|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Kinh hoàng vay tiền qua app

07:43 | 28/04/2020
Chia sẻ
Cục Cạnh tranh - Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) hôm qua tiếp tục khuyến cáo người dân cảnh giác với vay trực tuyến trong mùa dịch COVID-19.
Kinh hoàng vay tiền qua app - Ảnh 1.

Vay tiền qua app trả lãi suất cao cắt cổ ẢNH: KHẢ HÒA

Muốn tự tử với kiểu đòi nợ khủng bố

Ngày 24.4, chị Đ.N (ngụ Long An) đã cầu cứu Báo Thanh Niên về việc bị đòi nợ theo kiểu “khủng bố” khi vay tiền qua ứng dụng (app) trên thiết bị di động. 

Ngày 5.4, chị vay 5 triệu đồng qua app Vdong, nhưng chỉ nhận được 3,5 triệu đồng, thời gian vay trong vòng 14 ngày. Ngày 19.4 là hạn thanh toán nhưng chị Đ.N không chuẩn bị tiền kịp. Lúc này, người bên Vdong liên tục “khủng bố” bạn bè, người thân của người vay tiền. 

Hình ảnh chị Đ.N khi đăng ký vay chụp cùng chứng minh nhân dân được soạn thành một tin với nội dung thông báo: “Đối tượng Đ.N đã dùng thủ đoạn để vay vốn tài chính của công ty sau đó trốn nợ, không nghe máy, tắt máy...

Đối tượng tìm cách trốn tránh cắt đứt liên lạc với công ty chúng tôi và từ chối nghĩa vụ thanh toán. Gia đình bao che từ chối nhân thân. 

Ai có thông tin về đối tượng này xin cho đối tượng ít tiền để giải quyết nợ nần, sau thời gian này toàn bộ chứng cứ sẽ được bàn giao để khởi tố với tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Mong anh chị chuyển lời và gửi hình ảnh này đến đối tượng gấp”.

Chị Đ.N kể: “Do cần tiền gấp mà không tiếp cận được những hình thức vay chính thức nên tôi đã vay qua app. Khi vay, tôi không hề biết công ty sẽ truy cập được danh bạ điện thoại của tôi. 

Đến khi chưa kịp trả, họ đã gửi trên Facebook, gọi và gửi tin cho người thân, bạn bè của tôi để bôi nhọ và đòi cho người xuống xử. Tôi rất sợ và hoảng loạn, chỉ muốn tự tử”.

Thực tế, hình thức vay tiền qua app rồi bị khủng bố đòi nợ đã được cảnh báo khá nhiều nhưng do kẹt tiền, nhiều người vẫn rơi vào.

 Ông Linh Nguyen (ngụ TP.HCM) cho biết: “Khoảng 9 tháng trước tôi có vay tiền qua app. 7 tháng sau đó, tôi luôn trả nợ đúng hạn. Nhưng 2 tháng trở lại đây tôi không có khả năng trả nữa thế là người thân bạn bè của tôi liên tục bị làm phiền. 

Lúc trước họ chỉ gọi từ 8 - 17 giờ nhưng sau đó có người nói là công ty đòi nợ liên tục gọi vào ban đêm hăm dọa các kiểu. Giờ tôi lo quá”.

Tương tự, chị K.C (ngụ An Giang) cũng liên tục bị người bên app gọi điện cho người thân, bạn bè trong danh bạ điện thoại của chị và họ liên tục bị nghe những lời nhục mạ từ phía người đòi nợ dù không có liên quan. 

Những người thân của chị K.C nhận được những tin nhắn như: “Mày kêu nó ra trả cho công ty Panda Vay, mượn 200 triệu đồng rồi trốn luôn. Nó vay tiền nóng để số điện thoại của mày là người thân”. Đáng nói, số tiền phải trả tăng theo cấp số nhân. 

Đơn cử, app mà chị K.C vay yêu cầu chị trả 3,28 triệu đồng nhưng vài ngày sau đó số tiền nhảy lên đến 7,58 triệu đồng.

Đáng nói, những người vay qua app gần như không biết cách tính lãi như thế nào. Chỉ biết rằng vay 5 triệu đồng thì nhận được 3,5 triệu đồng, bị trễ hạn mỗi ngày thì số tiền cứ thế tăng lên không ngừng. 

Thế nên số tiền vay các app ban đầu chỉ vài triệu đồng nhưng trong thời gian cũng rất ngắn (khoảng 14 ngày), nên họ không thể kiếm được nguồn tài chính trả nợ. Cứ thế lãi mẹ đẻ lãi con dẫn đến nợ càng tăng cao.

Cảnh giác với vay trực tuyến

Cục Cạnh tranh - Bảo vệ người tiêu dùng cho biết thời gian gần đây, cơ quan này đã tiếp nhận một số phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hoạt động cho vay trực tuyến của một số đơn vị.

Qua quá trình xác minh, Cục lưu ý và khuyến cáo người tiêu dùng không nên vay tiền trực tuyến của các tổ chức, cá nhân khi có một số dấu hiệu không rõ ràng. 

Đó là các tổ chức, cá nhân cho vay không có thông tin giới thiệu làm rõ chức năng của đơn vị là công ty tài chính, ngân hàng có chức năng cho vay, hoặc đơn vị có chức năng tư vấn, kết nối giữa người đi vay và người cho vay. 

Hoặc tổ chức, cá nhân không nêu rõ thông tin về tên công ty, địa chỉ, số điện thoại, hoặc có nhưng địa chỉ, thông tin liên hệ ở nước ngoài.

Đồng thời, người tiêu dùng không nên vay tiền của các đơn vị không công khai các chính sách thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng. 

Đặc biệt cần cảnh giác với những tổ chức, cá nhân cho vay không niêm yết các điều kiện, điều khoản giao dịch chung cũng như không công bố biểu phí hoặc làm rõ các chi phí phát sinh trong quá trình giao dịch. 

Ngoài ra, nhiều đơn vị cho vay qua mạng cũng không gửi trước mẫu hợp đồng vay và các nội dung chi tiết liên quan đến hợp đồng vay để người tiêu dùng đọc trước khi xác nhận ký kết giao dịch và không cung cấp hợp đồng đã ký kết để người tiêu dùng lưu giữ sau khi hoàn thành giao dịch.

Trước đó, cơ quan này đã nhiều lần cảnh báo về việc vay tiền qua mạng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là các đơn vị không công khai lãi vay và các chi phí phát sinh. 

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của người dân, không ít người bất đắc dĩ phải tìm đến các app cho vay tiền và bị khủng bố khi không kịp trả nợ.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, Cố vấn HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), nhận xét đây là hình thức cho vay nặng lãi. Mức lãi suất vay cắt cổ, lên đến 1.000%/năm là đã vi phạm luật pháp nghiêm trọng, bởi theo quy định hiện nay, lãi suất vay không được quá 20%/năm.

Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 hiện nay, trường hợp gặp khó khăn về tài chính, không thể đảm bảo khả năng trả nợ, người tiêu dùng nên chủ động gửi văn bản hoặc email tới đơn vị liên quan để đề xuất giải pháp hỗ trợ xử lý giãn nợ, tránh tình trạng để trả quá hạn dài ngày, phát sinh các khoản tiền phạt và các trách nhiệm pháp lý liên quan.

Cục Cạnh tranh - Bảo vệ người tiêu dùng

Thanh Xuân

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.