|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Khi kinh doanh, bạn chớ cầu toàn và cũng đừng chạy theo sở thích'

11:12 | 19/08/2019
Chia sẻ
Một triệu phú tự thân kiêm chuyên gia tiếp thị mạng xã hội hàng đầu nước Mỹ nhận định kinh doanh theo sở thích và quá cầu toàn có thể là sai lầm mà nhiều người khởi nghiệp mắc phải.

Chỉ số Kauffman Index của Hoạt động khởi nghiệp năm 2017 tại Mỹ cho thấy, cứ 100.000 người thì 310 người sẽ tạo ra doanh nghiệp mới mỗi tháng. Hầu hết doanh nhân bắt đầu kinh doanh khi thấy cơ hội, chứ không phải vì cảm thấy ý tưởng của họ cần thiết với xã hội.

Tai Lopez, một triệu phú tự thân kiêm nhà từ thiện và nhà đầu tư tại Mỹ, đã nói chuyện với tạp chí Entrepreneur về cách tận dụng cơ hội để khởi nghiệp. 

Tai-Lopez

Tai Lopez, một trong những triệu phú tự thân và chuyên gia tiếp thị mạng xã hội hàng đầu thế giới. Ảnh: INC

Là một chuyên gia hàng đầu thế giới về tiếp thị trên mạng xã hội, Lopez từng tư vấn cho vô số doanh nghiệp có trị giá hàng triệu USD. Hơn 6,1 triệu người theo dõi tài khoản Facebook của anh.

"Nhờ công nghệ hiện đại, chúng ta có thể biến ý tưởng thành sản phẩm, dịch vụ trong thời gian ngắn. Song phần lớn chúng ta luôn trì hoãn thời điểm khởi nghiệp vì chúng ta phải suy nghĩ về quá nhiều thứ", Lopez nhận xét.

Chọn một ý tưởng phù hợp với bản thân

"Đa số con người nghĩ chúng ta biết những thứ mà chúng ta giỏi, song thực tế đó là suy nghĩ sai lầm", Peter Drucker, nhà tư vấn quản lí lừng danh thế giới, từng viết như vậy trong một cuốn sách.

Đó cũng là nguyên tắc quan trọng nhất mà Lopez từng học. Theo anh, rất nhiều doanh nhân không thể hiểu lí do công việc kinh doanh của họ thất bại.

"Làm công việc bạn ưa thích là phương châm chỉ phát huy tác dụng đối với những sở thích. Tôi thích bóng rổ, nhưng tôi không đủ giỏi để trở thành vận động viên chuyên nghiệp. Nếu tôi cố gắng theo đuổi sự nghiệp của cầu thủ bóng rổ, chắc chắn tôi sẽ nghèo", anh nói.

Vì thế, Lopez vẫn chơi bóng rổ như một thú vui, nhưng gây dựng việc kinh doanh dựa trên những hoạt động mà anh thực hiện xuất sắc: diễn thuyết, sản xuất video, tiếp thị trên mạng xã hội.

Lopez nhận định mọi người cần thời gian để hiểu những điểm mạnh của bản thân. 

"Nếu bạn thích nói và đặt câu hỏi, có lẽ bạn nên làm công việc dẫn chương trình và diễn thuyết trên mạng. Trong trường hợp có khả năng tổ chức, thực hiện vai trò trợ lý trực tuyến cho các doanh nghiệp có thể là ý tưởng hấp dẫn", anh giải thích.

Hiểu và tận dụng xu hướng

Các công ty mới thành lập thường thất bại vì người sáng lập bỏ qua các xu hướng. Ví dụ, khi thấy các doanh nghiệp nhỏ vật lộn với các phương tiện truyền thông xã hội, nhiều sinh viên bỏ đại học để kiếm việc, nhiều người muốn thực hành ngay kỹ năng và nhận lương, Lopez đã tạo ra một ngành kinh doanh trị giá nhiều triệu USD với mục tiêu dạy cho mọi người cách quản lý phương tiện truyền thông xã hội cho các doanh nghiệp nhỏ.

"Mọi người hãy nhìn nhận các vấn đề như những cơ hội để giúp người khác. Bạn sẽ kiếm lợi nhuận như một phần thưởng cho giải pháp và nhận thù lao theo từng vấn đề bạn giải quyết", anh lập luận.

Thực hiện nhanh

Joel Salatin, cố vấn đầu tiên của Lopez, nói với anh một câu lúc 19 tuổi: "Đôi khi chúng ta không cần quá hoàn hảo."

Triết lý của Joel Salatin có nghĩa là người khởi nghiệp chỉ cần xây dựng các nguyên mẫu đủ để đưa ra thị trường. Tuy nhiên, sai lầm lớn nhất mà các doanh nhân mới hay gặp là tạo ra sản phẩm không ai muốn mua".

Bằng cách sử dụng các khuôn mẫu, người kinh doanh nên tập trung vào việc tạo ra sản phẩm mà mọi người sẽ trả tiền cho nó một cách nhanh chóng và giá cả hợp lý. 

"Tốc độ sẽ ngăn cản sự trì hoãn. Chúng ta thường trì hoãn vì chủ nghĩa hoàn hảo trong lần ra mắt đầu tiên. Sau đó, chúng ta sẽ mất sự quan tâm, và ý tưởng sẽ không bao giờ trở thành hiện thực", Lopez nhấn mạnh.

Nhạc Dương

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.