Vay lãi suất 6%/năm để trả nợ ngân hàng khác, có thực sự dễ dàng?
Trong những ngày đầu tháng 9, thông tin loạt ngân hàng đua nhau cho khách hàng vay để trả nợ tổ chức tín dụng (TCTD) khác với lãi suất thấp chỉ từ 6%/năm thu hút được sự quan tâm của nhiều người đi vay, đặc biệt những người vay đang chịu mức lãi suất từ 10%/năm trở lên.
Động thái này diễn ra ngay sau khi Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà Nước bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9. Theo quy định tại thông tư mới, các tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại TCTD khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống thay vì chỉ được vay phục vụ sản xuất kinh doanh.
Trên thực tế, việc cho vay khách hàng để trả nợ tại ngân hàng khác hay còn được gọi là "tái tài trợ" không phải là hình thức mới trên thị trường và giới banker. Hình thức này đã được nhiều ngân hàng cổ phần áp dụng và triển khai từ trước đó thành các gói để giành khách hàng từ các đối thủ với ưu thế về lãi suất.
- TIN LIÊN QUAN
-
Sức ép lãi vay lên nền kinh tế: DN đã khó khăn còn phải trả lãi 12-17%/năm, 'muốn vay lãi suất thấp thì lên ti vi mà vay' 24/08/2023 - 07:00
Quy định tại Thông tư 06 chỉ mở rộng thêm về phần đối tượng được áp dụng không chỉ là với mục đích kinh doanh mà tăng thêm cả mục đích tiêu dùng.
Tuy vậy, thông tin này vẫn làm nóng thị trường cho vay của các ngân hàng trong những ngày qua do hiện trạng mặt bằng lãi suất cho vay ở một số ngân hàng đang ở mức tương đối cao.
Khảo sát của nhiều công ty chứng khoán cho hay vẫn có nhiều khách hàng đang chịu mức lãi suất vay từ 12 - 17%/năm.
Theo chia sẻ của anh P.V.Đ, chuyên viên tín dụng tại một ngân hàng tầm trung, lãi suất cho vay với một số khách hàng hiện hữu có thể lên tới 15%/năm.
"Nếu như được vay với lãi suất 6% - 7%/năm để trả nợ khoản cũ (lãi suất 13-14%/năm) đồng thời tiếp tục được hưởng ưu đãi trong 12 - 24 tháng tới thì không ai không muốn", anh Đ. cho hay.
Điểm đáng chú ý là sự vào cuộc của các "ông lớn" Big4 như Vietcombank và BIDV, những ngân hàng có ưu thế vốn rẻ lớn và thường có mặt bằng lãi suất cho vay thấp trong ngành. Tại đây, các cam kết về lãi suất thường sẽ hấp dẫn hơn những ngân hàng cổ phần.
Cụ thể tại Vietcombank, khách hàng vay sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8,0%/năm trong 24 tháng đầu. Ngân hàng này cũng sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay theo tình hình thực tế.
Khách hàng được sử dụng đa dạng các loại tài sản để đảm bảo cho khoản vay như: Bất động sản, tiền mặt, số dư trên tài khoản tiền gửi, sổ/thẻ tiết kiệm, giấy tờ có giá… của khách hàng hoặc người có quan hệ huyết thống (bố/mẹ/con đẻ) hoặc người có quan hệ vợ/chồng với khách hàng; hoặc tài sản của chính khách hàng tại tổ chức tín dụng đang vay.
Tại BIDV, mức lãi suất áp dụng là từ 6%/năm với các khoản vay ngắn hạn và 6,8%/năm với các khoản vay trung dài hạn (từ 12 tháng trở lên).
Tại cả hai ngân hàng đều cho phép hạn mức vay tới 100% dư nợ gốc còn lại với thời gian ân hạn gốc lên đến 24 tháng và không vượt quá thời gian ân hạn trả nợ gốc còn lại của khoản vay, thời hạn vay đến 30 năm và không vượt quá thời hạn còn lại của khoản vay tại TCTD khác.
