Khối ngoại cầm trịch 'cuộc chơi' chứng khoán
Thị trường chứng khoán 6/4: Nhiều mã trụ tăng điểm, VN-Index tiến sát 1.200 điểm | |
Chiến lược gia cảnh báo về 'bong bóng' thị trường chứng khoán có thể bùng nổ |
Sự tăng trưởng của VN-Index cho thấy dấu hiệu không bền vững. Ảnh: THÀNH HOA |
Trong ba tháng 11, 12 năm ngoái và tháng 1 năm nay, cổ phiếu của hầu hết các nhóm ngành đều chuyển biến tích cực, dù tăng nhiều ít nhưng là có tăng, tức chuyển động thuận với sự đi lên của thị trường chung. Tuy nhiên sang tháng 2, đặc biệt tháng 3 có lẽ một phần do ảnh hưởng của thị trường chứng khoán thế giới, phần khác là tâm lý chốt lời khi chỉ số tiến gần và vượt đỉnh cao nhất mười một năm của nhà đầu tư nội, thanh khoản cả ba sàn đều giảm và sự tăng trưởng của VN-Index cho thấy dấu hiệu không bền vững.
Thị trường đã vượt đỉnh theo cái cách rất không được lòng phần lớn nhà đầu tư, theo hướng chỉ những cổ phiếu vốn hóa lớn tăng điểm. Còn lại MidCap, SmallCap, cổ phiếu cơ bản hay cổ phiếu đầu cơ đều lần lượt đo ván danh mục nhà đầu tư nếu ai lỡ giải ngân vào.
Vì sao những cổ phiếu vốn hoá lớn ghi điểm? Liệu chúng có thể làm được điều đó nếu lượng cổ phiếu có thể giao dịch ở mức cao? Xác suất này rất thấp. Số liệu thống kê chỉ ra khoảng 90% các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường có tỷ lệ cổ phiếu có thể giao dịch hàng ngày cực thấp. Hai cổ đông sở hữu áp đảo chúng là Nhà nước và nước ngoài. Hãy xem xét cụ thể theo dữ liệu của sàn TPHCM đến hết quí 1 năm nay.
Tại Vinamilk, doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất nhì Hose, Nhà nước đang nắm giữ 36% cổ phần, nước ngoài 59,48%, các cổ đông khác (trong nước) còn nhỉnh hơn 4,5% một chút. Sabeco còn “tệ” hơn. Sau khi trừ đi phần Nhà nước sở hữu 36%, Beverage Vietnam 53,59%, nước ngoài khác 9,66%, nhà đầu tư Việt chỉ có trong tay 0,75% cổ phiếu công ty bia lâu đời nhất nước.
Sau khi Nhà nước thoái vốn khỏi Sabeco vào tháng 12-2017, khối ngoại - những tổ chức mua vào SAB từ khi IPO nhiều năm trước hoặc mua vào trước khi công ty niêm yết - còn liên tục bán ra chốt lời. Đầu tháng 3 vừa qua, các quỹ do Dragon Capital quản lý bất ngờ mua thỏa thuận 15 triệu cổ phiếu Sabeco và dĩ nhiên là sau khi mua, Dragon Capital không mang SAB ra giao dịch hàng ngày. Nói “bất ngờ” thì cũng không thật sự chính xác vì Dragon Capital đã thương lượng với bên bán (cũng là tổ chức ngoại) khá lâu và họ chốt giá khi SAB về gần 200.000 đồng/cổ phiếu, một thị giá hợp lý so với cái giá 320.000 đồng/cổ phiếu mà Nhà nước thoái vốn. Từ thời điểm Dragon Capital công khai sự hiện diện Sabeco trong danh mục đầu tư, khối ngoại giảm mạnh bán SAB trên sàn.
Trong khối ngân hàng, tình trạng cổ phiếu có thể giao dịch cũng không khá hơn. Ở BIDV, Nhà nước nắm giữ 95,28%, nước ngoài 2,66%, người trong nước muốn mua tối đa cũng chỉ có thể ở mức hơn 2%. Nhà nước đang sở hữu 77,11% Vietcombank, cộng với Mizuho Ltd 15%, cổ đông ngoại khác giữ gần 6%, cổ đông trong nước còn tối đa chưa đầy 3%.
