Khẩu vị của khối ngoại: Chia sẻ từ tổ chức đã ‘bắt mối’ thương vụ bán vốn MBBank, Imexpharm
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua hơn 2 tháng hồi phục với vai trò lớn của dòng vốn nội. Tuy nhiên, để hướng đến một thị trường bền vững thì dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chếm một vị thế lớn.
Để hiểu rõ hơn về xu hướng của dòng vốn ngoại và kế hoạch của các quĩ đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, chúng tôi vừa có cuộc phỏng vấn của ông Nguyễn Anh Đức - Giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán Khách hàng Tổ chức – Phát triển Khách hàng Tổ chức của CTCP Chứng khoán SSI (Mã: SSI).
PV: Trong tháng 5, khối ngoại bán ròng đi đáng kể so với hai tháng trước đó. Ông đánh giá như thế nào về triển vọng về dòng vốn trong nửa còn lại năm nay?
Ông Nguyễn Anh Đức: Xu hướng bán ròng của khối ngoại tại Viêt Nam là rất rõ ràng và quyết liệt sau khi dịch Covid-19 xảy ra. Có hai nguyên nhân cho việc này.
Thứ nhất là, xu hướng dịch chuyển tài sản toàn cầu (asset allocation) theo hướng giảm thiểu rủi ro vì tác động của dịch về kinh tế là rất lớn. Theo đó các các quĩ lớn toàn cầu đều có xu hướng giảm bớt tỉ trọng vào cổ phiếu, và tỉ trọng tại các quốc gia cận biên/mới nổi.
Hệ quả là các quốc gia trong danh mục này (trong đó có Việt Nam) đều có xu hướng bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại. Do yếu tố thanh khoản của thị trường, cần có một thời gian để việc dịch chuyển dòng vốn này được hoàn tất (tháng 3,4).
Thứ hai là, các quĩ danh mục tập trung tại Việt Nam cũng thực hiện nâng tỉ trong tiền mặt để hạn chế rủi ro.
Trong tháng 5, chúng tôi nhận thấy việc tái cơ cấu về tài sản ở trên về cơ bản đã hoàn tất. Do đó lượng bán ròng của khối ngoại đã giảm đi đáng kể so với tháng 3, 4. Ngoài ra các quĩ có danh mục tại Việt Nam cũng thực hiện giảm tỉ trọng tiền khi thị trường có xu hướng hồi phục do Việt Nam kiểm soát dịch tốt và nền kinh tế bắt đầu hoạt động trở lại.
Về triển vọng, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có sự quan tâm tốt của nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào triển vọng kinh tế tương đối tốt trong 3 - 5 năm tới. Do đó, sau khi dịch bệnh được kiểm soát trên toàn cầu trong thời gian tới, chúng tôi kỳ vọng dòng vốn ngoại vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, dự kiến từ Quí IV/2020 trở đi.
PV: Mới đây, Dragon Capital vừa có động thái cơ cấu danh mục đầu tư, đưa tỉ trọng tiền mặt về mức cao nhưng lại giải ngân ngay sau đó. Điều này cho thấy dòng vốn chưa bị rút ra mà đó chỉ là động thái đảo danh mục. Nhiều quĩ ngoại khác cũng đang có động thái tương tự. Từ vị thế của công ty chứng khoán dẫn đầu, tiếp xúc với nhiều quĩ ngoại, ông có thể cho biết "khẩu vị" mới của các quĩ trong giai đoạn tới? Các quĩ ngoại họ đang có kì vọng như thế nào về thị trường, ngay cả khi doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19?
Ông Nguyễn Anh Đức: Việc các quĩ đóng tăng tỉ trọng tiền mặt khi dịch bệnh xảy ra là tương đối dễ hiểu. Các quĩ đều trở nên thận trọng vì tác động của dịch tới nền kinh tế là rất lớn và chưa biết khi nào thì có thể kiểm soát.
Tuy nhiên, sau hai tuần thực hiện dãn cách xã hội, con số cho thấy Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh, rủi ro giảm xuống tương đối và Chính phủ thể hiện rõ quyết tâm khôi phục nền kinh tế trong giai đoạn còn lại của năm. Do đó, các quĩ đều nhanh chóng giải ngân để đưa tỉ trọng tiền mặt xuống, tin tưởng rằng các doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ phục hồi tốt sau dịch,trong bối cảnh giá cổ phiếu đã giảm xuống mức hấp dẫn.
