|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sức ép lãi vay lên nền kinh tế: DN đã khó khăn còn phải trả lãi 12-17%/năm, 'muốn vay lãi suất thấp thì lên ti vi mà vay'

07:00 | 24/08/2023
Chia sẻ
Lãi suất cho vay đang có xu hướng giảm so với đầu năm, tuy nhiên vẫn có độ trễ nhất định. Đồng thời, lãi vay của các doanh nghiệp có sự phân hóa, một số công ty được hưởng lãi suất dưới 10%, còn số khác lại phải chịu lãi tới 12-17%.

Các doanh nghiệp đang trả lãi vay bao nhiêu?

"Muốn vay lãi suất thấp thì lên tivi mà vay", đó là phản ánh trên thị trường được Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhắc lại trong hội thảo về tiếp cận vốn mới đây. 

Phó Thống đốc cho biết mặc dù nhiều ngân hàng đã công bố việc cắt giảm lãi suất, triển khai các gói vay lãi suất thấp nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn liên tục phản ánh việc khó vay và lãi suất cao. "Có doanh nghiệp phản ánh lãi suất vay lên tới 11,5%/năm", ông nói.

Theo ghi nhận của Chứng khoán SSI (SSI Research), tốc độ giảm của lãi suất cho vay đã nhanh hơn trong tháng 7, tuy nhiên vẫn xuất hiện sự phân hóa khá rõ rệt. Cụ thể, với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có chất lượng tín dụng tốt, lãi suất cho vay đã giảm về khoảng 8-10% trong khi đó các doanh nghiệp có chất lượng tín dụng kém hơn vẫn phải đi vay với mức lãi suất từ 12-15%.

Còn Chứng khoán DSC cho hay với các doanh nghiệp khó khăn, “đói vốn”, chất lượng tín dụng thấp, lãi suất vay vẫn ở mốc 12-17%, cao gấp đôi so với mức trung bình. 

Chia sẻ tại Hội thảo về tiếp cận vốn sáng 21/8, ông Ngô Tấn Long, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB, thừa nhận một số doanh nghiệp than lãi suất còn cao.

"Thực tế, trong khoảng 2-3 tháng gần đây, các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động rất mạnh. Xu thế này sẽ kéo theo lãi suất cho vay thời gian tới sẽ giảm rất nhanh. Thậm chí, những gói tín dụng ACB đang chào mời doanh nghiệp có lãi suất chỉ 7%/năm với vay ngắn hạn và khoảng 8%/năm đối với gói vay trung, dài hạn", ông Long thông tin.

 

Trên thực tế, theo khảo sát của chúng tôi, tính tới tháng 8, nhiều ngân hàng đã đồng loạt tung ra nhiều gói vay với lãi suất ưu đãi từ 7%/năm - 9%/năm cho nhiều mục đích từ sản xuất kinh doanh, mua nhà đến tiêu dùng.

Tuy nhiên, mức lãi suất ưu đãi này chỉ áp dụng trong thời gian ưu đãi ban đầu (thường là 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng,...).

Sau khoảng thời gian ưu đãi, lãi suất sẽ được tính theo công thức lãi suất cơ sở (thường là lãi suất huy động tại quầy kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng) + biên độ 3 - 4%/năm. Như vậy với mức lãi suất cơ sở khoảng 7%/năm, lãi suất sau ưu đãi khách hàng sẽ cần trả là 10 - 11%/năm.

Mức lãi suất này cũng sẽ được áp dụng cho phần lớn khách hàng khi tới kỳ điều chỉnh lãi suất, tuy nhiên cũng tuỳ theo từng khách hàng mà mức lãi suất này có thể thay đổi tăng hoặc giảm.

Thu nhập từ lãi các ngân hàng tăng 41% trong khi chi phí lãi tăng 78%

Theo thống kê của chúng tôi, thu nhập từ lãi của các ngân hàng đã tăng hơn 41% so với cùng kỳ năm trước trong khi quy mô tín dụng vào cuối quý II mới chỉ tăng khoảng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngân hàng như Sacombank thu nhập lãi tăng tới 94%; BaoVietBank tăng 83%; Kienlongbank tăng 72%.

Bên cạnh đó, chi phí lãi của các ngân hàng lại tăng tới gần 79% so với cùng kỳ năm trước, với nhiều ngân hàng có chi phí lãi tăng trưởng ba con số: Techcombank (tăng 178%); MSB (141%); MB (122%); Kienlongbank (113%); HDBank (108%).

