|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh chóng hậu mở cửa, lộ trình chính sách của PBoC bị thử thách

11:12 | 07/02/2023
Chia sẻ
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc từng cam kết sẽ sử dụng chính sách tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế. Hiện tại, tính toán này của PBoC có thể đã không còn phù hợp bởi đà phục hồi nhanh hơn dự kiến của Trung Quốc sau khi chính phủ từ bỏ chính sách Zero COVID.

Một người đàn ông đi ngang qua Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC). (Ảnh: Bloomberg).

Loạt biến số

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) từng cam kết sẽ sử dụng chính sách tiền tệ để thúc đẩy nền kinh tế. Hiện tại, tính toán này của PBoC có thể đã không còn phù hợp bởi đà phục hồi nhanh hơn dự kiến của nền kinh tế sau khi chính phủ dỡ bỏ các hạn chế COVID-19.

Sự khởi sắc nhanh chóng trong lĩnh vực tiêu dùng và dịch vụ kể từ khi Bắc Kinh đột ngột từ bỏ chính sách Zero COVID vào tháng 12 năm ngoái đã khiến một số nhà kinh tế đặt câu hỏi về tính cần thiết của các biện pháp kích thích tiền tệ.

Song, các lĩnh vực như bất động sản, hàng hoá lâu bền, sản xuất và xuất khẩu vẫn còn yếu - đồng nghĩa rằng PBoC có thể vẫn cần phải thực hiện lời cam kết trước đó để ổn định tăng trưởng và hỗ trợ nhu cầu trong nước.

Mặt khác, Trung Quốc vẫn còn một biến số khác là lạm phát. Mặc dù lạm phát năm ngoái vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu cả năm là 3%, tỷ lệ dự kiến sẽ nhích từ mức 1,8% hồi tháng 12 năm ngoái lên 2,2% vào tháng 1 năm nay.

Ông Zhong Zhengsheng, nhà kinh tế trưởng tại Ping An Securities, cho hay: “Từ sau khi Trung Quốc mở cửa, hoạt động tiêu dùng trực tiếp đã diễn ra khá tốt. PBoC sẽ không cần phải cắt giảm lãi suất hoặc tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) trong tương lai gần”.

Vị chuyên gia kinh tế cho rằng có khả năng PBoC sẽ hạ lãi suất trong quý II năm nay nếu làn sóng COVID thứ hai xuất hiện.

Năm ngoái, PBoC không mạnh tay nới lỏng tiền tệ mà dựa nhiều hơn vào các công cụ cấu trúc để cung cấp hỗ trợ có mục tiêu cho nền kinh tế, ngay cả khi COVID-19 bùng phát và các đợt phong toả kéo tăng trưởng xuống mức thấp thứ hai kể từ những năm 1970.

Các nhà chức trách Trung Quốc đã rất thận trọng, bởi họ không muốn kích thích nền kinh tế quá đà và lãng phí dư địa chính sách.

Đồng thời, họ cũng lo ngại rằng việc nới lỏng chính sách trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương toàn cầu khác thắt chặt chính sách sẽ gây thêm áp lực giảm giá cho đồng nhân dân tệ.

 

Tuy nhiên, khoảng cách giữa PBoC và các ngân hàng trung ương nước ngoài có thể bắt đầu thu hẹp trong năm nay. Các nhà đầu tư dự báo Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào cuối năm 2023.

Áp lực bên ngoài giảm bớt đã giúp đồng nhân dân tệ đi lên kể từ tháng 11, khi thị trường kỳ vọng Fed sẽ giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ và nền kinh tế Trung Quốc dần khởi sắc trở lại.

Chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ và Trung Quốc đã thu hẹp xuống còn khoảng 60 điểm cơ bản, từ mức cao khoảng 150 điểm cơ bản vào đầu tháng 11. Diễn biến này giúp giảm bớt áp lực rút vốn tại Trung Quốc, cùng lúc giúp PBoC có thêm dư địa để cắt giảm lãi suất nếu cần.

Các lựa chọn

Một số nhà kinh tế kỳ vọng PBoC sẽ giảm RRR để bổ sung thanh khoản liên ngân hàng trong năm nay, Bloomberg cho hay.

Ông Zhong của Ping An dự đoán ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ giảm tổng cộng 50 đến 100 điểm cơ bản và khả năng là vào giữa năm, khi thanh khoản thường trở nên eo hẹp và vào quý IV, khi một lượng lớn các khoản vay chính sách đáo hạn.

Những chuyên gia khác, như ông Ding Shuang của Standard Chartered và David Qu của Bloomberg Economics, dự đoán PBoC sẽ giảm lãi suất chính sách một lần trong quý I.

“Chính sách tiền tệ vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng” trước khi Bắc Kinh thông qua ngân sách chính phủ vào tháng 3 cũng như trước khi tác động của các gói chi tiêu tài khoá bắt đầu phát huy tác dụng, ông Ding - kinh tế trưởng khu vực châu Á của Standard Chartered - cho hay.

 

Các công cụ cấu trúc có thể sẽ giữ vai trò thậm chí còn quan trọng hơn trong năm 2023, bởi Bắc Kinh đang muốn rót thêm vốn vào các lĩnh vực chủ chốt như cơ sở hạ tầng, hoàn thành các dự án nhà ở và phát triển ngành năng lượng xanh.

Bất kỳ sự sụt giảm nào trong lãi suất tiền gửi cũng có thể dẫn đến sự đi xuống của lãi suất cho vay cơ bản (LPR), ngay cả khi PBoC không thực hiện bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất chính sách nào.

Nếu lạm phát tăng nhanh, các lựa chọn của PBoC có thể sẽ thu hẹp, mặc dù trong vài năm qua, ngân hàng trung ương này đã từng hạ lãi suất hoặc RRR bất chấp áp lực giá cả phình to bởi chi phí sản xuất và giá thịt heo lên cao.

Lạm phát tiêu dùng tại Trung Quốc vẫn nằm dưới mức mục tiêu 3% của chính phủ trong suốt thập kỷ qua. Điều này là trái ngược hoàn toàn so với việc giá tiêu dùng nhảy vọt tại các nền kinh tế lớn thời gian gần đây.

Theo Bloomberg, Trung Quốc có lý do để lạc quan rằng lạm phát vẫn sẽ ở mức thấp. Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và logistics do dịch bệnh sẽ ít nghiêm trọng hơn so với năm 2022. Cùng lúc, nhiều công nhân có khả năng sẽ quay trở lại thị trường việc làm hơn.

Nguy cơ người dân từ chối đi làm là khá thấp bởi chính phủ Trung Quốc không áp dụng các biện pháp như phát tiền mặt trực tiếp cho dân. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng cao, đồng nghĩa rằng sự cạnh tranh để tìm việc và áp lực lên tiền lương không nghiêm trọng như ở phương Tây. 

Khả Nhân