|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế Đông Nam Á đối mặt với nhiều 'cơn gió ngược' vì thương chiến Mỹ - Trung leo thang lên cấp độ mới

22:45 | 20/08/2019
Chia sẻ
Các nền kinh tế Đông Nam Á có thể sẽ phải đối mặt với nhiều "cơn gió ngược" từ bên ngoài trong nửa cuối năm 2019, khi mà căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đè nặng lên khu vực, gây áp lực buộc chính phủ các nước phải thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, chẳng hạn như cắt giảm lãi suất để thúc đẩy kinh tế.
1

Ảnh: Nikkei Asian Review

Theo Nikkei Asian Reviewtranh chấp thương mại Mỹ - Trung bắt đầu gây tổn hại đến khu vực Đông Nam Á vào cuối năm ngoái.

Theo số liệu tổng sản phẩm quốc nội  (GDP) quí II được công bố hôm 19/8, 5 trong số 6 nền kinh tế lớn nhất khu vực, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, đều ghi nhận mức tăng trưởng chững lại so với quí I.

Thái Lan và Singapore chịu nhiều tổn thất nhất từ các "cơn gió ngược" nhất

Trong đó, Thái Lan và Singapore phải gánh chịu nhiều thiệt hại nhất vì nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu chính như thiết bị điện tử giảm.

Hôm 19/8, Thái Lan đã cắt giảm dự báo tăng trưởng cho cả năm 2019 xuống phạm vi 2,7% - 3,2%, thấp hơn dự báo trước đó là 3,3% - 3,8%.

Trong quí II, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Thái Lan đã chạm mức thấp nhất trong gần 5 năm qua, ghi nhận ở 2,3%.

Lí do chính cho tình trạng nói trên là hàng hóa xuất khẩu giảm, với việc chính phủ Thái Lan dự đoán khối lượng hàng hóa (tính theo đồng USD) xuất ra nước ngoài giảm 1,2% so với mức tăng 7,5% năm 2018.

Văn phòng Hội đồng Kinh tế và Xã hội Quốc gia Thái Lan nhận định, "sự giảm tốc của các nền kinh tế đối tác cũng như áp lực gia tăng từ các biện pháp bảo hộ thương mại" là yếu tố gây ra mức sụt giảm này. Theo World Bank, xuất khẩu chiếm 66% GDP của Thái Lan trong năm 2018.

Thái Lan đã "nối gót" Singapore khi mà quốc đảo sư tử vào tuần trước cũng hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 từ khoảng 1,5% - 2,5% xuống phạm vi 0% - 1%. Do lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử thu hẹp, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Singapore trong quí II ghi nhận ở mức 0,1%, thấp nhất trong 10 năm qua.

"Nền kinh tế Singapore nhiều khả năng sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều cơn gió ngược nghiêm trọng trong phần còn lại của năm 2019", Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cho hay, đồng thời họ còn chỉ ra "một bối cảnh kinh tế vĩ mô đầy thách thức từ bên ngoài" cùng "tình trạng suy thoái sâu sắc trong chu kì thiết bị điện tử trên toàn cầu".

Việt Nam, Indonesia tuy chưa "ngấm đòn", nhưng khả năng trong tương lai là rất lớn

Các quốc gia khác trong khu vực dường như ít chịu tổn hại bởi các yếu tố bên ngoài hơn, tuy nhiên dữ liệu quí II cho thấy căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và kinh tế toàn cầu giảm tốc sau đó cũng sẽ ảnh hưởng đến họ.

Tăng trưởng của Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đã chạm mức thấp hai năm là 5,05% trong quí II do giá hàng hóa xuất khẩu giảm, trong đó tiêu biểu là dầu cọ. Chính điều này đã làm giảm niềm tin của người tiêu dùng trong nước.

Với GDP tăng lên 6,8% trong quí trước, Việt Nam lại chứng kiến tăng trưởng kinh tế giảm xuống mức 6,7% trong quí II. Philippines cũng gặp chung tình cảnh khi tăng trưởng kinh tế sụt từ 5,6% xuống 5,5%.

Điều này cho thấy ngay cả hai quốc gia được cho hưởng lợi từ việc nhà sản xuất rời khỏi Trung Quốc cũng gặp trục trặc với các vấn đề nội bộ. Loạt vấn đề này bao gồm đầu tư công yếu và tình trạng thiếu nước ở Philippines cũng như lĩnh vực nông nghiệp giảm tốc tại Việt Nam.

Malaysia "đi ngược" xu hướng khi mà tăng trưởng kinh tế của nước này tăng từ 4.5% hồi quí I lên 4,9% trong quí II vừa qua. Sự vươn lên này được hỗ trợ bởi mức tiêu dùng tư nhân tăng 7,8%.

Tuy nhiên, ngân hàng trung ương Malaysia vẫn giữ quan điểm thận trọng, đồng thời lưu ý rằng "khu vực bên ngoài có thể sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi việc kinh tế toàn cầu giảm tốc vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung".

Khu vực Đông Nam Á nên "thủ sẵn thế" thì hơn!

Với tăng trưởng chững lại trong quí II và môi trường bất ổn bên ngoài, chính phủ và ngân hàng trung ương các nước trong khu vực đang chịu áp lực điều chỉnh nền kinh tế thông qua các biện pháp tiền tệ và tài khóa trong vài tháng tới.

"Các quốc gia Đông Nam Á có thể phải đổi mặt với nhiều cơn gió ngược liên quan đến tình trạng suy yếu trong hoạt động sản xuất, rủi ro thương mại và xáo trộn chuỗi cung ứng trong vài quí tới", Nikkei Asian Review dẫn lời nhà phân tích Margaret Yang của CMC Markets (Singapore).

"Ngoài cắt giảm lãi suất, các nhà hoạch định chính sách có lẽ cần cung cấp kích thích tài khóa, giảm thuế và khuyến khích việc làm nếu suy thoái nghiêm trọng xuất hiện".

Vào ngày 16/8, Thái Lan đã công bố gói kích thích trị giá 316 tỉ baht (10,2 tỉ USD) để hỗ trợ nông dân và người có thu nhập thấp nhằm tăng tiêu dùng trong nước và bù đắp lực cản từ nước ngoài.

Trong bài phát biểu vào ngày quốc khánh, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho hay với tình hình hiện tại, chính phủ không đảm bảo đưa ra kích thích kinh tế ngay lập tức.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng "nếu tình hình tồi tệ hơn, Singapore sẽ nhanh chóng phản ứng bằng các biện pháp can thiệp phù hợp để duy trì sinh kế của người lao động".

Các ngân hàng trung ương của Thái Lan và Philippines hồi đầu tháng này đã hạ lãi suất 25 điểm cơ bản xuống lần lượt 1,5% và 4,25%. Ngân hàng trung ương Indonesia vào tháng 7 cũng đã cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau gần hai năm.

Trả lời Nikkei Asian Review, nhà kinh tế Prakash Sakpak của ING hi vọng Thái Lan sẽ hạ lãi suất thêm một lần nữa trong quí IV năm nay.

Cũng theo ông Sakpak, Malaysia cũng có thể hạ lãi suất chủ chốt 50 điểm cơ bản từ mức 3% hiện tại xuống 2,5% vào cuối năm nay.

"Thật khó để tưởng tượng nền kinh tế Malaysia có thể tiếp tục vượt qua phần còn lại của thế giới khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã leo thang lên cấp độ mới. Vì lạm phát liên tục thấp (1,4% trong tháng 7), ngân hàng trung ương nước này cần nhiều biện pháp nới lỏng chính sách hơn".

Khả Nhân

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.