AirAsia không có kế hoạch mua Malaysia Airlines
CEO AirAsia, ông Tony Fernandes (Nguồn: Nikkei Asian Review)
"Việc các hãng hàng không giá rẻ trở thành hãng hàng không truyền thống với đầy đủ dịch vụ là một sai lầm", ông Fernandes trả lời tờ Nikkei Asian Review khi được hỏi về Malaysia Airlines trong cuộc phỏng vấn vào hôm 27/3.
Thủ tướng Malaysia, ông Mahathir Mohamad, cho biết vào tuần trước rằng các tổ chức trong và ngoài nước đã bày tỏ mối quan tâm đến việc mua lại Malaysia Airlines - hãng hàng không hiện đang phải vật lộn để duy trì lợi nhuận một phần vì sự cạnh tranh từ các hãng hàng không giá rẻ như AirAsia.
Ông Fernandes nói rằng ông muốn tập trung vào việc theo kịp công nghệ kĩ thuật số. "Ngay bây giờ tôi đang theo đuổi kế hoạch biến AirAsia thành một thứ vượt ngoài tầm của một hãng hàng không".
"Chúng tôi sẽ trở thành một công ty công nghệ du lịch tại khu vực Đông Nam Á và như một phần của kế hoạch này, chúng tôi đã đặt mục tiêu trở thành một doanh nghiệp thông minh và được kết nối", CEO Fernandes nói.
AirAsia có kế hoạch dành ít nhất 100 triệu ringgit (24,6 triệu USD) mỗi năm cho các khoản đầu tư công nghệ mới, không bao gồm cơ sở hạ tầng hiện có.
Ông Fernandes còn nhấn mạnh những thách thức đang lớn dần mà AirAsia phải đối mặt.
"Khi chúng tôi bắt đầu, chúng tôi chỉ phải cạnh tranh với Singapore Airlines, Malaysia Airlines,...", ông nói. "Họ là những hãng hàng không lỗi thời, do đó, chúng tôi đã tăng trưởng rất nhanh chóng".
Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ - vốn vô cùng mau lẹ - vị CEO nói ông muốn thay đổi cuộc chơi.
"Chúng tôi sẽ loại bỏ những đối thủ gây rối", ông Fernandes nói. "Chúng tôi sẽ đáp trả và chúng tôi có nguồn dữ liệu mạnh mẽ, có thể giúp AirAsia cạnh tranh với họ".
"Chúng tôi muốn thành lập những nền tảng để mọi người có thể giao dịch trên thế giới kĩ thuật số này", ông nói thêm.
Vào ngày 27/3, AirAsia đã tuyên bố hợp tác với công ty phần mềm Oracle của Mỹ để tập trung hóa và hợp lí hóa các hoạt động tài chính sử dụng điện toán đám mây của hãng hàng không này.
AirAsia còn có kế hoạch ra mắt dịch vụ BigPay tại Singapore trong khoảng ba tháng, sau đó là Thái Lan, Indonesia và Philipines vào cuối năm nay.
Dịch vụ này đã bắt đầu ở Malaysia vào đầu năm 2018 và hiện có khoảng 500.000 người dùng. BigPay cung cấp ví di động có lưu trữ thông tin thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ. Người dùng có thể theo dõi chi tiêu hàng ngày của mình bằng cách xem các giao dịch trong thời gian thực trên ứng dụng.
Với việc AirAsia tìm kiếm cơ hội tiếp cận công nghệ mới, công ty liên doanh kĩ thuật số RedBeat Ventures của AirAsia cho biết trong tháng 3/2019 này rằng họ sẽ thành lập một quĩ đầu tư mạo hiểm toàn cầu với công cụ tăng tốc khởi 500 Startups. Quĩ này, có tên là RedBeat Capital, sẽ đầu tư vào các công y khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực như hậu cần (logistics), công nghệ tài chính (fintech), du lịch và lối sống muốn tham gia hoặc mở rộng sự hiện diện ở Đông Nam Á.