|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia: Kinh tế Việt Nam gặp bất lợi giữa xung đột Nga-Ukraine, lạm phát chịu 4 áp lực chính

18:34 | 07/03/2022
Chia sẻ
Chuyên gia kinh tế cho rằng trong bối cảnh là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, nền kinh tế Việt Nam đang rất bất lợi.

Các lệnh trừng phạt với Nga cần đặc biệt lưu tâm

Tại buổi Tọa đàm “Xung đột Nga – Ukraine: Giảm tác động và tìm kiếm cơ hội mới", TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết hiện có khoảng 30 biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga xung quanh 4 lĩnh vực gồm tài chính - tiền tệ, năng lượng, vận tải và những biện pháp khác.

Đáng chú ý có một số biện pháp trừng phạt vô cùng nặng nề, cần phải lưu tâm. Thứ nhất là phong tỏa tài sản của doanh nghiệp, ngân hàng, tài phiệt và giới tinh hoa của Nga. Ông cho biết, tổng tài sản đã phong tỏa đã lên tới 1.400 tỷ USD - gấp khoảng 4 lần nền kinh tế của Việt Nam.

Thứ hai là tách hệ thống ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Điều này sẽ làm ách tắc dòng lưu thông về tài chính và tiền tệ của Nga với thế giới và ngược lại. Đây là biện pháp chưa từng có.

Thứ ba là biện pháp cấm giao dịch tài chính với Ngân hàng Trung ương Nga, quỹ tài chính, quỹ dự trữ của Nga và đối với Bộ Tài chính Nga. Ngoài ra, còn các biện pháp trừng phạt về năng lượng,...

Chuyên gia: Kinh tế Việt Nam gặp bất lợi giữa xung đột Nga-Ukraine, lạm phát chịu 4 áp lực chính - Ảnh 1.

Toạ đàm kinh tế: “Xung đột Nga – Ukraine: Giảm tác động và tìm kiếm cơ hội mới”. (Ảnh: Chu Xuân Khoa/ VnEconomy).

Đánh giá sơ bộ về các tác động từ các biện pháp trừng phạt trên đối kinh tế và lạm phát toàn cầu, ông Cấn Văn Lực thông tin, hiện nay nhiều tổ chức quốc tế cũng đã đưa ra những đánh giá sơ bộ về các tác động.

Các đây một tuần, các tổ chức tài chính Mỹ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay sẽ giảm tối thiểu 0,2-0,3 điểm %. Tuy nhiên, ông Cấn Văn Lực cho rằng xung đột giữa Nga - Ukraine sẽ tác động mạnh hơn nhiều.

Chẳng hạn như mới đây, Tập đoàn Tài chính của Mỹ JP Morgan dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ít nhất sẽ giảm khoảng 1 điểm %, xuống còn 3 - 3,5%. Trước đó, dự báo đầu năm của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cho rằng, tăng trưởng toàn cầu năm 2022 sẽ đạt 4 - 4,5%.

Trong khi đó, lạm phát dự báo sẽ tăng thêm 0,4 - 0,5 điểm %, song trong kịch bản tiêu cực, JP Morgan sự báo sẽ tăng thêm 1 điểm %. Tức là trong thời điểm đầu năm, mức lạm phát toàn cầu được dự báo từ 3 - 3,5%, hiện tại có thể lên đến 4 - 4,5%.

"Điều này có thể tác động rất lớn đối với chính sách của các ngân hàng hàng trung ương về việc thu gọn những gói hỗ trợ vừa qua như thế nào, tăng lãi suất ra sao", ông Cấn Văn Lực đánh giá.

Đứng dưới góc nhìn doanh nghiệp, Ths. Nguyễn Duy Ninh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hà Nội, cho biết hiện tại công ty cũng đang phải chịu tác động từ toàn bộ những nhóm trừng phạt nặng nề nhất.

Trong lĩnh vực tài chính, một số ngân hàng lớn Nga đã bị loại khỏi SWIFT khiến việc thanh toán giữa khách hàng và doanh nghiệp cũng bị treo lại. Hiện tại khoảng hơn 40 triệu USD tiền hàng đã xuất nhưng vẫn chưa được khách hàng thanh toán.

Về mặt vận tải, lô hàng đã xuất khẩu đang tới Hà Lan nhưng cũng đang trong tình trạng tắc, bị trả lại. Ngoài ra, khó khăn còn đến từ vấn đề tỷ giá bởi đồng tiền ruble đang rớt giá một cách thảm hại,...

Lạm phát của Việt Nam chịu 4 áp lực

Tại tọa đàm, TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, nền kinh tế Việt Nam đang rất bất lợi.

Chia sẻ lý do đưa ra nhận định trên, ông Hiếu cho biết, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục leo thang khiến giá cả hàng hóa, nguyên liệu đầu vào đang bước vào đợt tăng giá mới. Điều này khiến lạm phát của Việt Nam phải chịu 4 áp lực.

Chuyên gia: Kinh tế Việt Nam gặp bất lợi giữa xung đột Nga-Ukraine, lạm phát chịu 4 áp lực chính - Ảnh 2.

TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội. (Ảnh: Chu Xuân Khoa/ VnEconomy).

Thứ nhất là sự gia tăng của chi phí năng lượng, xăng dầu tác động tới mọi hoạt động kinh doanh sinh hoạt tại Việt Nam. 

