|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kinh tế Malaysia rơi vào suy thoái kỹ thuật

08:19 | 12/12/2021
Chia sẻ
Chỉ số GDP tính theo năm giảm 17,2% so với quý II/2020 khiến Malaysia trở thành một trong những quốc gia có hoạt động kém nhất trong sáu nền kinh tế hàng đầu ASEAN.
Kinh tế Malaysia rơi vào suy thoái kỹ thuật - Ảnh 1.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Nền kinh tế Malaysia đã rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật trong quý III/2021 do Lệnh phong tỏa toàn diện trên quy mô toàn quốc từ tháng Sáu. Theo hai Giáo sư kinh tế, giảng viên hai trường Đại học quốc gia Malaysia là Paolo Casadio và Geoffrey Williams, nếu không có biến thể mới của virus SARS-CoV-2 là Omicron, kinh tế Malaysia cũng có thể đang chuyển sang hướng tăng trưởng chậm và mong manh.

Nếu hoạt động kinh tế liên tục giảm trong hai quý liên tiếp thì nền kinh tế đang rơi vào trạng thái suy thoái kỹ thuật. Điều này đang xảy ra với nền kinh tế Malaysia khi mà dữ liệu kinh tế quý III/2021 cho thấy kết quả không mong muốn.

Đây là lần thứ hai trong hai năm, điều này đã xảy ra và trong cả hai trường hợp, nguyên nhân rõ ràng là do chính sách phong tỏa của chính phủ. Điều này đã được cựu Thủ tướng Najib Razak ghi nhận gần đây và thông tin này đáng được chú ý khi các chính trị gia nhận ra tác động tiêu cực của các biện pháp phong tỏa.

Tuy nhiên, câu chuyện không hoàn toàn đơn giản như vậy. Kinh tế của Malaysia bắt đầu suy giảm từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát với tăng trưởng yếu trong quý III và IV/2019.

Diễn biến này đã trở tồi tệ hơn sau đợt phong tỏa đầu tiên vào tháng 3/2020, vốn gây ra giai đoạn suy thoái trong quý II và III/2020. Chỉ số GDP tính theo năm giảm 17,2% so với quý II/2020 khiến Malaysia trở thành một trong những quốc gia có hoạt động kém nhất trong sáu nền kinh tế hàng đầu ASEAN.

Khi so sánh với sáu quốc gia hàng đầu ASEAN, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19, Malaysia bị ảnh hưởng tồi tệ hơn cả vì ba lý do chính.

Thứ nhất, các đợt đóng cửa ở Malaysia tương đối lâu hơn và nghiêm ngặt hơn những nơi khác và điều này đã gây ra thiệt hại về cơ cấu cho các doanh nghiệp, việc làm, thu nhập và tiết kiệm, ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi.

Thứ hai, các gói kích cầu của chính phủ không lớn hoặc không hiệu quả như đã được công bố. Khoảng 50% trong tổng số kinh phí được phân bổ không được sử dụng nhanh và khoảng 50% kinh phí được sử dụng đến từ các khu vực tư nhân. Ngoài ra, cách tiếp cận "có mục tiêu" trái ngược với cách tiếp cận chủ yếu là không hiệu quả.

Thứ ba, dịch COVID-19 tại Malaysia bùng phát vào giữa quá trình chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế, thay thế động cơ tăng trưởng từ đầu tư sang tiêu dùng và từ lĩnh vực công nghiệp sang dịch vụ.

Sự thay đổi cơ cấu này là một xu hướng dài hạn thường xảy ra khi các nền kinh tế trải qua các giai đoạn phát triển liên tiếp. Ở Malaysia, quá trình này phần nào bị ép buộc bởi các chính phủ trước đây và các Kế hoạch liên tiếp của Malaysia liên quan đến việc cắt giảm dần các quỹ hỗ trợ đầu tư công vào tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế ra khỏi các ngành dịch vụ.

Dòng vốn đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng diễn biến theo xu hướng giảm. Tổng dòng vốn FDI giảm một nửa trong năm 2018 và một nửa vào năm 2019, chỉ phục hồi mức trước đó vào năm 2020. Vốn FDI vào nông nghiệp giảm đáng kể trong năm 2017 và năm 2018 chứng kiến sự thu hẹp trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản.

Năm 2019, FDI vào lĩnh vực sản xuất là kém hiệu quả. FDI ròng đã có xu hướng giảm kể từ năm 2016. Tất cả những diễn biến trên đều xảy ra trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Bên cạnh đó, sự gia tăng đáng kể tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm cũng trở thành một đặc điểm cơ cấu của nền kinh tế Malaysia. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn do các đợt phong tỏa và các chính sách phục hồi việc làm không hiệu quả như trước đây.

Lạm phát cũng là một chỉ số đáng lưu ý vì giá cả tăng, đặc biệt là đối với thịt và rau, đã trở thành một vấn đề được công chúng quan tâm và tranh luận. Dự kiến, lạm phát sẽ được giữ ở mức thấp, khoảng 2,4% trong năm 2021 và giảm xuống mức bình thường 2,0% vào năm 2022. Mặc dù các số liệu đều bị ảnh hưởng bởi tác động của giá dầu và tình trạng thiếu hụt nguồn cung do tình trạng phong tỏa.

Theo các chuyên gia, có ba điểm cần lưu ý về tình hình hiện nay của kinh tế Malaysia.

Đầu tiên, nước này đang ở một bước ngoặt chuyển từ suy thoái kỹ thuật sang tăng trưởng chậm và mong manh. Từ giờ, kinh tế Malaysia dự kiến sẽ trải qua một giai đoạn phục hồi nhưng chậm hơn so với kỳ vọng và chắc chắn không đạt mức tăng trưởng 6-7% như dự báo trước đó và sẽ chỉ trong phạm vi 2,5-3,5%.

Thứ hai, Malaysia chưa có một mô hình tăng trưởng cân bằng với sự phục hồi có thể được thúc đẩy bởi tiêu dùng chứ không phải đầu tư. Tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19 đã gây ra những thiệt hại đáng kể về cấu trúc và cần được đầu tư đúng mức.

Nếu không, những thiệt hại của quá khứ sẽ ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng trong tương lai và tốc độ tăng trưởng cao sẽ không sớm trở lại, trừ khi đầu tư được cải thiện. Thứ ba, quá trình chuyển đổi sang phục hồi chậm và mong manh có thể bị trật bánh, nếu chính phủ tái áp đặt chính sách phong tỏa.

Hằng Linh