|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khủng hoảng thịt lợn, trách nhiệm ngành Nông nghiệp ở đâu?

11:02 | 13/06/2017
Chia sẻ
Trả lời chất vấn sáng 13/6, Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng thịt lợn thời gian vừa qua.

Khủng hoảng thịt lợn là do rổ thực phẩm Việt thay đổi cơ cấu

Theo Bộ trưởng Cường, thời gian qua, sức sản xuất của Việt Nam tăng trưởng quá nhanh cả về thịt, sữa, cá, trứng... dẫn tới sức cung vượt quá nhu cầu. Hiện nay, không riêng thịt lợn tăng rất mạnh mà nhiều nông sản khác cũng tăng hàng chục lần trong vào năm qua.

Thịt lợn tăng 3,6 lần, sữa tăng 15 lần, cá từ 1,8 lên 3,4 triệu tấn, cùng với đó là 10 tỷ quả trứng... Lợn nái cách đây 10 năm có hơn 2 triệu con, giờ lên 4,2 triệu con. Nuôi lợn dù đã tái cơ cấu nhưng con số mới giảm được từ 7 triệu hộ xuống còn 3 triệu hộ.

Bên cạnh đó, riêng về thịt lợn, cơ cấu rổ thực phẩm Việt Nam đã có sự thay đổi. Trước đây, bữa cỗ có 70% là thịt lợn thì nay chúng ta có nhiều thực phẩm thay thế. Trong thời gian tới, Việt Nam cần tái cơ cấu, thu hẹp 3 triệu hộ chăn nuôi để dễ dàng kiểm soát hơn về nguồn cung.

Nguyên nhân thứ hai, theo Bộ trưởng, là do tổ chức ngành hàng chưa tốt, khâu liên kết trong sản xuất, chế biến kém, dẫn tới tiêu thụ chủ yếu là thịt tươi, không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Mặt khác về tổ chức thị trường, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu được một lượng nhỏ lợn sữa, lợn thịt chủ yếu xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc... Tóm lại, Việt Nam mới chỉ làm được 1 phân khúc, còn 2 phân khúc khác chúng ta rất kém, trong đó có trách nhiệm của ngành nông nghiệp.

Một số Đại biểu Quốc hội (ĐB) cho rằng Bộ trưởng trả lời "chưa thuyết phục". Cụ thể, ĐB Nguyễn Thanh Hồng người sản xuất tự phát thì chưa thấy vai trò quản lý Nhà nước như dự báo, định hướng, điều chỉnh, cảnh báo... cho nhà sản xuất như thế nào.

"Khi bộ trưởng nói nhà sản xuất phải thông minh thì đại biểu nói rằng nhà quản lý phải thông minh", ĐB Hồng phát biểu. Ngoài ra, ĐB Hồng cũng đưa ra dự đoán rằng, sắp tới, Việt Nam lại phải giải cứu cam, quýt, bưởi vì nơi ông ứng cử nông dân đang trồng rất nhiều.

ĐB Mai Sĩ Diễn (Thanh Hóa) cho rằng việc phát triển chăn nuôi lợn thời gian vừa qua có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, khi nông dân gia tăng quy mô chăn nuôi thì nhà quản lý chưa hề có cảnh báo và đã để xảy ra việc thừa lợn.

ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) đặt vấn đề khi thị trường vẫn bán thịt lợn 80.000 đồng/kg thì nông dân bán 20.000 đồng/kg. "Vậy ngoài vai trò của Bộ Nông nghiệp thì Bộ Công Thương ở đâu?", ĐB tỉnh Hà Tĩnh đặt câu hỏi.

Ngành chăn nuôi còn nhiều yếu kém

Theo Bộ trưởng Cường, tổ chức chăn nuôi vẫn là khâu yếu nhất của ngành nông nghiệp nước nhà. Về ngoại thương, Việt Nam chủ yếu vẫn xuất khẩu vào Trung Quốc còn các thị trường khác vẫn chưa mở cửa được.

Nhìn nhận các khâu sản xuất, tổ chức, thị trường còn yếu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cương cho biết vào tháng 4 vừa qua, khi bắt đầu mùa nóng, sức tiêu thụ của thị trường giảm đi nên đã dẫn tới tình trạng thừa thịt lợn.

2 bo truong tra loi chat van ve khung hoang thit lon
Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thông Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn sáng 13/6. Ảnh: Quochoi.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng xây dựng thị trường là khâu quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp và tín hiệu của thị trường là yếu tố quan trọng trong vấn đề xây dựng quy hoạch.

Đối với vấn đề giải cứu lợn, Bộ trưởng Công Thương cho biết ngành chăn nuôi đã chứng kiến sự tăng trưởng cao trong thời gian qua, tuy nhiên công tác phát triển thị trường chưa thực sự hiệu quả. Giải pháp đối với ngành chăn nuôi sẽ phải gắn sản xuất với mở cửa thị trường, gắn với mở cửa về thủ tục hành chính. Trong đó, yêu cầu vượt qua những hàng rào kỹ thuật là điều kiện quan trọng.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, khi đưa một mặt hàng ra nước ngoài, cần 3-7 năm để vượt qua các hàng rào kỹ thuật, công tác quy hoạch cần tính toán vấn đề này và cần sự phối hợp giữa các bộ ngành Sự việc khủng hoảng thừa đối với ngành chăn nuôi lợn thời gian vừa qua cũng sẽ được giải quyết khi Việt Nam xây dựng được cơ chế xuất khẩu chính ngạch thịt lợn sang thị trường lớn như Trung Quốc thay vì xuất khẩu tiểu ngạch mang tính rủi ro của hiện tại.

Đối với tạm nhập tái xuất, Bộ trưởng Công thương cho biết đây là loại hình thương mại đã được công nhận và áp dụng. Tuy nhiên, thịt lợn chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong kim ngạch tạm nhập tái xuất của Việt Nam với Trung Quốc.

Đình chỉ 2 doanh nghiệp đóng tàu thép bị han gỉ

Liên quan tới vấn đề khắc phục bất cập trong đóng tàu 67, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết hiện đã đóng được 666 tàu (vỏ sắt, gỗ, composit), trong đó 297 tàu sắt, hầu hết là công xuất lớn. Tuy nhiên, thời gian qua, xuất hiện một số tàu hư hỏng, nằm bờ, trong đó Bình Định có tới 19 tàu hư hỏng,...

Bộ đã yêu cầu 27 tỉnh thành rà soát lại toàn bộ, cử Tổng cục Thủy sản vào làm việc với tỉnh để khắc phục sự cố trên cơ sở minh bạch, trách nhiệm. Bộ cũng trực tiếp tổ chức 1 hội nghị với lãnh đạo 27 tỉnh thành, ngư dân, doanh nghiệp đóng tàu, qua đó thống nhất các giải pháp khắc phục sự cố. Bộ cũng cho biết, tàu hư hỏng thuộc 2 công ty Đại Nguyên Dương, Nam Triệu.

"Chúng tôi đã yêu cầu đình chỉ 2 đơn vị này không được đóng tàu nữa, yêu cầu thay máy mới, các tàu hỏng về sắt phải thay sắt đúng chất lượng. Tàu chưa sử dụng doanh nghiệp phải có trách nhiệm thu lại, không để người dân nhận số tàu này. Tỉnh Bình Định phải thẩm định các tàu hư hỏng, mời công an vào cuộc điều tra làm rõ. Tổ tư vấn sẽ có trách nhiệm tìm nguyên nhân làm rõ”, Bộ trưởng Cường tuyên bố.

Tô Đức