Với Vietinbank, tỷ lệ của Nhà nước giảm xuống còn 64,46%, The Bank of Tokyo - Mitsubishi giữ 19,73%, IFC nắm 8,02%. Tỷ lệ sở hữu của khối ngoại ở Vietinbank luôn đầy và khối nội giao dịch 7,79% còn lại. Phải nhấn mạnh chỗ này: đây là doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trong tốp 10 có tỷ lệ cổ phiếu có thể giao dịch hàng ngày cao nhất. Mà chỉ 7,79%!!!
Còn lại những “anh hào” khác thì sao? Ghé qua Tổng công ty Khí (GAS) nơi Nhà nước từ nhiều năm nay đã nhắc đi nhắc lại chuyện thoái vốn, nhưng đến tận giờ tỷ lệ của Nhà nước tiếp tục duy trì ở mức 95,76%; nước ngoài giữ 3,51%, người Việt nếu bỏ tiền ra mua hết cũng chỉ được tối đa 0,73% cổ phần. Tình trạng cổ phiếu được giao dịch ở tập đoàn Bảo Việt còn tệ hơn do cơ cấu cổ đông cô đặc hết mức: Bộ Tài chính 70,91%; Sumitomo Life 18%; SCIC 3,26%, còn lại khoảng 7-8% là do tổ chức nước ngoài khác nắm giữ. Có thời điểm, lượng cổ phiếu BVH có thể giao dịch giữa các nhà đầu tư nội chỉ vài triệu, thậm chí dưới một triệu đơn vị.
Tổng công ty xăng dầu Petrolimex cũng không là ngoại lệ. Bộ Công Thương nắm quyền chi phối tại đây với 84,71%; Công ty TNHH Tư vấn và Holding JX Nippon Oil & Energy Vietnam có 8,93% cổ phần; các quỹ nước ngoài khác bên ngoài giao dịch khoảng 5% còn lại.
Đáng bàn nhất là trường hợp của Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) dù doanh nghiệp này mới chỉ đăng ký giao dịch trên UpCom. Bộ Giao thông Vận tải là cổ đông lớn với 95,4% cổ phần, khối ngoại nắm giữ 3,52%, nhà đầu tư Việt gom góp mãi cũng được xấp xỉ 1%. Với giá trị vốn hóa thị trường 230.993 tỉ đồng và chuẩn bị chuyển niêm yết sang Hose, ACV không tác động đến chỉ số VN-Index mới lạ!
Nhà nước và nước ngoài đang là những cổ đông to nhất, quyền lực nhất tại những doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường, mà cổ đông Nhà nước cũng như các đối tác chiến lược ngoại không giao dịch cổ phiếu, nên hẳn nhiên việc nâng hay hạ thị giá những cổ phiếu trên phụ thuộc hoàn toàn vào quỹ đầu tư nước ngoài. Các quỹ ngoại hiện nay đang quản lý tổng cộng hàng tỉ đô la Mỹ giá trị cổ phiếu các doanh nghiệp nói trên (hàng tỉ đô la Mỹ trong số cổ phiếu có thể giao dịch) và họ bắt buộc phải đảm bảo sự tăng trưởng giá trị tài sản ròng NAV (Net Asset Value) của quỹ bắt kịp VN-Index để hưởng phí quản lý cũng như định mức thưởng.
Ai đang làm chủ thị trường chứng khoán? Ai đang tác động trực tiếp đến VN-Index? Câu trả lời chỉ có thể là khối ngoại. Nhưng người cầm trịch cuộc chơi, người chịu trách nhiệm về vai trò của chứng khoán với nền kinh tế, người quyết định sự tăng trưởng bền vững của thị trường lại là Nhà nước. Giờ là Nhà nước thoái vốn thì liệu vốn trong nước có vào đó không hay cuối cùng nước ngoài sẽ thay chân.