Chúng tôi nhận thấy hầu hết các quĩ ngoại đều nhìn vào triển vọng phục hồi của nền kinh tế/ngành/công ty trong ngành khi rủi ro dịch bệnh qua đi. Các ngành và doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh chóng cùng với triển vọng tăng trưởng tốt đều là đối tượng ưa thích của nhà đầu tư nước ngoài do định giá đã trở nên rất hấp dẫn sau đợt giảm sâu. Con số doanh số và lợi nhuận không tốt trong ngắn hạn do tác động của dịch bệnh không phải là vấn đề quá lớn, thay vì đó NĐT chú trọng hơn vào mức độ phục hồi và tiềm năng tăng trưởng từ nửa sau năm 2020 và trong năm 2021.
Hiện P/E của thị trường ở mức 14.5 lần, forward P/E 2021 dưới 14 lần. Đây là mức định giá tương đối hấp dẫn đối với thị trường Việt Nam do triển vọng tăng trưởng dài hạn của nước ta là khá tốt.
PV: Được biết, vừa qua Chứng khoán SSI là đơn vị tham gia thương vụ bán vốn của Imexpharm cho SK Group. Đây là một tổ chức quen thuộc với NĐT trên thị trường. Ông có thể chia sẻ về kì vọng của SK Group với các doanh nghiệp Việt Nam? Tổ chức này sẽ tiếp tục giải ngân vào TTCK Việt Nam?
Ông Nguyễn Anh Đức: SK Group là một trong các tổ chức đầu tư lớn nhất vào thị trường Việt Nam ở thời điểm hiện tại. SK Group ưa thích các công ty tại các ngành nghề có tiềm năng tăng trưởng tốt trong dài hạn, có ban lãnh đạo tốt và minh bạch trong hoạt động của mình.
Ngoài ra, SK Group cũng chú trọng vào việc có thể phối hợp và hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động của mình, từ đó nâng cao giá trị và hiệu quả đầu tư của mình trong dài hạn.
Thông qua trao đổi với SK Group, chúng tôi hiểu các chuyên gia của SK đều có kinh nghiệm và tầm nhìn rất tốt, và giá trị họ có thể cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam là khá lớn. SK Group đang thực hiện nhanh chóng mở rộng hoạt động tại Việt Nam, chúng tôi tin rằng danh mục đầu tư của SK Group tại Việt Nam sẽ trở nên phong phú hơn trong thời gian sắp tới
PV: Trước thương vụ Imexpharm, Chứng khoán SSI là tổ chức tư vấn cho thương vụ bán vốn tại MBBank. Để tiến hành tư vấn, công ty phải tiếp xúc với rất nhiều quĩ đầu tư, đặc biệt là quĩ ngoại. Thông qua đó, ông có thể chia sẻ về đánh giá của các quĩ ngoại với dòng cổ phiếu ngân hàng, vốn được coi là cổ phiếu "vua" trên TTCK Việt Nam?
Ông Nguyễn Anh Đức: Do ngành ngân hàng thường là ngành có tỉ trọng lớn nhất trên thị trường, cổ phiếu ngành ngân hàng luôn là nhóm cổ phiếu được quan tâm và nghiên cứu nhiều nhất tại Việt Nam cũng như các thị trường khác.
Hầu hết các ngân hàng ở Việt Nam đều đang trong chu kỳ tăng trưởng nhanh nhờ vào (1) tăng trưởng tín dụng bình quân cao, (2) cải thiện hiệu quả hoạt động mang lại mức độ sinh lời tốt hơn, (3) đóng góp của các dịch vụ/sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, và (4) các ngân hàng đều đang trong quá trình kiểm soát nợ xấu tương đối tốt. Chính vì thế, về cơ bản triển vọng của ngành ngân hàng là khá tốt trong thời gian tới.
Các cổ phiếu ngành ngân hàng trên thị trường hầu hết đều có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với mức trung bình của thị trường (VCB, MBB, TPB, VPB…). Do đó các cổ phiếu này đều nằm trong danh sách ưa thích của các quĩ ngoại. Tuy nhiên, việc đa số các cổ phiếu ngân hàng tốt đều đã hết "room" là trở ngại lớn nhất của các quĩ nước ngoài trong việc đầu tư vào ngành ngân hàng trong thời gian qua.