 

Những dữ liệu trên cho thấy mức lãi suất cho vay ra của các ngân hàng cao hơn cùng kỳ năm trước nhưng ở chiều chi lãi huy động đầu vào, họ cũng phải trả mức chi phí lớn hơn. (Hiểu đơn giản là thu lãi vào cao hơn nhưng chi lãi ra cũng cao hơn khá nhiều).

Minh chứng cho điều này là thu nhập lãi thuần các ngân hàng nửa đầu năm nay tăng rất thấp khoảng 7,8% so với 6 tháng đầu năm 2022, thậm chí có tới 1/3 số ngân hàng khảo sát ghi nhận thu nhập lãi thuần giảm.

Một thống kê khác từ WiChart cho thấy trong quý II, tổng chi phí lãi vay của 478 công ty niêm yết phải trả lên tới hơn 20.000 tỷ đồng, tăng 1,7% so với quý liền trước và 15,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy vậy, tốc độ tăng của chi phí lãi vay trong những quý gần đây đã chậm lại, không còn nhanh như cuối năm 2022.

Cùng với đó, lãi suất bình quân mà các doanh nghiệp niêm yết này đang phải trả là 9,1%, cao hơn 1 điểm % so với quý I/2022 và 2 điểm % so với cùng kỳ năm trước. Điều này phù hợp với việc con số thu lãi của các ngân hàng tăng trong nửa đầu năm nay.

 

Cân đối giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp trong khi phải giữ lãi suất huy động ở mức hợp lý là một bài toán khó với các ngân hàng.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay: "Bình thường lãi suất cho vay và huy động chênh 3% là đủ cho ngân hàng cân chi phí, đảm bảo an toàn tài chính. Nếu hạ lãi suất huy động quá thì người gửi tiền sẽ kêu thiệt thòi. Giả sử lạm phát  3-4% thì lãi suất huy động ít cũng phải 5-6% thì người gửi tiền mới có lãi suất thực dương 2-3%".

Do đó, với các tổ chức tín dụng, quyết định tăng/giảm lãi suất huy động hay cho vay là những quyết định vô cùng khó khăn và cần sự tính toán chi tiết cẩn thận, không thể qua loa.

Hạ lãi suất điều hành không còn tác động mạnh đến thị trường

Trên thực tế, câu chuyện doanh nghiệp kêu không vay được tiền còn ngân hàng kêu tìm mãi không ra người để cho vay là câu chuyện muôn thuở, diễn ra thường xuyên, kể cả khi khó khăn chưa xảy đến. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì câu chuyện đó trở nên cao trào hơn. 

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, việc trước mắt chúng ta cần làm là mở rộng gia tăng tín dụng cho nền kinh tế. Có những việc đã làm, nhưng bây giờ sẽ phải làm với cường độ cao hơn.

Trong câu chuyện hạ lãi suất, ông cho hay NHNN sẽ cân nhắc câu chuyện hạ lãi suất điều hành, vì thực tế lãi suất điều hành không còn tác động mạnh đến thị trường, đến các ngân hàng thương mại vì hiện nay các ngân hàng đang thừa thanh khoản, không vay NHNN. Vì vậy, câu chuyện lúc này là các ngân hàng thương mại phải tiết giảm chi phí, hạ lãi suất cho vay.

"Và giờ là lúc các ngân hàng phải chia sẻ, chia sẻ một cách thực chất", ông Tú nhấn mạnh.

Về phía các doanh nghiệp, ông Trần Đức Nghĩa, Tổng Giám đốc CTCP Quốc tế Delta, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội, chia sẻ: “Khi khó khăn bủa vây doanh nghiệp, ngân hàng đương nhiên muốn quản trị rủi ro nên siết chặt chuẩn tín dụng, điều đó là bình thường. Với công ty chúng tôi, 19 năm liên tục tăng trưởng dương nhưng đến năm 2023 lần đầu tiên tăng trưởng âm, dẫn đến dòng tiền suy yếu. Đó là lúc chúng tôi cần sự hỗ trợ của ngân hàng nhất".

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết dự kiến cuối tuần này hoặc đầu tuần sau NHNN sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề về lãi suất và phí theo từng nhóm ngân hàng. Bởi vì đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến giá đầu vào của doanh nghiệp.

Đồng thời, để giải quyết được vấn đề này cần phải tiếp tục có sự chung tay, đồng sức, đồng lòng, và sự nỗ lực hơn nữa của các bộ, ngành và các chủ thể trong nền kinh tế. Ông cho hay sẽ có thêm các cuộc đối thoại với các doanh nghiệp trên 63 tỉnh thành để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng này, cần sự hành động quyết liệt từ trung ương đến địa phương.

Minh Quang - Diệp Bình