Chuyên gia chỉ ra ba yếu tố chính tác động lên lạm phát 2022
Lạm phát 2022 đứng trước ba áp lực chính
Phát biểu tại tọa đàm trực tuyến “Kiểm soát lạm phát - Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế” chiều 9/3, ông Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định áp lực lạm phát rất lớn của năm 2022 với ba yếu tố chính tác động tới lạm phát.
Đầu tiên là ngay từ đầu năm 2022, tổng cầu trong nước đang tăng đột biến. Đặc biệt, trong hai năm tới, gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng được triển khai sẽ trở thành một xung lực khiến tổng cầu tiêu thụ nội địa tiếp tục tăng. Như vậy, khi nhu cầu nội địa tăng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lạm phát.
Thứ hai là việc Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào các nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu. Hiện nay, khi nguyên, nhiên vật liệu thế giới tăng rất cao thì tất yếu giá nhập khẩu của chúng ta sẽ tăng theo. Điều này tạo nên chi phí đẩy, nhập khẩu lạm phát.
Thứ ba là việc đứt gãy chuỗi cung ứng kể cả trong nước và quốc tế. Ông Lâm cho rằng đây là áp lực tạo ra lạm phát rất lớn của thế giới trong thời điểm này. Chẳng hạn như tại châu Âu, việc đứt gãy của chuỗi cung ứng nhiên liệu, khí đốt làm lạm phát ở Châu Âu tăng rất mạnh.
Đề cập việc giá xăng dầu từ đầu năm tới nay đã tăng tới hơn 60%, ông Lâm một lần nữa khẳng định "đây là áp lực rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam" bởi xăng dầu là mặt hàng huyết mạch, cho nên giá xăng dầu tăng sẽ khiến cho một loạt các mặt hàng hóa khác tăng.
Ông Lâm dẫn lại thông báo mới đây của FAO về giá lương thực hiện đang tăng cao nhất trong 61 năm qua, chỉ riêng so với đầu năm đã tăng 24,1%. Về yếu tố này, ông Lâm cho rằng tạo ra tác động hai chiều. Bên cạnh áp lực thì cũng tạo ra thuận lợi cho Việt Nam trong vấn đề xuất khẩu.
Một vấn đề khác được ông Lâm chỉ ra là khi nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi, doanh nghiệp quay trở lại sản xuất thì việc thiếu hụt lao động hiện nay là một vấn đề khá quan trọng có tác động tới lạm phát. Bởi khi thiếu hụt lao động thì doanh nghiệp sẽ phải bỏ thêm chi phí để tuyển dụng, đào tạo.
Theo đó, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, muốn kiềm chế lạm phát, trước mắt phải kiểm soát nguồn cung ứng sản phẩm ra thị trường, để đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa. Đặc biệt là phải đảm bảo đủ các mặt hàng nhiên liệu như xăng, dầu, khí đốt.
"Theo tính toán, nếu giá xăng dầu tăng 10% thì sẽ tạo ra 0,36% lạm phát. Trong khi đó, giá xăng dầu từ đầu năm tới nay đã tăng tới 60%. Hay như trong 1,68% lạm phát của hai tháng đầu năm thì xăng dầu đã đóng góp tới 1,63%", ông Lâm nói.
Đồng thời, Việt Nam phải làm mọi cách để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng giữa các địa phương, và tuyệt đối không để đứt gãy cung ứng giữa thế giới với Việt Nam.
Về việc lạm phát cao tác động ra sao tới nền kinh tế, ông Lâm khẳng định sẽ tạo ra tác hại rất là lớn. Bởi nó tạo ra một mặt bằng giá mới. Mà khi đã có mặt bằng giá mới thì tất cả mọi kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh đều phải xây dựng, tính toán dựa trên mặt bằng mới này.
"Khi tạo thành mặt bằng giá mới thì thu nhập thực tế của người dân sẽ bị giảm đi. Sức chi tiêu giảm sẽ lại dẫn tới làm giảm tổng cầu", nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chia sẻ.
Lạm phát đến từ việc thiếu hụt nguồn cung
Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Khang, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính Quốc gia thuộc Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết từ năm 2015 đến nay, lạm phát được kiểm soát tốt, dao động từ 2-3%; trong đó lạm phát lõi chỉ từ 1-2%. Đây là mức tốt so với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.
Theo ông Khang, công tác kiểm soát lạm phát trong thời gian qua được phối hợp rất tốt. Điều này có thể tạo ra một nền tảng nhất định để Việt Nam có dư địa kiểm soát lạm phát trong mức "không tăng cao quá", chống lại những cú sốc về tăng giá từ bên ngoài.
Bên cạnh đó, ông Khang đánh giá, sau khi nền kinh tế phục hồi trở lại, nguồn cung về lương thực, thực phẩm đã phục hồi và tương đối dồi dào, giúp Việt Nam tránh được sức ép từ khía cạnh này. Về mặt chính sách, việc miễn giảm phí, lệ phí đã triển khai thời gian qua sẽ phần nào giúp bình ổn giá cả.
Tuy vậy, kể từ ngày 25/2 tới nay, giá dầu thô thế giới tăng quá nhanh và đột biến. Chỉ trong vòng hai tuần, Trung tâm Thông tin năng lượng Mỹ đã phải liên tục điều chỉnh giá giao dịch bình quân dầu thô, đến nay đã tăng hơn 50% so với giá giao dịch năm 2021.
Cùng với đó là việc kéo theo đà tăng giá của các loại hàng hóa cơ bản khác trên thị trường như sắt thép, phân bón, than đá… và tạo áp lực lớn lên lạm phát.
Ngoài ra, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính Quốc gia cũng cho biết, cùng với đà tăng giá cả hàng hóa cơ bản, việc bắt đầu đưa gói phục hồi kinh tế với quy mô lớn vào đời sống chắc chắn sẽ thúc đẩy tổng cầu lớn tạo yếu tố gây áp lực lên lạm phát. Tuy nhiên, áp lực này sẽ chậm hơn do độ trễ của chính sách.
Chu kỳ lạm phát này khác với các chu kỳ lạm phát trước. Đó là, ở các chu kỳ lạm phát trước, tổng cầu gia tăng quá nhanh, cao hơn sản lượng tiềm năng của nền kinh tế, sự chênh lệch sản lượng đã gây nên áp lực lên lạm phát. Trong khi đó, lạm phát lần này bị tác động bởi sự thiếu hụt cung hàng hóa cơ bản để phục vụ cho sản xuất.
Theo ông Khang, những khó khăn đã nêu sẽ cản trở rất lớn tới mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ đã đề ra cho năm 2022 là từ 6%-6,5%. Đây là khó khăn chung bởi nước láng giềng Trung Quốc mới đây cũng đã phải điều chỉnh lại mục tiêu tăng trưởng xuống 5,5% - là mức thấp nhất trong 30 năm qua.
Tổng hợp lại, ông Nguyễn Bá Khang cho rằng giá xăng dầu tăng quá cao đã làm che mờ tác động tích cực từ gói hỗ trợ phục hồi, đặc biệt là gói giảm VAT. Tuy nhiên, ông dự báo lạm phát quý I/2022 sẽ giữ mức 2-2,2% và cả năm sẽ không tăng quá cao.