo ở mức cao kỷ lục với 26.077 xăng E5 RON 92 và 26.834 đồng/lít xăng RON 95; giá dầu khoảng 18.468 (dầu mazut) - 19.978 đồng/lít,kg (dầu hỏa) - 21.310 đồng/lít,kg (dầu diesel).

Như vậy, giá xăng được điều chỉnh tăng 6 lần liên tiếp từ đầu tháng 12 và là đợt tăng thứ 5 trong năm 2022. Giá dầu cũng đã tăng khoảng 60% kể từ đầu năm 2022 tới nay. Bộ Công Thương cho rằng, giá xăng dầu ở kỳ điều hành ngày hôm nay (11/3) có thể tăng nóng 5.000 - 8.000 đông/lit,kg tùy loại.

Việc giá xăng dầu, nhiên liệu neo ở mức cao kéo theo giá loạt các hàng hóa cơ bản cũng tăng cao đang làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và lạm phát sau giai đoạn đình trệ vì dịch COVID-19.

Triển vọng kinh tế Việt Nam trước cơn bão giá

Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam cho biết với tình hình giá cả hàng hóa vẫn tiếp tục đà leo thang rất có khả năng kế hoạch kiểm soát lạm phát của Việt Nam sẽ khó đạt được.

"Lạm phát năm 2022 đối mặt với nhiều áp lực, đặc biệt là từ yếu tố chi phí đẩy. Do đó, Việt Nam sẽ gặp một số khó khăn nhất định có thể duy trì mức lạm phát dưới 4% như kế hoạch", ông Nguyễn Thế Minh chia sẻ.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý mức độ lạm phát phụ thuộc rất nhiều vào tình hình căng thẳng giữa Nga - Ukraine. Nếu cả hai nước này cùng nhau đàm phán và đi tới những thỏa thuận thì tình hình căng thẳng này sẽ hạ nhiệt trong vài tháng tới. Khi đó, nhiều khả năng Việt Nam sẽ kiểm soát lạm phát trở lại trạng thái bình thường.

Kinh tế Việt Nam 2022 sẽ đi về đâu trước 'cơn bão giá' hàng hóa? - Ảnh 2.

Xung đột Nga - Ukraine đã khiến kinh tế thế giới vướng phải nhiều khó khăn từ việc giá dầu tăng cao tới đứt gãy cuỗi cung ứng,... (Ảnh: AP).

Là một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam sẽ đối mặt với mức lạm phát rất cao, thậm chí trên 5%, nếu trong trường hợp tình hình căng thẳng vẫn kéo dài và kéo dài cả năm nay. Tuy nhiên, tình hình căng thẳng địa chính trị giữa Nga - Ukraine là yếu tố chưa thể đoán định.

Nhận định về tăng trưởng kinh tế trong năm nay, Giám đốc phân tích vĩ mô CTCK Yuanta cho hay, về cơ bản, tăng trưởng năm nay của Việt Nam vẫn tốt hơn năm 2021 khi mức nền của năm trước bị ảnh hưởng và tác động nặng nề nhất do đợt dịch COVID-19.

Ông lưu ý tăng trưởng GDP của Việt Nam phụ thuộc vào hai nguồn lực. Thứ nhất là nguồn lực về xuất khẩu, thứ hai là nguồn lực từ thị trường nội địa trong nước.

Với nguồn lực về xuất khẩu, Việt Nam đang khôi phục thị trường xuất khẩu rất tốt. Đặc biệt là chúng ta đang có lợi thế khi thị trường Mỹ có giá trị xuất khẩu cao.

Trong tháng 1 và tháng 2 vừa qua chúng ta đã có giá trị xuất khẩu vào thị trường Mỹ rất tốt. Ông Nguyễn Thế Minh kỳ vọng trong tương lai thị trường Mỹ sẽ là thị trường đóng góp đáng kể cho việc duy trì xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022.

Về phía thị trường nội địa, điểm sáng chính là tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đã tăng đột biến và tăng mạnh trở lại trong tình hình hai tháng đầu năm vừa qua. Như vậy, ông kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc với tốc độ tăng trưởng của thị trường tín dụng và đặc biệt Chính phủ đang đẩy mạnh gói hỗ trợ kinh tế 350.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang đứng trước những vấn đề đáng ngại. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị Nga – Ukraine vẫn còn kéo dài thì sẽ kéo tới hai hệ lụy.

"Đầu tiên là lạm phát tăng cao chắc chắn sẽ tác động tới tăng trưởng GDP. Ngoài ra, vấn đề căng thẳng này cũng gây ra nhiều áp lực về chuỗi cung ứng, đặc biệt là chi phí về logistics", ông Nguyễn Thế Minh nhận định.

Về kịch bản tích cực, trong trường hợp một vài tháng tới khi căng thẳng này hạ nhiệt, vị chuyên gia dự báo Việt Nam vẫn có thể đảm bảo được mức tăng trưởng GDP như đã đề ra, ít nhất bằng mức mục tiêu của Chính phủ là 6%.

Lạc quan hơn, Việt Nam có thể vượt 6,5% bởi bên cạnh yếu tố xuất khẩu năm nay đang tăng trưởng tốt còn có làn sóng dịch chuyển FDI.

"Tuy nhiên, trong kịch bản xấu hơn, tức là căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine còn kéo dài thì rất có khả năng chúng ta khó có thể đạt được mức 6%", Giám đốc phân tích vĩ mô CTCK Yuanta dự báo.

Phương Trang