Sức chống chịu của Việt Nam và 5 nền kinh tế Đông Nam Á nhìn từ tốc độ tăng trưởng GDP trong quý 'giông bão' nhất
Quý III được coi là quý "sóng gió" với các nền kinh tế Đông Nam Á khi hầu hết các nước đều ghi nhận số ca nhiễm tăng cao, buộc phải áp dụng các biện pháp giãn cách, gây ảnh hưởng nhất định đến kinh tế - xã hội.
Với những gì diễn ra trong quý III, Việt Nam cũng lần đầu ghi nhận mức giảm sâu nhất (-6,17%) kể từ khi tính và công bố GDP quý đến nay. Trước đó quý I và II Việt Nam tăng trưởng lần lượt 4,48% và 6,61%.
Dưới tác động nặng nề của dịch COVID-19, hầu hết các nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Thái Lan,... đều ghi nhận đà tăng trưởng thấp hơn so với quý trước đó.
Cùng với Việt Nam, hai nền kinh tế khác tại Đông Nam Á là Malaysia và Thái Lan cũng ghi nhận mức tăng trưởng âm.
Ba nước còn lại là Singapore, Philippines, Indonesia có chỉ số khả quan hơn khi đều tăng trưởng dương. Nổi bật nhất là Philippines với mức tăng trưởng ấn tượng 7,1% dù cũng bị dịch COVID-19 càn quét nặng nề như các nước khác trong khu vực.
Singapore tăng trưởng dương quý thứ ba liên tiếp
Theo Nikkei Asia, Singapore tiếp tục duy trì đà tăng trưởng dương quý thứ ba liên tiếp. GDP quý III của quốc gia này ước tính tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ. Trong các nền kinh tế lớn ở khu vực, Singapore là nước duy nhất giữ vững mức tăng trưởng dương qua các quý. Trước đó quý I kinh tế nước này tăng 1,5%, quý II tăng 14,7%.
Singapore cũng là một trong số ít các nước tại Đông Nam Á trải qua quý III khá nhẹ nhàng do số ca nhiễm COVID-19 không đáng kể. Tuy nhiên, hiện nước này đang đối mặt nguy cơ bùng dịch mạnh.
Singapore đã lại phải áp dụng một số quy định hạn chế chặt chẽ hơn, điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế trong giai đoạn cuối năm.
Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng bên ngoài cũng đang suy yếu, một phần do sự suy thoái của kinh tế Trung Quốc. Đà sụt giảm thể hiện rõ trong xuất khẩu nội địa phi dầu mỏ trong tháng 8 của Singapore, chỉ tăng với tốc độ hàng năm 2,7% - mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020.
MAS cho biết, tăng trưởng GDP dự kiến của nước này sẽ ở mức 6 - 7% trong năm nay, phục hồi từ mức giảm 5,4% của năm ngoái.
Indonesia - vùng dịch lớn nhất khu vực hồi sinh, duy trì đà hồi phục
Trong khi đó, nền kinh tế Indonesia trong quý III tăng 3,51% so với cùng kỳ, tiếp nối đà phục hồi sau sự suy thoái do dịch COVID-19 gây ra, mặc dù tốc độ chậm hơn so với quý II là 7,07%. Con số này thấp hơn so với mức dự báo 3,76% của 21 nhà phân tích do Reuters thăm dò ý kiến.
Trước đó, vào thời điểm quý I/2020, quốc gia này ghi nhận mức tăng trưởng dương 2,97%. Dưới tác động của dịch COVID-19, từ quý II/2020 đến quý I/2021, quốc gia này đều tăng trưởng âm.
Vào hồi tháng 7, Indonesia đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm COVID-19 do biến thể Delta, điều này cũng đã khiến chính phủ phải áp đặt các lệnh hạn chế xã hội chặt chẽ hơn và nền kinh tế cũng phải hứng chịu nhiều tác động.
Tiêu dùng cá nhân, chiếm hơn một nửa GDP của Indonesia, chỉ tăng 1,03% - chậm hơn đáng kể so với mức tăng 5,96% của quý II, cho thấy nhu cầu tiêu dùng vẫn còn hạn chế.
Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 7, số ca nhiễm đã giảm nhanh chóng với mức dưới 1.000 ca/ngày.
Đến nay, theo số liệu của Worldometers ngày 16/11, trung bình 7 ngày, quốc gia này chỉ ghi nhận hơn 380 trường hợp/ngày.
Các biện pháp hạn chế cũng đang được nới lỏng, nền kinh tế được kỳ vọng sẽ quay trở lại đà tăng tốc phục hồi. Chính phủ nước này cũng cho rằng chương trình tiêm chủng sẽ giúp duy trì, cải thiện hơn nữa tình trạng dịch bệnh trong thời gian tới.
Bộ Tài chính Indonesia dự báo tăng trưởng GDP năm nay là 4%, trong khi Ngân hàng Trung ương Indonesia cho biết sau cuộc họp tháng 10 rằng họ kỳ vọng tăng trưởng từ 3,5% - 4,3%.
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê Indonesia, vào tháng 8, đã có 21,32 triệu người trong độ tuổi lao động đã bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong số đó, 1,82 triệu người thất nghiệp vì đại dịch, trong khi 17,41 triệu người bị giảm giờ làm do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Philippines tăng trưởng ấn tượng 7,1%
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Philippines, đà phục hồi kinh tế của quốc gia này chậm lại trong quý III với mức tăng 7,1% so với cùng kỳ (GDP quý III/2020 giảm 11,6%), do việc thắt chặt các biện pháp hạn chế để ngăn sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19.
