|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Khủng hoảng bất động sản đe dọa ngành thép Trung Quốc, quý III đặc biệt khó khăn

16:10 | 02/08/2022
Chia sẻ
Bắc Kinh đang ngại chi nhiều tiền để giải quyết rắc rối của lĩnh vực bất động sản, khiến ngành thép khó có thể phục hồi nhanh chóng. Chủ tịch một hãng thép cảnh báo rằng khoảng thời gian khó khăn có thể kéo dài 5 năm, khiến 1/3 số nhà máy thép phá sản.

(Hình minh họa: Getty Images). 

Khác biệt với quá khứ

Ngành thép của Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn mới đầy bấp bênh. Khủng hoảng bất động sản đe dọa nhu cầu tiêu thụ thép và mô hình tăng trưởng dựa trên lĩnh vực xây dựng của Trung Quốc có vẻ khó có thể duy trì lâu hơn nữa.

Ông Li Ganpo, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hebei Jingye Steel Group, từng cảnh báo trong một cuộc họp công ty hồi tháng 6 rằng gần 1/3 nhà máy thép ở Trung Quốc có thể phá sản trong vòng 5 năm tới.

Theo biên bản mà Bloomberg có được, ông Li đánh giá: “Toàn ngành đang thua lỗ và tôi cho rằng chúng ta sẽ khó thấy một bước ngoặt trong tương lai gần”. Năm ngoái, các nhà máy của Trung Quốc sản xuất ra hơn 1 tỷ tấn thép, tương đương một nửa sản lượng toàn cầu. 

Khủng hoảng địa ốc ở Trung Quốc đã lan rộng trong năm nay, kéo nhiều nhà phát bất động sản lẫn ngân hàng vào khó khăn và buộc Bắc Kinh phải buông bỏ bớt tham vọng tăng trưởng. Cuộc khủng hoảng đặt các nhà máy thép vào tình thế đặc biệt dễ bị tổn thương và tạo ra tác động xấu tới giá quặng sắt cũng như các nhà khai thác quặng. 

* Sản lượng thép bao gồm thép lớp (layered steel). Dữ liệu năm 2017 không được công bố. 

Sau hơn một năm đau đớn vì bất động sản, triển vọng toàn ngành thép tiếp tục xấu đi bởi Bắc Kinh từ chối tung ra các gói giải cứu lớn và giữ nguyên các quy định nghiêm ngặt về nợ. Chỉ số quản lý thu mua thép tháng 7 đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008.

Goldman Sachs dự đoán nhu cầu thép sẽ giảm 5% trong năm nay. Thông thường, ngành bất động sản chiếm ít nhất 1/3 nhu cầu thép của Trung Quốc.

Ngoài cuộc khủng hoảng hiện nay, ngành thép còn đối mặt với các thách thức to lớn trong bối cảnh mô hình tăng trưởng đã chống đỡ cho nền kinh tế Trung Quốc hàng chục năm qua có dấu hiệu căng thẳng.

Chủ tịch Tập Cận Bình có vẻ ngần ngại chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và kích thích tài chính với quy mô lớn như sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và sự suy yếu của thị trường bất động sản năm 2015-2016.

Ông Leland Miller, CEO China Beige Book International, tổ chức theo dõi ngành thép Trung Quốc nhấn mạnh: “Tình hình lần này thực sự khác biệt. Ngành bất động sản đã mất đi vị thế là động lực thúc đẩy tăng trưởng hàng đầu, do đó các hàng hóa chủ chốt như thép không còn khả năng tiếp cận nguồn tín dụng dồi dào như trước”.

Trong ngắn hạn, trở ngại chính của ngành thép là lượng lớn các công trình dang dở – nguyên nhân gây ra làn sóng tẩy chay nợ thế chấp gần đây. Giá thép xây dựng cũng đã lao dốc. Giá thanh cốt thép rớt xuống đáy hai năm vào tuần trước, dẫu cho sản lượng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015, theo dữ liệu của Mysteel.

Tương lai khó khăn

Ông Xiao Zunhu, Chủ tịch công ty thép thuộc sở hữu nhà nước Hunan Valin Steel phát biểu tại cuộc họp ngành thép tại Bắc Kinh tuần trước: “Nhu cầu đang sụt giảm nhanh chóng”. Không chỉ ông Xiao mà những người tham gia cũng liên tục đưa ra cảnh báo về thời kỳ khó khăn sắp tới.

Ông Chen Shaohui, Phó Chủ tịch Jiangsu Shagang Group nhận định thị trường “sẽ tiếp tục ở trong tình trạng phức tạp và khó khăn” trong nửa cuối năm 2022, còn các biện pháp kích thích thì cần thời gian để phát huy tác dụng.

Sự suy yếu của nhu cầu đã tác động đến quặng thép. Tính đến ngày 2/8, giá thép tương lai đã đi xuống ba ngày liên tiếp và mất khoảng 36% kể từ đỉnh hồi đầu tháng 3. Công ty cung cấp dịch vụ nghiên cứu Liberum Capital viết trong lưu ý rằng ngành thép Trung Quốc đang “suy giảm mạnh trên mọi mặt” và khuyến nghị khách hàng bán ra một số cổ phiếu khai thác quặng sắt.

Các nhà sản xuất thép khó có thể phản ứng bằng cách cắt giảm sản lượng. Các lãnh đạo giấu tên của 4 nhà sản xuất lớn nói với Bloomberg rằng chính quyền địa phương đang gây áp lực buộc các nhà máy duy trì hoạt động để ngăn dữ liệu kinh tế xấu đi.

Có một thời, nhà máy thép được coi là quán quân, thể hiện rõ nhất tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc. Một số nhà máy đã phát triển từ xưởng đúc ở vùng nông thôn đến các tập đoàn trị giá hàng tỷ USD. Đến một lúc nào đó, ngành bất động sản của Trung Quốc sẽ ngừng tuột dốc, nhưng khả năng ngành này tạo ra được sự bùng nổ kinh tế như vài thập kỷ qua là rất nhỏ nhoi.

Ông Zhu Guosen, Phó Giám đốc viện nghiên cứu công nghệ tại công ty thép Shougang Group trình bày tại cuộc họp ở Bắc Kinh tuần trước: “Quý III sẽ là khoảng thời gian khó khăn nhất cho toàn ngành. Chúng ta nên từ bỏ mọi ảo tưởng về thị trường và tập trung vào những gì mình có thể làm”.