Khát đơn hàng và gánh nặng chi phí, lợi nhuận doanh nghiệp dệt may suy yếu quý cao điểm
Quý IV không còn là mùa "ăn nên làm ra" của dệt may
Năm 2022 có thể được mô tả như một năm "đầu xuôi đuôi không lọt" đối với ngành dệt may. Giai đoạn "không lọt" này bắt đầu từ quý III khi ngành dệt may dần bước vào thời gian khó khăn do lạm phát không ngừng tăng khiến nhu cầu tiêu thụ giảm.
Đến quý IV, vốn là cao điểm sản xuất nhưng đơn hàng giảm sâu theo chiều thẳng đứng khiến các nhà máy hoạt động cầm chừng. Khó khăn này đã bộc lộ rõ ở kết quả kinh doanh quý cuối cùng trong năm của các doanh nghiệp ngành dệt may.
Thống kê sơ bộ từ 8 doanh nghiệp vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2022 cho thấy, có 4/8 đơn vị báo doanh thu và lợi nhuận sụt giảm.
Trong đó, mức giảm mạnh nhất thuộc về Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã: GIL) với doanh thu thuần quý IV giảm 81%, chỉ đạt gần 262 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt gần 1.400 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 92%, thu về chưa đến 10 tỷ đồng
"Ông lớn" Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã: VGT) ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 4.156 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý này, doanh thu hoạt động tài chính của Vinatex đã tăng đáng kể lên gần 246 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí tài chính cũng tăng gấp đôi lên hơn 192 tỷ đồng. Lợi nhuận từ hoạt động liên doanh liên kết của tập đoàn cũng giảm 19% trong quý, về còn 191 tỷ đồng.
Các chi phí ăn mòn lợi nhuận, Vinatex lỗ hơn 5 tỷ đồng quý IV và cũng là quý thua lỗ đầu tiên kể từ khi cổ phần hóa (năm 2014) đến nay.
Lãnh đạo Vinatex lý giải kết quả thua lỗ này là do ảnh hưởng từ chính sách Zero Covid của chính phủ Trung Quốc dẫn đến nhu cầu của một số thị trường giảm vào thời điểm cuối năm, từ đó ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ và giá hàng tồn kho sợi. Các công ty sợi thành viên của tập đoàn đã phải trích đầy đủ dự phòng giảm giá hàng tồn kho để phù hợp với giá thị trường.
Tiếp theo, Công ty CP Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) doanh thu thuần đạt 430 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước do thị trường tiêu thụ chậm nên doanh số bán thấp hơn.
Các chi phí khác không có sự thay đổi đáng kể, tuy nhiên, doanh nghiệp ghi nhận lãi ròng 43 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân trong quý IV/2021, công ty được hồi tố thuế thu nhập cá nhân ưu đãi từ các năm trước theo Nghị định 57 năm 2021 của Chính phủ.
Mặc dù sản xuất chững lại trong quý IV khiến kết quả kinh doanh không mấy khả quan nhưng với mức tăng trưởng ấn tượng trong nửa đầu năm, đơn hàng dồi dào, giá tăng nhờ sự bùng nổ của nhu cầu bị dồn nén sau đại dịch, tính chung cả năm 2022, phần lớn các doanh nghiệp đều vượt mục tiêu doanh thu.
Kết quả này cũng được phản ánh với toàn ngành khi kết thúc năm 2022, xuất khẩu dệt may Việt Nam cán đích đáng ghi nhận với giá trị thu về 44 tỷ USD, tăng gần 9% so năm trước.
Kỳ vọng nào cho năm 2023?
Báo cáo của khoán VNDirect nhận định nhu cầu của các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm vào năm 2023.
Các chuyên gia của VNDirect chỉ ra rằng các các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm kể từ tháng 7 năm ngoái do lượng hàng tồn kho tăng cao tại các nhà bán lẻ lớn của Mỹ như Adidas, Nike,... Theo báo cáo hàng quý mới nhất, về lượng hàng tồn kho, Adidas và Nike có mức tăng mạnh 44% và 35% so với cùng kỳ bởi sức tiêu thụ yếu.
