Khánh Hòa: Gỡ khó cho Khu kinh tế Vân Phong
Thủ tục phức tạp và ngừng cấp mới
Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2019, KKT Vân Phong thu hút 2 dự án mới với tổng vốn đăng kí 84,4 tỉ đồng (trong đó có 01 dự án có vốn ĐTNN với tổng vốn đăng kí khoảng 2,5 triệu USD) và 2 dự án đầu tư trong nước vào KCN Suối Dầu với vốn đầu tư 80 tỉ đồng; điều chỉnh tăng vốn cho 05 dự án với tổng vốn tăng thêm 265,7 tỉ đồng.
Việc thu hút đầu tư tại KKT Vân Phong chủ yếu tập trung tại khu vực Nam Vân Phong. (Ảnh: Khải An)
Tổng vốn thu hút mới là 430 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 86 % so với kế hoạch đăng kí năm 2019 (430/500 tỉ đồng). Kết quả thu hút đầu tư thời gian vừa qua vẫn còn thấp, chưa như mong đợi, đặc biệt là đầu tư nước ngoài.
Theo ông Hoàng Đình Phi - Trưởng Ban Quản lý KKT Vân Phong, việc thu hút đầu tư chủ yếu tập trung tại khu vực Nam Vân Phong (thị xã Ninh Hòa).
Đối với khu vực Bắc Vân Phong (huyện Vạn Ninh), do thực hiện Đề án thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, từ năm 2016, Ban Quản lý không xem xét, thu hút các dự án đầu tư mới mặc dù có nhiều nhà đầu tư đăng kí thực hiện các dự án lớn tại đây nên khu vực Bắc Vân Phong gần như giữ nguyên trạng.
Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng các dự án sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư mặc dù được UBND tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo nhưng việc thực hiện vẫn còn rất chậm, chưa quyết liệt, chưa bảo đảm yêu cầu về thời gian, gây nhiều khó khăn cho việc triển khai các dự án đầu tư (KCN Ninh Thủy, KDL Dốc Lết Phương Mai).
Khu vực Bắc Vân Phong bị "đóng băng" vì đợi Luật đặc khu. (Ảnh: Khải An)
"Chính sách ưu đãi đầu tư áp dụng cho KKT đang có xu hướng giảm dần (bỏ ưu đãi thuế thu nhập cá nhân, giảm mức ưu đãi đối với dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu chức năng KKT…).
Thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo qui định của pháp luật hiện hành khá phức tạp, mất nhiều thời gian. Thời gian thực hiện các thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (qua 7 giai đoạn) phải mất bình quân hơn 1,5 năm thực hiện.
Đó là chưa kể thời gian phải thực hiện các thủ tục khác như qui hoạch chi tiết, môi trường, lập dự án, giải phóng mặt bằng, đất đai, cấp phép xây dựng. Thực hiện đầy đủ các thủ tục này, một dự án phải mất từ 3-4 năm để hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư (chưa tính thời gian xây dựng)", ông Phi cho biết.
Gỡ khó cho Bắc Vân Phong
Trưởng ban Quản lý KKT Vân Phong cho biết, vừa qua, Ban Quản lý đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ cho phép thu hút một số dự án đầu tư tại khu vực Bắc Vân Phong có qui mô lớn phù hợp với qui hoạch chung của KKT để tạo động lực phát triển cho khu vực này và đã được chấp thuận.
Hiện, Ban Quản lý đang triển khai (trước mắt tập trung thu hút đầu tư vào Khu phi thuế quan và khu phát triển công nghiệp Dốc Đá Trắng).
Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong được kỳ vọng tạo động lực cho khu kinh tế. (Ảnh: KKT Vân Phong)
Theo ông Phi, thời điểm này, KKT Vân Phong đã có một số dự án tạo động lực cho khu vực như dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong với tổng vốn 2,58 tỉ USD, công suất 1320MW.
Sau hơn 10 năm (tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ trương đầu tư) đến nay đã cơ bản hoàn thành các thủ tục, đang chuẩn bị công tác xây dựng dự án. Theo kế hoạch, dự án dự kiến vận hành thương mại vào năm 2023.
"Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 là dự án công nghiệp có qui mô lớn nhất tại tỉnh Khánh Hòa, là dự án động lực có ý nghĩa quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa nói chung và KKT Vân Phong nói riêng.
Dự án này khi đi vào hoạt động, sẽ góp phần thực hiện an ninh năng lượng cho hệ thống điện quốc gia, đồng thời giải quyết về lao động, đóng góp cho ngân sách của địa phương", ông Phi cho biết.