Chuyển nợ từ ngân hàng này sang ngân hàng khác có thực sự dễ dàng?
Hấp dẫn về lãi suất như vậy, việc chuyển nợ từ ngân hàng này sang ngân hàng khác để được hưởng lãi suất thấp hơn có thực sự dễ dàng?
Một trong những điểm quan trọng nhất để khách hàng có cơ hội chuyển như vậy là việc được phê duyệt vay từ phía ngân hàng mới và đương nhiên phải đảm bảo đủ các tiêu chuẩn cho vay cơ bản gồm khả năng trả nợ và tài sản thế chấp (mục đích vay giữ nguyên mục đích từ TCTD khác).
Như vậy, để lọt vào "tầm ngắm" của chương trình này, khách hàng vay cũng thực sự phải là khách hàng tốt với lịch sử trả nợ đúng hạn, có nguồn thu nhập đủ thực hiện các nghĩa vụ nợ và tài sản bảo đảm tốt. Theo ngôn ngữ của giới banker, đây cũng phải là những khách hàng "nhà giàu" chứ không phải ai cũng sẽ đủ tiêu chuẩn.
Vấn đề thứ hai và cũng là mục tiêu hướng đến của tất cả người đi vay đó là lãi suất. Mặc dù mức lãi suất ưu đãi 6% hay 6,8%/năm là rất thấp so với thị trường tuy nhiên đó chưa phải là toàn bộ chi phí mà người vay phải chi trả khi chuyển khoản nợ từ ngân hàng này sang ngân hàng khác.
Phí phạt trả nợ trước hạn (từ 1% đến 4% giá trị khoản vay), phí thẩm định tài sản, phí công chứng tài sản, phí đăng ký thế chấp tài sản,... là một số chi phí thường gặp khi người vay muốn thực hiện chuyển nợ.
Tại một số ngân hàng, mức phí phạt trả nợ trước hạn là khá cao khiến cho việc chuyển sang vay ngân hàng khác lại cũng không mang nhiều khác biệt lớn về chi phí trong khi phải thực hiện thủ tục tương đối mất thời gian.
Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo cũng là vấn đề vướng mắc tại các khoản vay "tái tài trợ". Để hạn chế rủi ro trong giao dịch, ngân hàng cho vay mới luôn mong muốn khách hàng có tài sản thế chấp khác để đảm bảo cho phần giải ngân trả nợ cho TCTD khác.
Trong trường hợp khách hàng không có tài sản khác, để dùng chính tài sản đang được thế chấp tại TCTD khác thì người vay có thể phải tự huy động tiền để tất toán và chỉ được ngân hàng giải ngân mới khi tài sản được hoàn tất thế chấp mới. Điểm này cũng là một trong những "cái khó" của những người vay khi không thể tự xoay được số tiền lớn trong thời gian ngắn như vậy.
Trên thực tế, một số ngân hàng thực hiện "tái tài trợ" đã đồng ý giải ngân trả toàn bộ gốc còn lại và nhận chính tài sản đang được thế chấp kia làm tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro, khách hàng phải thực hiện uỷ quyền cho nhân viên tín dụng nhận bản gốc tài sản và thực hiện các thủ tục giải chấp trước khi ký thế chấp mới.
Tựu chung lại, việc cho vay để trả nợ TCTD khác về bản chất không khác gì đảo nợ, điều đó không làm tăng trưởng tín dụng của toàn ngành cao hơn nhưng đối với người vay, đây là một cơ hội tốt để có thể lựa chọn ngân hàng có chi phí lãi thấp, các dịch vụ tốt hơn.
Còn về phía các ngân hàng, có lẽ sẽ có sự cạnh tranh khắc nghiệt hơn từ việc cho vay mới và giữ chân khách hàng của mình, ưu thế sẽ giành về phía những ngân hàng có chi phí vốn thấp và quá trình chăm sóc khách hàng tốt hơn.