PV: Trở lại câu chuyện với dự báo Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc cơ cấu lại chuỗi cung ứng toàn cầu, rõ ràng khi đó nhiều doanh nghiệp niêm yết cũng được lợi. Từ góc độ đầu tư tài chính, Chứng khoán SSI đã tiếp xúc với các tổ chức muốn rót vốn vào thị trường để đón đầu cơ hội trên?
Ông Nguyễn Anh Đức: Chúng tôi tiếp xúc với rất nhiều các tổ chức đầu tư vào thị trường Việt Nam trong thời gian qua và hầu hết đều chia sẻ quan điểm Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi về dài hạn từ xu hướng tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là xu hướng lâu dài và sẽ giúp Việt Nam thu hút được các doanh nghiệp sản xuất toàn cầu lớn, từ đó nâng cao vị thế của Việt Nam như một trung tâm sản xuất mới trên thế giới.
Đa số các quĩ ngoại đều đã có chiến lược đầu tư để đón đầu cơ hội trên, thể hiện ở việc gia tăng tỉ trọng vào các ngành/doanh nghiệp có khả năng hưởng lợi và nắm bắt tốt xu hướng này. Cụ thể là các doanh nghiệp trong ngành bất động sản khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng, vật liệu xây dựng, công nghiệp phụ trợ… Một số các doanh nghiệp điển hình phải kể đến như KBC, SZL, NTC, PHR, HPG…
PV: Với chủ đề nâng hạng, một số quĩ ngoại vẫn đang kì vọng vào điều này, tuy nhiên chủ yếu vẫn là cái tên cũ. Theo quan sát của ông, các tổ chức mới họ có quan tâm nhiều đến thị trường mới nổi năng động như TTCK Việt Nam?
Ông Nguyễn Anh Đức: Việc nâng hạng thị trường được kỳ vọng sẽ có thể xảy ra trong 2 - 3 năm tới khi các hạn chế hiện tại về prefunding và foreign room (tỉ lệ sở hữu nước ngoài - PV) được cải thiện. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy đã có khá nhiều các quĩ lớn chuyên đầu tư vào thị trường mới nổi như Black Rock, T Rowe Price, Fidelity, v.v đã gia tăng hoạt động đầu tư vào thị trường Việt Nam trong thời gian qua. Điều này thể hiện mức độ quan tâm của các tổ chức nước ngoài vào thị trường Việt Nam là lớn và các quĩ lớn đã có động thái đầu tư để đón đầu việc Việt Nam được nâng hạng trong thời gian tới.
PV: Hiện nay, căng thẳng giữa Mỹ - Trung và câu chuyện của Hong Kong cũng phần nào ảnh hưởng đến dòng vốn toàn cầu. Theo ông, liệu có sự dịch chuyển vào TTCK Việt Nam để tránh những bất ổn trên?
Ông Nguyễn Anh Đức: Chúng tôi nhận thấy căng thẳng Mỹ - Trung và những diễn biến mới tại Hong Kong vừa qua đã gây ra những quan ngại nhất định trên quan điểm đầu tư. Các yếu tố này đều khó kiểm soát và dự phóng, và có khả năng leo thang gây ra các bất ổn mới, từ đó làm gia tăng rủi ro đối với hoạt động đầu tư.
Về cơ bản đây là các yếu tố không thuận lợi trong đầu tư và chúng tôi không nghĩ sẽ có sự dịch chuyển dòng vốn vào Việt Nam để tránh các bất ổn trên. Thay vì đó, các quĩ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chủ yếu vì câu chuyện tiềm năng dài hạn của chính thị trường chúng ta.
Xin cảm ơn ông đã tham gia phỏng vấn!
#StandUpVietnam là chương trình đặc biệt đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19.
#StandUpVietnam mong muốn được đón nhận những chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh doanh, cách thức quản trị trong khủng hoảng… từ chính những doanh nhân đang chèo lái DN vượt qua thử thách lớn này.
Các thông tin từ quí DN sẽ được các cơ quan báo chí tham gia #StandUpVietnam biên tập, đăng tải hoàn toàn miễn phí trong chương trình nếu nội dung được đánh giá là hữu ích, thiết thực, tích cực.
Các thông tin vui lòng gửi về địa chỉ email info@vietnambiz.vn và info@vietnammoi.vn kèm đầu mối liên lạc để #StandUpVietnam có điều kiện tương tác, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/