Khách hàng vay vốn gặp khó khăn do dịch COVID-19, ngân hàng hỗ trợ thế nào?
Dịch COVID-19 diễn biến kéo dài, tác động tiêu cực tới nhiều mặt kinh tế - xã hội. Sự vào cuộc của ngành ngân hàng thông qua hàng loạt các giải pháp hỗ trợ linh hoạt đang tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Linh hoạt hỗ trợ
Theo số liệu báo cáo nhanh hàng tuần của các tổ chức tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước cung cấp, đến ngày 26/7/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 198.638 khách hàng với dư nợ 309.147 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 787.479 khách hàng với dư nợ 1.395.135 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 4.042.012 tỷ đồng cho 525.401 khách hàng.
Riêng Ngân hàng Chính sách Xã hội đến ngày 26/7/2021 đã thực hiện gia hạn nợ cho 191.235 khách hàng với dư nợ 4.723 tỷ đồng; cho vay mới đối với 3.192.080 khách hàng với số tiền 118.103 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thực tế ghi nhận tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), bà Đỗ Thị Ngọc Sương, Trưởng phòng Quản lý rủi ro tín dụng cho biết, ngân hàng hiện đang rất khó khăn trong đề nghị và thu thập chứng từ chứng minh việc khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để thực hiện các biện pháp hỗ trợ giảm lãi suất, cơ cấu nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01) và Thông tư 03/2021/TT-NHNN (Thông tư 03) quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Lý do chính là bởi nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc tiếp cận khách hàng để thẩm định và hỗ trợ gặp nhiều trở ngại.
Nhiều trường hợp, khách hàng có tiền trả nợ nhưng lại không chuyển khoản được và cũng không được ra khỏi địa bàn do đang bị cách ly, phong tỏa. Thậm chí, khách hàng đang trong khu cách ly, là đối tượng F0, F1, F2... nên cũng không thể tới ngân hàng để hoàn thành thủ tục cơ cấu.
Việc chậm thanh toán trong những trường hợp này vẫn bị chuyển sang nhóm nợ cao hơn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Từ đó, ảnh hưởng đến uy tín giao dịch của khách hàng khi thể hiện thông tin trên Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) và chất lượng nợ của tổ chức tín dụng.
"Đối với những trường hợp như vậy, ngân hàng quy định từ 15-30 ngày kể từ thời điểm hết cách ly, khách hàng sẽ phải bổ sung giấy tờ để hoàn chỉnh thủ tục. Còn trước mắt, ngân hàng linh động sử dụng các hình ảnh tài liệu chụp và gửi qua mạng để lưu trữ hồ sơ, áp dụng các giải pháp hỗ trợ khách hàng", bà Sương chia sẻ.
Tương tự, tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc ngân hàng cho biết, Agribank đã chủ động báo cáo cơ quan thanh tra giám sát về những trường hợp khách hàng đang ở khu vực giãn cách xã hội và chỉ đạo không thu lãi quá hạn trong thời gian phong tỏa, cách ly.
Đồng thời, Agribank hướng dẫn các chi nhánh thực hiện thu thập giấy tờ thủ tục bằng các phương tiện điện tử như tin nhắn, fax, zalo, viber... để thực hiện cơ cấu nợ. Trong vòng 30 ngày sau khi kết thúc cách ly, phong tỏa, ngân hàng sẽ cùng khách hàng hoàn thiện hồ sơ theo quy định hiện hành.
Tình trạng này diễn ra khá phổ biến trong giai đoạn hiện nay. Do đó, các ngân hàng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép tạm hoãn việc trả nợ trong thời gian phong tỏa và rời thời gian trả nợ của các khoản đến hạn tới sau thời gian đáo hạn.
"Ngân hàng Nhà nước cho phép cơ cấu nợ với các khoản nợ quá hạn đến 90 ngày hoặc đến khi văn bản thay thế, hoặc sửa đổi Thông tư 01 và Thông tư 03 có hiệu lực thay vì trong thời hạn quá hạn đến 7 ngày như hiện nay. Bởi, nhiều địa bàn bị giãn cách, phong tỏa, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, việc hoàn thiện hồ sơ cơ cấu cũng bị ảnh hưởng", ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiến nghị.
Giải pháp đồng bộ
Song song với các giải pháp đang triển khai, nhiều ngân hàng mới đây đã đề xuất cho phép cơ cấu nợ với thẻ tín dụng của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo ông Lê Văn Ron, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt thời gian qua đã ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng của thẻ tín dụng.
Tuy nhiên, dư nợ được xem xét cơ cấu theo Thông tư 01, 03 chỉ áp dụng đối với nghiệp vụ cho vay, cho thuê tài chính (công ty cho thuê tài chính), không bao gồm dự nợ phát sinh từ các nghiệp vụ cấp tín dụng khác như: thẻ tín dụng, bảo lãnh, bao thanh toán…
Nhưng thực tế, đại dịch đã ảnh hưởng đến khách hàng mà không phân biệt hình thức cấp tín dụng. Xét trên mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch thì việc cho phép cơ cấu nợ đối với số dư nợ thẻ tín dụng là cần thiết.
Do đó, ông Ron đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, điều chỉnh quy định này theo hướng cho phép cơ cấu nợ bao gồm: số dư nợ thẻ tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, liên quan đến hỗ trợ lãi suất, cơ cấu nợ với nhóm khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà, mua xe, đại diện một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, các ngân hàng đều đang tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, việc hỗ trợ tại một số ngân hàng sẽ được thực hiện theo các lộ trình cụ thể, phân theo các nhóm đối tượng khách hàng.
"Hiện tại, chúng tôi ưu tiên cơ cấu nợ và giảm lãi suất đối với khách hàng có thu nhập sụt giảm do dịch bệnh, khách hàng kinh doanh sản xuất thuộc các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng do dịch COVID-19 như: du lịch, khách sạn, vận tải... Còn các nhóm khách hàng khác, ngân hàng sẽ đồng hành theo từng trường hợp cụ thể", vị đại diện này cho biết.
Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như các hộ kinh doanh hiệu quả hơn nữa, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất, cần lập Tổ hợp tín dụng đi kèm với Quỹ Bảo lãnh tín dụng với tổng hạn mức cho vay là 300.000 tỷ đồng.
Theo ông Hiếu, tổ hợp này cần có sự tham gia của các ngân hàng với tỷ lệ tham gia khoảng 3% dư nợ của mỗi ngân hàng. Thời hạn cho vay các doanh nghiệp và hộ kinh doanh là 5 năm; trong đó, 2 năm đầu vay tuần hoàn và 3 năm sau trả dần trên dư nợ vay vào cuối năm thứ 2. Điều kiện vay là tín chấp với lãi suất từ 3–5%/năm.
Bên cạnh giảm lãi suất, cấp tín dụng mới, các tổ chức tín dụng cũng đồng loạt triển khai miễn, giảm nhiều loại phí để hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh như: phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống, phí rút tiền tại ATM, phí thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại...
Đồng thời, cải tiến công nghệ, tối ưu tiện ích của ngân hàng số cũng đang được các ngân hàng đặc biệt chú trọng. Điều này nhằm thu hút khách hàng mở mới tài khoản và sử dụng dịch vụ ngân hàng; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh.
Ước tính từ Ngân hàng Nhà nước, tổng số phí mà các tổ chức tín dụng giảm cho khách hàng trong thời gian qua khoảng 1.100 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ chỉ đạo các tổ chức trung gian thanh toán tiếp tục giảm phí tạo thuận lợi cho các ngân hàng thương mại giảm sâu các loại phí cho khách hàng.