Thứ hai là giá xăng dầu, năng lượng gia tăng tác động tới châu Âu hay các nơi Việt Nam nhập nhiều nguyên vật liệu. Như vậy, Việt Nam lại tiếp tục chịu tác động từ giá cả, hàng hóa gia tăng từ các nước có quan hệ thương mại nhập về nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh.

Thứ ba là giá một số mặt hàng phụ thuộc vào nguồn cung của Nga cũng sẽ gia tăng. Chẳng hạn như mặt hàng kim loại tăng không tác động trực tiếp với Việt Nam, song sẽ làm giá nguyên vật liệu đầu vào tại các nước tăng, từ đó gây nên ảnh hưởng gián tiếp tới nước ta.

Ông thông tin, Nga còn xuất khẩu rất nhiều các loại hàng hoá khác như niken, titanium, kim loại cơ bản,... thậm chí là lúa mì, lương thực và chất dinh dưỡng của phân bón. Chỉ riêng phân bón cũng đã tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam.

"Chúng ta sản xuất rất nhiều phân bón, song cũng nhập khẩu rất nhiều phân bón. Như vậy, nó không chỉ tác động tới doanh nghiệp mà còn tác động tới nền nông nghiệp, thậm chí tác động tới bà con nông dân", ông nhấn mạnh.

Thứ tư, theo thống kê của Liên minh châu Âu (EU), chỉ số giá tiêu dùng tại châu Âu tháng 2/2022 tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Điều này khiến nhiều quốc gia buộc phải điều chỉnh chính sách tiền tệ. Và chính những điều chỉnh này sẽ ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ tại Việt Nam.

"Từ những kênh dẫn trên, có thể nhận thấy áp lực lạm phát đang rất nặng, chúng ta đang khá bất lợi. Trong khi đó, Việt Nam đang tiến hành triển khai gói kích thích, phục hồi kinh tế với quy mô lên tới 350.000 tỷ đồng.

Tại thời điểm chuẩn bị ban hành gói hỗ trợ, kích thích kinh tế, nhiều chuyên gia đã lo lắng về lạm phát. Giờ đây, cộng thêm các áp lực mới, rủi ro lạm phát lại càng tăng cao", ông Hiếu nói.

Đồng ý kiến với TS. Phan Đức Hiếu, chuyên gia Cấn Văn Lực cho biết, trong năm vừa qua, phân bón tăng khoảng 67-70% khiến người nông dân không biết xoay xở ra sao bởi giá đầu ra không tăng tương ứng.

Ông cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam đang trong thế bất lợi hơn bởi có độ trễ. Trong khi các nước có rất nhiều biện pháp kiềm chế lạm phát như thu hẹp các gói hỗ trợ rồi tăng lãi suất, Việt Nam lại đang tung ra gói hỗ trợ mới và giữ nguyên sự ổn định.

Trước đó nói về vấn đề lạm phát giá cả, Ths. Nguyễn Duy Ninh cho biết về tác động về giá cả năng lượng, xăng dầu,... sẽ lây lan sang các mặt hàng khác từ việc mua nguyên phụ liệu sẽ tăng.

Thứ hai là chi phí vận chuyển sẽ tăng lên rất nhiều bởi doanh nghiệp sẽ phải lựa chọn cung đường dài hơn, hoặc phương thức vận chuyển khác. Chẳng hạn như trước đây phương thức rẻ nhất là đường biển thì bây giờ sẽ phải thay thế bằng đường sắt, đường hàng không song cũng rất vòng vèo.

Thứ ba là chi phí lưu kho, bến bãi. Khi quãng thời gian vận chuyển dài hơn và trong quá trình vận chuyển cũng sẽ xảy ra rủi ro.

Ông nêu ví dụ lô hàng đang phải lưu kho tại Hà Lan của công ty và cho biết lưu kho ngày nào mất tiền ngày đấy và đến một ngưỡng nào đó khi không lấy hàng sẽ còn đỡ thiệt hại hơn. Ông nhận định khi tất cả chi phí đội lên sẽ tác động lên lạm phát.

Đánh giá thêm về lạm phát, theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, chúng ta đang trong xu thế chung về nguy cơ lạm phát tăng lên. 

"Khi chưa có cuộc xung đột này thì nguy cơ đã tăng lên, cho nên các nền kinh tế lớn đang phải tung ra các biện pháp để kiềm chế lạm phát. Song chúng ta đang tung ra gói hỗ trợ, điều này cũng tăng cường mức gia tăng lạm phát trong nền kinh tế", ông Lộc nhận định.

Lạm phát nhập khẩu từ kinh tế thế giới và kinh tế nội bộ đang gặp nhau, cộng hưởng. Lạm phát hiện tại chủ yếu do chi phí đẩy, mọi thứ đều tăng lên như nguyên vật liệu, phân bón, lúa mỳ, lúa mạch...

Vừa đối phó với ngắn hạn của xung đột và các lệnh trừng phạt kinh tế còn phải đối phó với những bất ổn dài hạn, chuỗi cung ứng đang phải tái cấu trúc lại. Ông cho biết, trong giai đoạn đầu cấu trúc lại chuỗi cung ứng thì chi phí cũng sẽ rất cao.

"Khi chúng ta không nhập khẩu được, khó khăn trong nhập khẩu từ Nga thì buộc phải tìm nguồn cung ứng khác, khiến chi phí phải tăng lên. Trong ngắn hạn áp lực lạm phát rất lớn, trong dài hạn thì áp lực vẫn sẽ còn. Đây sẽ là thách thức của các doanh nghiệp và Chính phủ phải quan tâm trong thời gian tới", ông Lộc nói.

Phương Trang