|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Khó khăn của ngành dầu mỏ Indonesia

07:13 | 09/01/2019
Chia sẻ
Trang mạng ASEAN Post mới đây đăng bài viết của tác giả Eijas Ariffin về những lựa chọn mới mà ngành công nghiệp dầu mỏ Indonesia nên hướng tới trong năm 2019.
kho khan cua nganh dau mo indonesia
Khó khăn của ngành dầu mỏ Indonesia. Ảnh: TTXVN phát

Ngành công nghiệp dầu mỏ của Indonesia đã trải qua một giai đoạn phát triển hỗn loạn trong suốt 10 năm qua, với biến cố lớn nhất là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Giá dầu thế giới có lúc đạt đỉnh điểm 145 USD/thùng, nhưng cũng có lúc chạm “ đáy” chỉ còn 40 USD/thùng, có nghĩa là chỉ trong một thời gian ngắn, giá dầu thế giới đã giảm hơn 70% giá trị.

Sau giai đoạn này, mặc dù giá dầu thế giới đã trở lại tương đối bình thường vào năm 2011 và ổn định cho đến giữa năm 2014, nhưng một cuộc khủng hoảng khác lại tiếp tục xảy ra vào tháng 6/2014. Điều này khiến cho các chuyên gia nhận định rằng ngành công nghiệp dầu mỏ của thế giới nói chung và của Indonesia nói riêng sẽ không bao giờ có cơ hội trở lại thời kỳ hoàng kim trước đây.

Một trong những nạn nhân bị ảnh hưởng nhiều nhất khi thị trường dầu mỏ thế giới biến động là Indonesia. Ngành dầu mỏ của Indonesia từng là một trong những ngành có tỷ lệ đóng góp cao nhất cho nền kinh tế Indonesia.

Theo dữ liệu thống kê của PwC, căn cứ trên báo cáo về ngành dầu khí quốc gia năm 2017 của Indonesia, cách đây hơn 10 năm, ngành dầu mỏ của Indonesia đã đóng góp khoảng 45,6 tỷ USD cho nền kinh tế, chiếm ít nhất 20% doanh thu của cả nước trong giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2006.

Tuy nhiên, những đóng góp của ngành dầu mỏ Indonesia cho ngân sách quốc gia đã bị sụt giảm mạnh nghiêm trọng sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ xảy ra trong giai đoạn 2014-2015.

Theo đánh giá năm 2016 của chuyên gia Kenneth Rogoff tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nhu cầu sử dụng dầu mỏ tại một số thị trường giảm, cũng như tình trạng cung vượt cầu, đã làm giá dầu thế giới giảm từ mức 115 USD/thùng vào tháng 6/2014 xuống dưới 35 USD/thùng vào cuối tháng 2/2016. Năm 2014, ngành dầu khí của Indonesia chỉ đóng góp 14% nguồn thu quốc gia, giảm hơn 4% trong năm 2015 và 3% trong năm 2016.

Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù nền kinh tế Indonesia đang trên đà phát triển cùng với nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng, nhưng ngành dầu mỏ của nước này đang dần bị thu hẹp. Một báo cáo mới đây về sự phát triển của ngành dầu khí Indonesia cho thấy mức đầu tư cho lĩnh vực khai thác dầu khí của Indonesia đã giảm đáng kể từ 1,3 tỷ USD năm 2012 xuống 100 triệu USD năm 2016.

Giới chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng mặc dù Indonesia đã đưa ra các sáng kiến nhằm phục hồi sự phát triển của ngành công nghiệp này - chẳng hạn như trong 10 năm tới, Indonesia sẽ đầu tư 200 tỷ USD cho lĩnh vực khai thác dầu mỏ, trong đó sẽ sử dụng các gói ưu đãi miễn thuế để nhập khẩu máy móc phục vụ cho ngành công nghiệp này.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhà phân tích dầu mỏ Đông Nam Á Johan Utama, việc Indonesia liên tục thay đổi các chính sách và các quy định về khai thác dầu mỏ đã khiến ngành công nghiệp dầu mỏ của Indonesia phát triển không ổn định. Điều này cũng khiến các nhà đầu tư chán nản và rút khỏi thị trường Indonesia.

Báo cáo năm 2017 về lĩnh vực dầu khí tại Indonesia của PwC cũng nhấn mạnh rằng Indonesia đang phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt nguồn dầu mỏ và cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc thăm dò, phát hiện các khu vực có mỏ dầu mới. Điều này có thể là cơ hội để Indonesia dần rút khỏi lĩnh vực khai thác nhiên liệu hóa thạch và tăng cường đầu tư vào lĩnh vực khai thác năng lượng tái tạo.

Hiện tại, Indonesia đang nỗ lực tập trung củng cố khai thác các nguồn tài nguyên địa nhiệt. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Indonesia là nhà sản xuất năng lượng địa nhiệt lớn thứ ba trên thế giới. Bộ Năng lượng Indonesia có kế hoạch nâng công suất sản xuất địa nhiệt của quốc gia lên 5.000 MW vào năm 2025. Sự gia tăng năng lượng địa nhiệt có thể làm giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ của Indonesia.

Bên cạnh đó, Chính phủ Indonesia đã tuyên bố Indonesia đang tìm cách chuyển đổi các nhà máy lọc dầu cũ thành các nhà máy diesel sinh học và hy vọng rằng động thái này sẽ làm giảm việc nhập khẩu năng lượng và cải thiện thâm hụt ngân sách hiện nay của xứ sở vạn đảo này.

Trong một báo cáo năm 2017, Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) cũng nhấn mạnh rằng Indonesia đã đặt mục tiêu sẽ sử dụng 23% năng lượng tái tạo vào năm 2025 và sẽ tăng lên 31% vào năm 2050.

Theo nhận định của IRENA, Indonesia có khả năng đạt được những mục tiêu trên sớm hơn dự kiến, và việc theo đuổi mục tiêu trên sẽ mang lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế Indonesia, chẳng hạn như giảm chi phí cho hệ thống năng lượng cũng như chi phí ô nhiễm không khí và khí thải CO2, giúp nước này tiết kiệm hơn 53 tỷ USD mỗi năm.

Do vậy, thay vì tập trung củng cố khả năng khôi phục ngành công nghiệp dầu khí quốc gia như thời kỳ hoàng kim, Indonesia có thể chuyển hướng sang phát triển ngành năng lượng tái tạo. Nếu thực hiện thành công các bước chuyển đổi này, Indonesia không chỉ tiết kiệm cho ngân sách quốc gia mà còn tạo ra lợi ích to lớn cho các thế hệ tương lai.