CEO Vinacafe day dứt vì trộn đậu nành vào cà phê
Ông Nguyễn Tân Kỷ, CEO Vinacafe. Ảnh: Tamnhin.net |
"Việt Nam là cường quốc cà phê đứng số một về robusta, nhưng hầu hết người dân chưa được uống một ly cà phê đúng nghĩa. Đứng hàng đầu về cà phê, nhưng chúng ta chưa có tiêu chuẩn nào đúng nghĩa về cà phê".
Đây là đánh giá của ông Nguyễn Tân Kỷ, CEO của Vinacafe tại Chương trình Diễn đàn kết nối Doanh nghiệp – người tiêu dùng: Đón sóng thực phẩm sạch ngày 23/8 tại Hà Nội. Là doanh nhận gạo cội trong ngành, ông thú nhận rằng chính công ty mình cũng từng cho ra sản phẩm "pha trộn".
"Tôi thú thật cách đây 3-4 năm, chính xác là năm 2012, chúng tôi đã làm ra hai sản phẩm Wake -up và Phinn có trộn đậu nành vào trong cà phê", ông Kỷ nói. Nguyên nhân, theo ông Kỷ, là do "sức ép của thị trường". Hay nói cách khác, chính gu của người tiêu dùng không chuộng cà phê nguyên chất.
Vị doanh nhân cho rằng điều này đã đi ngược với triết lý "cà phê phải là cà phê" mà công ty xây dựng từ khi thành lập vào năm 1968, trái với những dòng sản phẩm chỉ làm từ nguyên bản như cà phê hạt rang, rang xay, Vina Gold trong gần 50 năm qua.
"Thực sự cả hai sản phẩm đều tạo được kết quả kinh doanh tốt, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy day dứt vì đã đi ra khỏi triết lý cà phê nguyên bản của mình", ông chia sẻ.
Sau những lo ngại về thực phẩm bẩn, cà phê bẩn gần đây, cộng với việc gu người tiêu dùng đã có sự thay đổi, gần hơn với vị nguyên bản, công ty quyết định quay lại với triết lý cũ.
Đó là lý do công ty này tuyên bố trong một chiến dịch quảng cáo gây tranh cãi gần đây rằng từ 1/8, trong mỗi ly cà phê Vinacafe chỉ là cà phê nguyên chất.
Ông Nguyễn Đình Toàn chia sẻ tại Diễn đàn. |
Cũng chung nỗi niềm cà phê nguyên chất với CEO Vinacafe, ông Nguyễn Đình Toàn, Giám đốc cao cấp ngành hàng cà phê, Tập đoàn Masan bức xúc khi mỗi năm người Việt tiêu thụ khoảng 17 tỷ ly cà phê nhưng có tới phân nửa là pha trộn.
Ngoài ra, ông Toàn cho rằng hạt cà phê Việt Nam đang được định giá thấp hơn giá trị đổ ra. "Mỗi ký cà phê nông dân Việt bán được 2 USD/kg nhưng Starbuck bán một ly giá 4 USD, gấp hàng trăm lần so với hàng triệu người nông dân Việt Nam thu được. Nescafe hay Starbuck thương hiệu hàng trăm tỷ USD nhưng không trồng một hạt cà phê nào. Vậy mà cường quốc số một cà phê chúng ta không sống nổi trên chính hạt cà phê chúng ta tạo ra", ông Toàn nói.
Một trong những lý do khiến hạt cà phê Việt không có giá trị cao còn vì vấn đề thương hiệu. Chia sẻ với câu chuyện của Vinacafe, Tiến sỹ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cho rằng ngay tại Italy, nơi người dân dùng nhiều cà phê nhất thế giới, chỉ 10% dân số biết đến hạt cà phê Việt Nam. Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển cà phê hương vị truyền thống, theo ông Tuấn, cà phê Việt cần vươn ra tầm thế giới bằng những sản phẩm có chất lượng.