Khi Giáo sư Yoshua Bengio gặp ông Trương Gia Bình: Cuộc đối thoại về AI và tương lai nhân loại
Chiều 5/12 tại trụ sở FPT, sau bài phát biểu đầy cảm hứng của Giáo sư Yoshua Bengio - nhà sáng lập Viện nghiên cứu AI Mila, là một buổi tọa đàm đặc biệt.
Cùng Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình và ông Nguyễn Xuân Phong, Giám đốc Trung tâm AI FPT Software, cuộc trò chuyện trở thành dịp để những người đứng đầu trong lĩnh vực công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) cùng mổ xẻ các vấn đề quan trọng: từ đạo đức trong AI đến trách nhiệm của con người trong kỷ nguyên công nghệ.
Mở đầu buổi tọa đàm, ông Trương Gia Bình hé lộ: “Giáo sư Yoshua quan tâm đến an toàn và đạo đức trong AI. Chúng tôi đã dành 2,5 giờ để thảo luận về vấn đề này trong giờ ăn trưa”. Từ câu chuyện đó, ông Bình chia sẻ về mục tiêu của Ủy ban Đạo đức AI vừa được thành lập dưới sự bảo trợ của VINASA.
Theo ông, đạo đức AI không chỉ là vấn đề toàn cầu mà còn mang tính bản địa. “Ở Việt Nam, nhận thức và lan tỏa kiến thức về AI là điều cốt yếu”, ông nói, nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong việc hiểu rõ những thách thức mà công nghệ này mang lại.
Tuy nhiên, ông Bình không dừng lại ở việc nâng cao nhận thức, ông cho biết “cam kết và nhận thức – đó là ý nghĩa chính của việc thành lập Ủy ban Đạo đức AI”.
Một phần lớn buổi tọa đàm tập trung vào những nguy cơ tiềm tàng của AI khi ứng dụng trong lĩnh vực quân sự. Giáo sư Bengio nhắc lại giai đoạn năm 2014, khi AI bắt đầu thoát khỏi các phòng thí nghiệm và bước vào công nghiệp. Những ứng dụng ban đầu như máy bay không người lái hay chương trình tự động hóa nhanh chóng chuyển hướng sang các lĩnh vực nhạy cảm như quốc phòng.
“Lúc đó, mọi thứ nghe giống như khoa học viễn tưởng”, ông nhớ lại. Nhưng giờ đây, điều viễn tưởng ấy đã xuất hiện trên chiến trường, dù chưa hoàn toàn tự động. Những nguy cơ từ vũ khí AI đang gia tăng khiến các quốc gia phải bắt đầu đàm phán về việc hạn chế sử dụng vũ khí tự động gây chết người.
Trong phần thảo luận về ảnh hưởng của AI đến việc làm, ông Trương Gia Bình đưa ra góc nhìn thực tế nhưng đầy lạc quan: “Hiện nay, người trẻ đang đối mặt với một sự lựa chọn lớn: Theo đuổi ngành công nghệ thông tin, AI hay không theo đuổi?” Ông thừa nhận rằng nỗi sợ bị AI thay thế đang khiến nhiều người lo lắng, nhưng khẳng định đây là cơ hội để nắm bắt.
“Trong tương lai, những công việc cũ có thể biến mất, nhưng những công việc mới sẽ mở ra những tiềm năng lớn lao”, ông nói. Để làm được điều đó, theo ông Bình, người trẻ cần học cách làm chủ AI bằng cách hiểu rõ cách thức hoạt động của nó và tận dụng những thay đổi để tạo ra sự khác biệt.
Một trong những khoảnh khắc đáng nhớ của buổi tọa đàm là khi Giáo sư Bengio kể câu chuyện về thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Một báo động sai suýt khiến Liên Xô phóng tên lửa hạt nhân vào Mỹ, nhưng một cá nhân đã quyết định không tuân thủ giao thức vì ông tin rằng đó là sai sót.
“Hàng triệu người đã được cứu bởi những cá nhân suy nghĩ thấu đáo về rủi ro và đặt đạo đức lên trên”, ông kể, rồi đặt câu hỏi: “Nhưng nếu đó là một robot, liệu chúng ta có may mắn như vậy không?”
Câu chuyện này khơi gợi một vấn đề lớn: Làm thế nào để các hệ thống AI hành xử một cách có đạo đức, đặc biệt trong những tình huống sống còn? Đó là bài toán mà theo Giáo sư Bengio, chúng ta chưa giải quyết triệt để.
Khi thảo luận về giáo dục, cả Giáo sư Bengio và ông Trương Gia Bình đều đồng thuận rằng kỹ năng AI sẽ là yếu tố then chốt trong tương lai. Giáo sư Bengio nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục đa ngành: “Chúng ta cần trang bị cho các kỹ sư và nhà khoa học máy tính không chỉ kiến thức công nghệ mà còn về khoa học xã hội, đạo đức, triết học và luật pháp”. Điều này sẽ giúp họ hiểu rõ tác động xã hội của các quyết định phát triển AI.
Ông Bình tiếp lời với tầm nhìn về một Việt Nam mạnh mẽ hơn: “Tôi sẽ tạo ra những giáo viên AI. Nhưng điều đó chưa đủ thú vị. Chúng ta sẽ giúp việc học và giảng dạy có nhiều tương tác hơn, AI sẽ hỏi học sinh, học sinh sẽ hỏi AI. Và sau đó, mọi người sẽ học cách xây dựng một Việt Nam mạnh mẽ”.
Một trong những chủ đề nóng nhất là việc AI có thể phá vỡ hệ thống dân chủ. Giáo sư Bengio cảnh báo rằng deepfake - công nghệ tạo video và âm thanh giả - đang ngày càng tinh vi, đe dọa niềm tin vào thông tin trên mạng. “Chúng ta cần suy nghĩ về tác động đến xã hội: mọi người có thể không tin vào những gì họ đọc trên mạng, và tình hình sẽ tồi tệ hơn”, ông nhận định.
Trước câu hỏi liệu AI nên bị kiểm soát chặt chẽ hay để tự do, ông Bình đưa ra một quan điểm dung hòa: “AI là một siêu năng lực, và nó nên được sử dụng để mang lại sự cân bằng, giúp con người tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống”.
Kết thúc buổi toạ đàm, Giáo sư Bengio nói về thế hệ trẻ Việt Nam: “Rất nhiều năng lượng từ những người trẻ. Chúng ta cần điều đó”. Ông nhấn mạnh rằng những thách thức lớn của nhân loại đòi hỏi sự đóng góp từ các thế hệ kế tiếp.