Mức tăng trưởng này đã vượt mức dự báo 4,8% trong một cuộc thăm dò của Reuters, nhờ vào sự mở rộng trong các lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp chính. Về mặt chi tiêu, tiêu dùng hộ gia đình tăng 7,1%, đóng góp 5,2 điểm phần trăm vào mức tăng GDP chung.
Chính phủ nước này hiện cũng đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế khi số ca nhiễm hằng ngày giảm xuống còn gần 2.000 trường hợp từ mức cao nhất là hơn 26.000 trường hợp vào hồi tháng 9.
Nhờ đó, hoạt động kinh tế của Philippines cũng sẽ được thúc đẩy nhiều hơn trong quý IV, vốn đang diễn ra mạnh mẽ do việc mua sắm cuối năm và dòng tiền gửi về từ hàng triệu lao động ở nước ngoài.
Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế, ông Karl Chua cho biết Chính phủ nước này đặt mục tiêu mở cửa trở lại nền kinh tế ở Mức Cảnh báo 1 (mức thấp nhất) vào tháng 1/2022, trước thời điểm cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5/2022.
Malaysia tăng trưởng âm 4,5%
Mới đây, Ngân hàng trung ương Malaysia đã công bố tăng trưởng nền kinh tế nước này giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này tệ hơn nhiều so với ước tính trung bình giảm 1,3% trong một cuộc thăm dò ý kiến 20 nhà kinh tế do Reuters thực hiện.
Theo Thống đốc Ngân hàng trung ương, bà Nor Shamsiah Yunus, tất cả các lĩnh vực kinh tế đều hoạt động kém hiệu quả trong quý III, đặc biệt là xây dựng, nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Ngân hàng trung ương duy trì mục tiêu tăng trưởng cả năm từ 3% - 4%, nhờ vào sự gia tăng hoạt động kinh tế khi các biện pháp hạn chế dần được nới lỏng trong bối cảnh chính sách hỗ trợ tiếp tục được áp dụng.
"Việc tái áp dụng các biện pháp ngăn chặn đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trong quý, dẫn đến tăng trưởng GDP âm, nhưng dự kiến sẽ được cải thiện trong quý IV cùng với việc nới lỏng các hạn chế và nhu cầu bên ngoài tăng cao," bà nói.
Trước đó, nền kinh tế nước này đã giảm 0,5% trong quý đầu tiên và tăng lên 16,1% trong quý II.
Cũng như các quốc gia khác, Malaysia đã phải hứng chịu tác động nặng nền từ làn sóng dịch COVID-19 ngày từ những tháng đầu năm. Vào hồi tháng 8, số ca nhiễm tại quốc gia này lên tới hơn 24.000 trường hợp/ngày. Tổng cộng, quốc gia này đã ghi nhận hơn 2,5 triệu trường hợp mắc bệnh và gần 30.000 trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, đến nay, số ca nhiễm trung bình mỗi ngày đã giảm xuống còn khoảng 5.800 ca/ngày, theo số liệu của Worldometers.
Dưới tác động của dịch COVID-19 cùng các biện pháp hạn chế, Ngân hàng Trung ương đã giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 xuống 3% - 4%, từ mức đầy tham vọng 6% - 7,5%.
Về triển vọng kinh tế trong năm 2022, Thống đốc ngân hàng Malaysia cho biết cơ quan này dự kiến tăng trưởng kinh tế sẽ tăng tốc từ 5,5%-6,5% nhờ vào việc các hoạt động kinh tế được nới lỏng trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng cao, chính sách hỗ trợ,...
Malaysia cũng đang tiến tới mở cửa lại biên giới và hồi sinh lĩnh vực du lịch từng bị vùi dập do dịch COVID-19. Mới đây, Thủ tướng Malaysia, ông Ismail Sabri Yaakob cũng đã đồng ý với Indonesia về việc mở hành lang đi lại giữa hai nước để có thể tạo thuận lợi cho sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Thái Lan quay trở lại tăng trưởng âm 0,3% trong quý III
Cũng theo Nikkei Asia, Văn phòng Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia Thái Lan (NESDC) vừa qua đã công bố GDP quý III giảm 0,3%. Dịch bệnh bùng phát mạnh cuối tháng 6 khiến nước này phải áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt như cấm ăn uống tại nhà hàng và hạn chế giờ hoạt động của các chợ, quán ăn, cửa hàng tiện lợi. Thái Lan cũng ban hành lệnh giới nghiêm từ 9h tối.
Các biện pháp này đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á. Mức tăng trưởng âm quý vừa qua cũng khớp với dự đoán của chuyên gia trước đó. 12 trong số 13 chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters cho rằng GDP quý III Thái Lan giảm.
Hiện tại, nước này vẫn ghi nhận khoảng 7.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, nhưng đã thay đổi các chính sách chống dịch. Thái Lan đặt mục tiêu sống chung với dịch, cho phép các doanh nghiệp dần lại bình thường ngay cả trong trường hợp các ca bệnh tăng cao.
Từ tháng 11, nước này bắt đầu đón khách du lịch quốc tế mà không cần cách ly. Việc mở cửa trở lại được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực cho nền kinh tế vì du lịch và các ngành kinh doanh liên quan từng chiếm 20% GDP Thái Lan.
NESDC dự tính GDP nước này sẽ tăng trưởng 3,5-4,5% năm tới. Đây là lần đầu tiên NESDC đưa ra dự báo chính thức cho năm 2022.
Con số này cũng gần với dự báo của các cơ quan nhà nước khác. Bộ Tài chính Thái Lan vào tháng 10 dự báo tăng trưởng kinh tế 4% năm 2022, còn Ngân hàng Trung ương Thái Lan dự kiến tăng trưởng 3,9%.