Không thể khơi gợi cảm xúc, mọi nỗ lực tiếp thị khó thành công
Nathan Chan là người sáng lập tạp chí Foundr - một ấn bản dành cho doanh nhân trẻ ở Mỹ. Anh thường phỏng vấn những doanh nhân trẻ hàng đầu để tìm những bí quyết thành công của họ.
Trong một bài viết trên trang Entrepreneur, Nathan Chan đã hé lộ những bí quyết để khơi gợi cảm xúc của người tiêu dùng trong hoạt động tiếp thị.
Đối với tiếp thị, hầu hết các thương hiệu đều hành động âm thầm hơn so với suy nghĩ của chúng ta. Để thành công, một công ty hiện đại không chỉ đơn giản tạo ra một sản phẩm hấp dẫn và đưa ra giải pháp.
Thay vào đó, doanh nghiệp phải tạo ra kết nối với khách hàng ở mức sâu hơn. Đó là lí do chúng ta phải tóm lược các yếu tố trong quảng cáo và tiếp thị mà thôi thúc mọi người chia sẻ và mua sản phẩm, dịch vụ bằng một từ: Cảm xúc.
Nhiều người nghĩ chúng ta quyết định dựa trên lí trí. Song hàng loạt nghiên cứu chứng minh con người dựa vào cảm xúc nhiều hơn thông tin khi ra quyết định mua hàng hóa, dịch vụ. Thực phẩm chúng ta ăn, sản phẩm chúng ta mua phụ thuộc vào cảm xúc của chúng ta trong một ngày cụ thể.
Ảnh minh họa: zimbio.com
Đôi giày mà chúng ta thích có thiết kế và cấu tạo giống hệt hàng nghìn đôi giày khác, song chúng ta tự lí giải rằng, đôi giày đó tốt hơn ở một số điểm.
Những chiến dịch tiếp thị mà các doanh nghiệp thực hiện sẽ tạo ra kết nối sâu hơn với người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng yêu thích mọi thứ họ bán. Trên thực tế, những quảng cáo mà người ta chia sẻ nhiều nhất trên mạng xã hội đều có yếu tố cảm xúc.
Antonio Damasio, một giáo sư khoa học thần kinh của Đại học Southern California (Mỹ), khẳng định chúng ta cần cảm xúc trong hầu như mọi lựa chọn. Thông qua cảm xúc, chúng ta kết nối các thương hiệu và trải nghiệm sản phẩm với cảm xúc và kí ức cá nhân.
Chẳng hạn, nếu sau lần đầu tiên chúng ta ăn bánh kẹp thịt trong một nhà hàng, chúng ta đau bụng, có lẽ chúng ta sẽ cảm thấy ghê tởm mỗi khi nghĩ tới nhà hàng đó. Đương nhiên, có thể chiếc bánh mà chúng ta ăn chỉ vô tình là một sản phẩm lỗi trong hàng triệu bánh mà nhà hàng đã bán, song trải nghiệm kia vẫn tác động tới chúng ta trong nhiều năm.
Ngược lại, nếu một gia đình từng có trải nghiệm vui ở một nhà hàng, họ sẽ cảm thấy hạnh phúc mỗi khi nghĩ đến nó và muốn quay lại đó, dù có thể thức ăn ở đó không ngon. Đó là vì cảm xúc tạo ra sự ưu tiên, và sự ưu tiên tác động tới quyết định.
Giáo sư Damasio đã nghiên cứu những người từng tổn thương ở vùng não xử lí cảm xúc và lí trí. Do tổn thương, những người này không có sự kết nối giữa các vùng não ấy. Kết quả cho thấy, trong quá trình xử lí thông tin, họ không thể ra quyết định. Lí do: Họ không có cảm xúc về những lựa chọn mà họ có.
Hàng loạt khảo sát đã chỉ ra rằng, phần lớn người tiêu dùng nhớ tới một ảnh hay video quảng cáo vì nó khơi gợi cảm xúc mãnh liệt, chứ không phải vì nội dung thú vị hay hình ảnh ấn tượng. Chúng ta thích những quảng cáo giống như cách chúng ta thích con người.