Không gian Tộc cà phê độc đáo của nữ cử nhân 9X
CEO Vinacafe day dứt vì trộn đậu nành vào cà phê |
Chào đời và lớn lên ở tỉnh Cao Bằng, khi xuống Hà Nội để học, Chu Thảo - một cô gái dân tộc sinh năm 1991, đã nuôi ước mơ khởi nghiệp từ chính bản sắc độc đáo của quê hương.
Nhiều lần Thảo gặp ánh mắt kỳ thị từ những người xung quanh khi biết cô là người dân tộc. Nhưng ở thời điểm đó, Thảo biết cô chưa đủ kinh nghiệm để bắt tay triển khai mơ ước kinh doanh.
Ngay từ thời sinh viên, Chu Thảo đã ấp ủ ý tưởng kinh doanh dựa trên bản sắc độc đáo của quê hương. Ảnh: Chu Thảo |
Năm thứ hai đại học, Thảo bắt đầu tập kinh doanh bán hàng online. Từ suy nghĩ kiếm tiền tự nuôi bản thân và đỡ phải lấy tiền của mẹ, Thảo nhanh chóng trở thành cô sinh viên “rủng rỉnh” tiền trong lớp, độc lập được tài chính.
Chia sẻ về công việc thời sinh viên, Thảo nói: “Cách đây 8 năm, phong trào bán hàng online chưa nở nộ như bây giờ. Tôi gần như độc quyền bán hàng online cho khách nên thu nhập khá ổn.”
Tốt nghiệp đại học, Thảo tự mở shop bán quần áo ngay giữa thành phố Cao Bằng. Năm 2017, trong một lần khảo sát thị trường để mở rộng cửa hàng quần áo, cô tìm được mặt bằng “đắc địa”giữa trung tâm thành phố Cao Bằng.
Du khách là đối tượng chính mà quán cà phê Tộc hướng tới. Ảnh: Chu Thảo |
“Ý tưởng mở quán Tộc cà phê xuất hiện từ rất lâu trong suy nghĩ của tôi. Bản thân tôi luôn muốn làm việc gì đó để duy trì bản sắc dân tộc như nhiều mô hình kinh doanh ở Sapa, Hà Giang. Hồi ấy ý tưởng của tôi rất mơ hồ. Khi tìm ra mặt bằng, tôi quyết định hiện thức hóa giấc mơ”, Thảo cho biết.
Tuy nhiên, dự định khởi nghiệp với quán cà phê của Thảo ngay lập tức vấp phải sự phản đối của gia đình và bạn bè. Cô kể: “Ai cũng bảo tôi điên rồ. Mọi người đều ngăn cản vì tôi không hề có một chút kiến thức nào về mảng này. Chồng tôi là người duy nhất ủng hộ và cùng thực hiện ý tưởng”.
Sau một đêm thức trắng, Thảo quyết định dồn toàn bộ số tiền tiết kiệm sau nhiều năm buôn bán để mở quán.
Du khách nước ngoài chơi bi-a trong Tộc cà phê. Ảnh: Chu Thảo |
Với suy nghĩ “Khác biệt là cách để tồn tại và phát triển”, Thảo lên kế hoạch xây dựng một quán café vừa hiện đại vừa truyền thống. Cô trang trí không gian quán bằng các món đồ của đồng bào các dân tộc Cao Bằng. Để có những món đồ này, Thảo cùng chồng dành nhiều ngày đế tới các bản làng. Nhiều ngày hai người đi cả trăm cây số nhưng phải về tay không.
Thời gian đầu, Tộc cà phê hoạt động trên tinh thần thử nghiệm. Vừa thăm dò ý kiến của khách hàng, vừa tạo dựng không gian cà phê mang đậm bản sắc quê hương, nhiều ngày sau,Thảo càng mường tượng rõ ràng hơn con đường phát triển của quán.
“Để cạnh tranh với rất nhiều quán cà phê xung quanh, Tộc cà phê buộc phải đẹp, độc, lạ. Tôi chọn khách du lịch là đối tượng chính của quán. Khi định hướng như vậy, chúng tôi cứ thế kiên định theo mục tiêu”, cô tâm sự.
Sân khấu trong Tộc cà phê. Ảnh: Chu Thảo |
Hiện tại, Tộc cà phê đã trở thành một điểm trên bản đồ du lịch của dân phượt. Nhiều khách du lịch gọi nơi đây “bảo tàng dân tộc thu nhỏ". Vào những ngày mà lượng khách lớn, Tộc cà phê đạt doanh thu tới 20 triệu đồng/ngày.
Thảo tiết lộ: “Đến thời điểm hiện tại, nhiều bạn ở các tỉnh xin nhượng quyền thương hiệu. Nhưng bản thân tôi vẫn mong muốn phát triển ổn định mô hình cà phê này trước. Tôi dự định mở rộng mô hình này thành chuỗi cà phê Tộc. Khi đã có kinh nghiệm trong quản lý, tôi mới tính tới nhượng quyền thương hiệu.”