|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Kĩ năng giúp CEO AirAsia biến một hãng hàng không 0,26 USD thành cơ ngơi hàng tỉ USD

05:27 | 12/04/2019
Chia sẻ
CEO của hãng hàng không giá rẻ hàng đầu AirAsia đã chứng minh ông là bậc thầy trong việc biến đổi một công ty yếu kém thành cỗ máy sinh lời hàng tỉ USD.
Kĩ năng giúp CEO AirAsia biến một hãng hàng không 0,26 USD thành cơ ngơi hàng tỉ USD - Ảnh 1.

CEO AirAsia Tony Fernandes. Ảnh: Bloomberg

Đặt trụ sở ở Kuala Lumpur (Malaysia), AirAsia là một trong những hãng hàng không tiêu biểu cho mô hình hàng không giá rẻ ở châu Á. Hãng cung cấp các chuyến bay nội địa và quốc tế tới hơn 100 địa điểm ở 22 quốc gia, đồng thời cũng lập nhiều công ty liên doanh ở các nước khác như Thai AirAsia, Indonesia AirAsia, Philippines AirAsia, AirAsia Zest và AirAsia Ấn Độ.

Người có công gây dựng hãng hàng không này chính là ông Tony Fernandes, tỉ phú 54 tuổi.

CNBC đưa tin, sau khi xây dựng sự nghiệp thành công với chức vụ giám đốc cấp cao tại Warner Music, Tony Fernades quyết định dồn hết tâm trí để thử sức với ngành hàng không vào năm 2001.

Trong vòng một năm mua lại hãng hàng không (lúc đó vốn đã quá suy yếu) do một công ty nhà nước của Malaysia quản lí với giá một ringgit (tương tương 0,26 USD theo tỉ giá hiện tại), Fernandes đã chuyển hướng kinh doanh và biến nó thành một cỗ máy sinh lời.

Năm 2018, AirAsia đạt doanh thu 10,6 tỉ ringgit Malaysia (khoảng 2,58 tỉ USD).

Tuy nhiên, khi người ta hỏi về kĩ năng tốt nhất mà ông sở hữu với tư cách một nhà lãnh đạo, ông Fernandes chỉ nhấn mạnh duy nhất một điều, rằng ông có khả năng tìm ra những nhân sự tuyệt vời.

"Tôi nghĩ rằng điểm mạnh lớn nhất của bản thân, nếu tôi thực sự có điểm mạnh, chính là tìm ra những nhân sự tuyệt vời", CEO 54 tuổi chia sẻ trong "Money 2020" - một hội nghị tài chính gần đây tại Singapore.

Năm 2018, AirAsia được bầu chọn là hãng hàng không giá rẻ tốt nhất thế giới trong năm thứ 10 bởi công ty nghiên cứu vận tải hàng không Skytrax.

Từ những ngày đầu của AirAsia, ông Fernandes đã phát triển đội ngũ từ 200 nhân viên và hai máy bay đầu tiên thành một mạng lưới quốc tế của 20.000 nhân viên phi hành đoàn và 250 máy bay, tăng trưởng hơn 100%.

Để đạt thành tựu đó, CEO AirAsia tiết lộ ông đã ưu tiên tìm kiếm nhân sự có kĩ năng giao tiếp tốt và có ý thức mạnh mẽ về mục đích sống.

"Tôi tìm kiếm những người đang khao khát thể hiện. Nếu bạn nhìn vào nhân sự của tôi, có rất nhiều người đã làm điều đó hoặc muốn chứng minh điều gì đó", ông nói.

Kĩ năng trên trở nên đặc biệt hữu ích khi ông Fernandes tìm kiếm một đối tác kinh doanh để thành lập liên doanh mới nhất, BigPay - ứng dụng thanh toán di động mới của AirAsia.

Kĩ năng giúp CEO AirAsia biến một hãng hàng không 0,26 USD thành cơ ngơi hàng tỉ USD - Ảnh 2.

Christopher Davison, đồng sáng lập và CEO của BigPay, phát biểu trong Money 20/20 Asia Conference tại Singapore, vào ngày 19/3.

Fernandes nói rằng ông ấn tượng bởi sự nghiêm túc và quyết tâm của doanh nhân Christopher Davison khi gặp anh trong một quán bar tại London. CEO AirAsia đã ấn tượng đến mức quyết định chọn Davison làm đồng sáng lập và CEO của BigPay.

Tuy nhiên, phát hiện nhân sự giỏi chỉ là một phần trong công việc của nhà lãnh đạo. Biết cách để giữ họ là một điều hoàn toàn khác, ông Fernandes lưu ý. Để giữ nhân sự giỏi, ông tập trung đặc biệt vào ba thứ, gồm sự minh bạch, đánh giá cao và tạo điều kiện để nhân viên phát triển.

"Nhiều công ty không nhận ra giá trị của nhân lực mà họ đang sở hữu", ông Fernandes nói. Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng AirAsia là một trong những hãng hàng không duy nhất không có công đoàn, một tổ chức do nhân viên thành lập để đấu tranh cho quyền lợi của họ.

"Tôi nghĩ rằng chúng tôi rất giỏi trong việc nhận ra điều đó", ông nói thêm.

Đối với Fernandes, việc ăn mặc giản dị và cho phép nhân viên trao đổi trực tiếp với ông cũng là một phần của kĩ năng giữ nhân sự. Mỗi ngày thức dậy, ông Fernandes đều nhận được hàng trăm tin nhắn từ nhân viên của mình.

"Hầu hết doanh nhân đều nghĩ rằng họ biết tất cả, nhưng bạn phải lắng nghe mọi người người xung quanh nữa", ông bình luận.

Trần Nam Thi

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.