|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Kịch bản giá tiêu tăng mạnh có lặp lại vào cuối tháng 6?

15:18 | 09/06/2020
Chia sẻ
Theo một số chuyên gia trong ngành thị trường đang nhiễu loạn thông tin, nhất là tại khu vực Đắk Lắk. Do đó, rất khó đoạn định liệu rằng kịch bản có lặp lại như cuối tháng 5 hay không bởi vừa qua, giới đầu cơ đưa nhiều tin đồn để giá lên cao.

Giá tiêu trong nước tăng phi mã trong khi giá ở thị trường xuất khẩu giảm

Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản trong tháng 5, nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu tăng mạnh tại một số nước trên thế giới, đặc biệt từ thị trường Trung Quốc đã hỗ trợ tăng giá hạt tiêu. 

Hơn nữa, nhiều nhà đầu cơ đã đẩy mạnh hoạt động mua vào khi giá hạt tiêu ở mức đáy cũng tác động tích cực lên thị trường hạt tiêu toàn cầu. 

Cụ thể, tại Bà Rịa Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đắk Nông và Đồng Nai tăng 5.500 đồng/kg lên mức 43.000 - 45.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Gia Lai tăng 6.000 đồng/kg lên 43.500 đồng/kg

Cục Chế biến và Phát triển Nông sản cho biết nhu cầu thu mua hạt tiêu của các doanh nghiệp tăng mạnh, trong khi người dân hạn chế bán ra khiến giá hạt tiêu tăng trong khi doanh nghiệp xuất khẩu không có hàng để bán.

Một số chuyên gia phản ánh thực tế giá tiêu trên nhiều thị trường xuất khẩu không hề tăng, thậm chí có xu hướng giảm. Do đó, đây chỉ là hiện tượng tăng giá ảo, không phải tăng bền vững.

Điển hình như tại thị trường Ấn Độ, nơi tiêu thụ tiêu lớn thứ 4 của Việt Nam giá tiêu giảm 1,3% xuống 4.297 USD/tấn. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trước diễn biến phức tạp và khó kiểm soát của đại dịch COVID-19, Ấn Độ đã ra lệnh phong tỏa toàn quốc từ cuối tháng 3 và cho đến hết 31/5. 

Lệnh phong tỏa này đã gây gián đoạn trong việc thông thương giữa Ấn Độ với các nước khác và giữa các bang trong Ấn Độ. Xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang Ấn Độ cũng bị ảnh hưởng đáng kể. 

Trong khi đó, giá tiêu đen của của một số nước đối thủ của Việt Nam như Brazil và Malaysia lại giữ ổn định.

Cụ thể, tính đến ngày 26/5, giá tiêu đen giao tại cảng của Brazil và Malaysia giữ ổn định ở mức lần lượt là 2.000 USD/tấn và 3.685 USD/tấn.

Kịch bản giá tiêu tăng mạnh có lặp lại trong tháng 5?

Xu hướng tăng giá được dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới khi nhiều nước dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội, khuyến khích doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất nhằm khôi phục lại nền kinh tế. 

Trao đổi với người viết, ông Hoàng Phước Bính, Phó chủ tịch Hiệp hội Hạt tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho rằng kịch bản cuối tháng 6 có thể lặp lại như cuối tháng 5, thậm chí có thể cao hơn nếu doanh nghiệp không mua được hàng từ người nông dân.

Tuy nhiên, trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Tấn Hiên Phó TGĐ Công ty Cổ phần TM DV XNK Trân Châu, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho rằng thị trường đang nhiễu loạn thông tin, nhất là tại khu vực Đắk Lắk. 

Do đó, rất khó đoạn định liệu rằng kịch bản có lặp lại như cuối tháng 5 hay không bởi vừa qua, giới đầu cơ đưa nhiều tin đồn để giá lên cao.

“Giới đầu cơ đang ôm lượng hàng rất lớn trong tay và họ đưa thông tin ra thị trường trường để đẩy giá lên cao nhằm bán kiếm lời. Đến bây giờ, khách nước ngoài vẫn chưa chấp nhận giá cao nên tạm thời xuất khẩu “thất nghiệp”, chỉ thực hiện giao những hợp đồng cũ giá thấp thôi”, ông Hiên nói. 

Ông Hiên cho biết bản thân doanh nghiệp ông lượng hàng cung cấp cho các hợp đồng tháng 6,7 đã đủ nhưng các hợp đồng xa hơn từ tháng 8 đến tháng 10 khả năng thiếu.

"Trong trường hợp nguồn cung trong nước thiếu nếu người dân không chịu bán ra, khả nâng chúng tôi sẽ phải nhập khẩu hàng từ các nước Brazil hay Indonesia. Tuy nhiên, điều này lại có lợi cho ngành tiêu nước ngoài chứ không phải trong nước", ông Hiên nói.

Theo ông Hiên, mức giá hợp lí để bán ra là khoảng 44.000 - 45.000 đồng/kg. Với mức này thị trường có thể mua được, nhưng nếu giá 50.000- 55.000 đồng/kg, chắc chắn thị trường không chịu nổi. 

Theo nhận định của chủ doanh nghiệp xuất khẩu tiêu lớn giá tiêu cuối tháng 6 sẽ giảm khoảng 10.000 đồng/kg xuống còn khoảng 48.000 - 50.000 đồng/kg.


H.Mĩ