|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khởi nghiệp với sàn thương mại điện tử, kỳ lân đầu tiên của Đông Nam Á vừa khai pháo IPO thành công, trở thành một trong những công ty lớn nhất Indonesia

07:15 | 09/08/2021
Chia sẻ
Bắt đầu với vai trò một sàn thương mại điện tử đơn thuần, Bukalapak nhanh chóng mở rộng ra nhiều hoạt động kinh doanh khác để khẳng định vị thế của mình.

Sàn thương mại điện tử Bukalapak trở thành công ty đại chúng giá trị thứ 13 của Indonesia khi giá cổ phiếu tăng mạnh sau khi chào sàn chứng khoán vào hôm 6/8 tại Indonesia, theo Nikkei.

Cụ thể, giá cổ phiếu của Bukalapak đã tăng lên 1.060 rupiah chỉ vài phút sau khi lên sàn, tăng 25% so với mức giá chào IPO là 850 rupiah. Với mức giá này, vốn hoá của Bukalapak đạt mốc 109,2 nghìn tỷ rupiah (7,6 tỷ USD), đứng thứ 13 trong số các công ty đang niêm yết trên sàn IDX. Đồng thời, Bukalapak cũng trở thành kỳ lân đầu tiên của Đông Nam Á thực hiện IPO thành công.

Startup 'kỳ lân' đầu tiên Đông Nam Á 'khai pháo' IPO, thành công ty đại chúng lớn thứ 13 Indonesia - Ảnh 1.

(Nguồn: Tech in Asia, Việt hoá: Thái Sơn).

"Mặc dù đợt IPO của Bukalapak được thực hiện trong bối ảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mức độ quan tâm dành cho cổ phiếu của Bukalapak vẫn ở mức cao", ông Rachmat Kaimuddin, CEO Bukalapak, chia sẻ. "Qua đợt IPO này, chúng tôi tin tưởng có thể thúc đẩy sự phát triển của nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ lên một tầm cao mới", ông nói thêm.

Đợt IPO của Bukalapak cũng cùng lúc với việc 4 startup kỳ lân đầu tiên của Indonesia là Bukalapak, Gojek, Tokopedia và Traveloka đều đang rục rịch thực hiện IPO. Nikkei nhận định đây là bước tiến tiếp theo của mảng công nghệ tiêu dùng tại đây.

GoTo, pháp nhân sau sáp nhập Gojek và Tokopedia, đang đặt mục tiêu niêm yết tại Mỹ và Indonesia, trong khi đó Traveloka cũng đang chuẩn bị niêm yết tại Mỹ thông qua một công ty thâu tóm, sáp nhập chuyên dụng (SPAC).

Bukalapak được thành lập vào năm 2020 trong vai trò ban đầu là một công ty thương mại điện tử đơn thuần. Dù vậy, Bukalapak dần mở rộng sang các dịch vụ khác, ví dụ như Mitra Bukalapak với nỗ lực chuyển đổi số cho các cửa hàng tạp hoá (warung) tại Indonesia.

Báo cáo tài chính đệ trình lên cơ quan chức năng trước đợt IPO cho thấy Bukalapak ghi nhận doanh thu 1.300 tỷ rupiah vào năm 2020, trong đó mảng thương mại điện tử và mảng Mitra lần lượt đóng góp 76% và 14,7%.

Bukalapak cho biết sẽ dành 66% dòng tiền đến từ IPO để đầu tư vào mảng thương mại điện tử, lĩnh vực đang chứng kiến sự cạnh tranh cực kỳ gắt gao giữa các "ông lớn".

Sea, thông qua sàn thương mại điện tử Shopee, đang mở rộng ảnh hưởng ở Indonesia, trong khi đó Tokopedia cũng sẽ có thêm nhiều nguồn vốn để mở rộng sau khi GoTo thực hiện IPO thành công. Lazada, sàn thương mại điện tử mà Alibaba nắm cổ phần chi phối, cũng là một công ty mong muốn có được miếng bánh thị phần đáng kể tại quốc gia này.

Theo Nikkei, 15% dòng tiền đến từ IPO sẽ được Bukalapak đầu tư vào mảng kinh doanh Mitra. Hỗ trợ các cửa hàng tạp hoá số hoá cũng đang có sự tham gia của các công ty lớn như Gojek, Tokopedia và Shopee.

Hiện tại, Bukalapak vẫn chưa có lợi nhuận. Năm ngoái, công ty này ghi nhận mức lỗ ròng 1,3 nghìn tỷ rupiah. Dù vậy, ông Patrick Stokvis, phó chủ tịch công ty nghiên cứu Third Bridge, cho rằng điều quan trọng là Bukalapak đang có lộ trình tiến đến lợi nhuận đủ sức thuyết phục các nhà đầu tư.

Hiện tại, Emtek, Ant Group và GIC đang là 3 cổ đông lớn nhất của Bukalapak với cổ phần lần lượt là 23,93%, 13,05% và 9,45%. Một số nhà đầu tư khác vào Bukalapak cũng có thể kể đến Microsoft hay Standard Chartered Bank.

Startup 'kỳ lân' đầu tiên Đông Nam Á 'khai pháo' IPO, thành công ty đại chúng lớn thứ 13 Indonesia - Ảnh 2.

(Nguồn: Tech in Asia, Việt hoá: Thái Sơn).

Nam Khánh

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.