|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Không lớn tuổi nhưng phải can thiệp ECMO, phi công người Anh của Vietnam Airlines diễn biến nặng là do béo phì?

18:51 | 10/04/2020
Chia sẻ
Lí giải về trường hợp phi công người Anh dù không thuộc nhóm nguy cơ cao nhưng lại có diễn biến nặng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng ngoài vấn đề về độc tính của virus, bệnh nhân này có yếu tố béo phì.
Không lớn tuổi nhưng phải can thiệp ECMO, phi công người Anh của Vietnam Airlines diễn biến nặng là do béo phì? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trò chuyện với bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Nguồn: Sức khoẻ & Đời sống).

Chiều nay (10/4), tại hội nghị giao ban báo chí trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, khẳng định tình hình các bệnh nhân COVID-19 ở nước ta hoàn toàn phù hợp với nghiên cứu trên thế giới, theo Sức khoẻ & Đời sống, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế.

Theo đó, Thứ trưởng cho biết với những bệnh nhân lớn tuổi trên thì tỉ lệ xảy ra diễn tiến nặng tương đối cao. Hiện có 20 bệnh nhân trên 60 tuổi thì có 4 trường hợp suy hô hấp nặng phải thở máy.

Ở độ tuổi 40-60, nước ta có 69 bệnh nhân, có 2 người phải thở máy. Trong đó có trường hợp bệnh nhân người Anh mắc COVID-19 số 91 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM khá nặng, phải can thiệp ECMO.

Giải thích về lí do tại sao trường hợp này mới 43 tuổi nhưng lại có diễn biến nặng, theo thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dù không thuộc nhóm nguy cơ cao (người cao tuổi, có bệnh nền) nhưng có thể do độc tính của virus gây bệnh. 

Cùng đó, bệnh nhân 91 có cân nặng 100 kg, với chiều cao 1,83 m. Nếu tính theo chỉ số BMI thì bệnh nhân này có yếu tố béo phì.

Đây là một trong những nguyên nhân có thể đưa bệnh nhân này vào nhóm nguy cơ có thể diễn biến nặng. Điều này phù hợp với các nghiên cứu khác trên thế giới.

Thứ trưởng cũng chia sẻ, những ngày qua ngành y tế đã huy động toàn lực điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, căng sức tập hợp kể cả các đội ngũ cán bộ chuyên gia giỏi nhất thông qua các cuộc hội chẩn từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong các trường hợp dùng ECMO hay lọc máu.

"Đánh giá các ca này tiên lượng tử vong vẫn còn nên đội ngũ thầy thuốc đang tập trung tất cả những thầy thuốc giỏi nhất, phương tiện y tế hiện đại nhất, đặc biệt là sự theo dõi tận tình của đội ngũ y bác sĩ, chúng ta sẽ cố gắng chiến đấu, để cứu chữa, giữ mạng sống cho các bệnh nhân", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Về vấn đề nghên cứu khoa học, theo Thứ trưởng dù đại dịch xảy ra trong thời gian rất ngắn nhưng các nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam đã triển khai rất nhiều nghiên cứu. 

Các bác sĩ trong nước cũng đang áp dụng các thành tựu nghiên cứu từ các nước trên thế giới, có nghiên cứu riêng để điều trị cho người bệnh như dùng các thuốc điều trị HIV, điều trị sốt rét, điều trị giun sán… Việt Nam cũng bắt đầu nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng để có được phác đồ điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Trúc Minh

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.