Bên cạnh đó, dữ liệu từ thị trường Mỹ vẫn cho thấy mức tồn kho mặt hàng dệt may dự kiến sẽ kéo dài đến quý II năm nay.
Trước những dấu hiệu thị trường tiếp tục suy giảm, Vinatex đặt mục tiêu năm 2023 doanh thu đi ngang là 19.550 tỷ đồng và kéo giảm lợi nhuận trước thuế xuống 935 tỷ đồng, bằng 85,8% so với 2022.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex, cho rằng với diễn biến thị trường đang không thuận lợi đã kéo dài từ cuối quý III/2022 tới nay, dự báo 2023 là năm kinh doanh đầy khó khăn với các ngành xuất khẩu, trong đó có dệt may.
Theo ông Hiếu, các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam đã có dấu hiệu suy giảm khá rõ rệt từ tháng 10/2022 đến nay. Tổng cầu dệt may thế giới năm 2022 khoảng 722 tỷ USD, bằng 90% năm 2021, tỷ lệ tăng trưởng năm 2023 tùy thuộc vào các kịch bản tăng trưởng của kinh tế thế giới.
Ban lãnh đạo Sợi Thế Kỷ cũng dự báo lượng đặt hàng trong 6 tháng đầu năm 2023 sẽ chưa trở lại mức đặt hàng trong nửa đầu năm 2022. Trong nửa cuối năm 2023, doanh nghiệp kỳ vọng khối lượng đơn hàng sẽ phục hồi do các thương hiệu cần đặt hàng mới để chuẩn bị cho mùa thu đông.
Mặc dù nhiều thách thức, nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2023 tăng cao hơn mức đạt kỷ lục của năm 2022.
Cụ thể ngành hàng đặt ra hai kịch bản tăng trưởng. Theo đó, kịch bản tích cực là xuất khẩu dệt may có thể đạt 47-48 tỷ USD và kịch bản kém tích cực hơn là đạt khoảng 45-46 tỷ USD, tức vẫn cao hơn mức hơn 44 tỷ USD của năm 2022.
Trong điều kiện kịch bản thuận lợi, những bất ổn từ thị trường thế giới có thể được kiểm soát, ngành may mặc dự báo hết quý I/2023 mọi việc sẽ phục hồi. Vì vậy, kịch bản 47-48 tỷ USD có thể thành hiện thực. Tuy nhiên, kịch bản 2 ít thuận lợi khi thị trường phục hồi vào nửa cuối năm 2023 – mức độ tăng trưởng vào khoảng 4,5% và cán mức ở mức 45 tỷ USD.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiêp hội dệt may Việt Nam (Vitas), cơ sở để đặt ra tham vọng này là thông tin về các hiệp định thương mại là động lực thúc đẩy chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, giúp doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng.
Đơn cử như trước đây, các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp sản phẩm cho các nước đạo Hồi với tỷ trọng nhỏ, nhưng đến nay, doanh nghiệp đang cung cấp hàng cho thị trường này rất lớn, họ chuyển dịch một phần đơn hàng từ các nước Banglades, Myanma sang.
Ngoài ra, dệt may việt Nam đã và đang thúc đẩy giảm nhập khẩu, tăng nội địa hóa nguyên phụ liệu trong nước. Theo thống kê sơ bộ của Vitas, hiện dệt may đã nội địa hóa được khoảng 49%, thời gian 2023-2025 tới đây, dự kiến con số này sẽ được nâng lên mức 51-55%.
Bên cạnh đó, động lực để các nhãn hàng tìm đến thị trường Việt Nam là các chương trình phát triển bền vững, xanh hóa, quản trị số, kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
“Đây là giải pháp để thúc đẩy, giữ ổn định và phát triển tại Việt Nam, đặc biệt là sự khuyến khích doanh nghiệp dệt may phát triển bán hàng theo thiết kế, sáng tạo, giảm thiểu làm hàng gia công cho đối tác”, Chủ tịch Vitas nói.