Cũng theo ông Phi, tại khu vực Nam Vân Phong, Ban Quản lý KKT đang tiếp tục tập trung các giải pháp đôn đốc, tham mưu giải quyết những tồn tại đối với các dự án lớn khác, có tính động lực như: KCN Ninh Thủy, Cảng tổng hợp Nam Vân Phong, KDL Dốc Lết Phương Mai ... để tạo sự phát triển lan tỏa và tạo động lực cho khu vực này.
"Ban Quản lý đang tiếp tục xúc tiến đầu tư đối với các tập đoàn trong và ngoài nước, đặt biệt là các nhà đầu tư lớn quan tâm đến các dự án sử dụng công nghệ cao, điện khí, lọc hóa dầu…
Nhìn chung, tình hình phát triển của khu vực Nam Vân Phong đã có nhiều thay đổi rõ nét, hướng đến trở thành một trung tâm công nghiệp và cảng biển của Tỉnh như quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt", ông Phi nhận định.
Nhà máy đóng tàu Hyunhdai Vinashin tại Khu tinh tế Vân Phong. (Ảnh: HVS)
Đặc biệt, dự án bến cảng tổng hợp Bắc Vân Phong, có thể tiếp nhận tàu đến 50.000 DWT đang hoàn tất các thủ tục để đi vào hoạt động năm 2019 (phù hợp với quy hoạch được phê duyệt).
Hiện nay, KKT Vân Phong đang kêu gọi đầu tư 7 dự án KCN trên địa bàn toàn tỉnh.
Mới đây nhất, Tập đoàn Becamex Bình Dương muốn vào đầu tư cum đô thị, công nghiệp tại KCN Nam Cam Ranh với diện tích 500ha nhưng rất khó vì KCN này chỉ đáp ứng được 300ha.
Hay dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong với công suất lọc dầu thiết kế khoảng 10 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư dự kiến 4,8 tỉ USD nhưng không thể triển khai vì chủ đầu tư là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) xin ngừng đầu tư.
Riêng dự án Cảng trung chuyển container, vẫn đang tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư; ở khu vực Nam Vân Phong, Cảng tổng hợp Nam Vân Phong (có thể tiếp nhận tàu đến 70.000 DWT), mục tiêu phục vụ cho KCN Ninh Thủy và các khu vực lân cận đã xây dựng xong hạng mục cảng, đang hoàn thiện các hạng mục công trình phụ trợ, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2019.
Các cảng chuyên dùng cho nhà máy xi măng, nhà máy đóng tàu, kho xăng dầu ngoại quan cũng đã hoàn thành đi vào hoạt động, riêng cảng nhập than của dự án nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong đang trong quá trình xây dựng. Nhìn chung, hệ thống cảng biển của khu vực Vân Phong hiện tại cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa cho KKT và khu vực lân cận.
"Về hạ tầng giao thông kết nối, ở khu vực phía Bắc, Ban đang triển khai đầu tư nâng cấp, mở rộng đường từ quốc lộ 1A đi Đầm Môn (4 làn đường), dự kiến cuối năm hoàn thành. Về khu vực phía Nam, có đường quốc lộ 26B, đường tỉnh lộ 1B đã xây dựng xong. Nhìn chung, về cơ bản trước mắt có thể đáp ứng cho nhu cầu vận chuyển hàng hóa lưu thông bằng đường bộ từ khu vực cảng biển kết nối với đường quốc lộ 1 A của quốc gia.
Tuy nhiên, về lâu dài, khi lưu lượng xe tăng nhiều, đồng thời hầu hết là xe container thì cần có kế hoạch nâng cấp, mở rộng để đảm bảo hiệu quả kết nối tốt hệ thống giao thông nội địa với các cảng biển tại Vân Phong", Trưởng Ban quản lý KKT Vân Phong cho hay.
Nhà máy tàu biển Hyundai-Vinashin (HVS) đang hoạt động tại khu vực Nam Vân Phong là một trong những đơn vị đầu tư vào KKT Vân Phong và đang có hoạt động hiệu quả trong nhiều năm qua.
Nhà máy tàu biển Hyundai-Vinashin tính đến tháng 10/2019 doanh thu khoảng 389,3 triệu USD. (Ảnh: HVS)
Đại diện HVS cho biết, dưới sự hỗ trợ và giúp đỡ của các cơ quan ban ngành của tỉnh Khánh Hòa và Ban Quản lý KKT Vân Phong, HVS đang hoạt động rất tốt trong khu kinh tế Vân Phong.
HVS hiện có 3.021 lao động Việt Nam và 80 lao động người Hàn Quốc. Trong năm 2019, HVS bàn giao 15 tàu cho các chủ tàu Ý, Nhật Bản, Nauy, Singapore. Doanh thu tính đến tháng 10/2019 khoảng 389,3 triệu USD. Nộp ngân sách Nhà nước tính đến tháng 10/2019: 106,8 tỷ đồng.
HVS cho biết trong năm 2020 sẽ bàn giao 14 tàu trọng tải lớn.