BIDV, Agribank điều chỉnh lãi suất cho vay gói 120.000 tỷ giảm về từ 7,7%/năm
Mặt bằng lãi suất cho vay gói tín dụng 120.000 tỷ với thị trường bất động sản nhà ở xã hội đã tiếp tục giảm sau hơn 3 tháng triển khai theo Nghị quyết số 33.
Mới đây nhất, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) đã thông báo mức lãi suất cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng chung cư cũ từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 là 8,2%/năm đối với chủ đầu tư dự án và 7,7%/năm với khách hàng là người mua nhà ở tại dự án.
Mức lãi suất này thấp hơn 0,5 điểm % so với con số trước đây được công bố khi chương trình bắt đầu triển khai vào tháng 4. Quy mô gói hỗ trợ tín dụng này của Agribank là 30.000 tỷ đồng.
Tại BIDV, ngân hàng cũng đã đã triển khai gói tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản nhà ở thương mại với quy mô 20.000 tỷ đồng. Mức lãi suất áp dụng cho các chủ đầu tư là 8,5%/năm còn đối với các cá nhân, lãi suất cho vay áp dụng từ 7,8%/năm.
Trong khi đó hai "ông lớn" Big4 còn lại (Vietcombank và VietinBank) chưa có công bố mới về mặt bằng lãi suất mới của chương trình này.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được triển khai từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại với lãi suất cho vay thấp hơn 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường. Thời gian ưu đãi lãi suất đối với chủ đầu tư là 3 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu, đối với người mua nhà là 5 năm.
Tại thời điểm bắt đầu triển khai, mức lãi suất mà nhóm Big4 đưa ra là 8,7%/năm áp dụng với chủ đầu tư và 8,2%/năm với người mua nhà.
Nhận định về mức lãi suất cho vay ưu đãi này, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng mức lãi suất 8,2%/năm áp dụng cho người mua nhà vẫn là quá cao so với khả năng tài chính của đối tượng là người có thu nhập thấp đô thị.
Còn với mức lãi suất 8,7%/năm áp dụng cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được cho là khá phù hợp và có tác động tích cực đối với các chủ đầu tư khi hiện nay, lãi suất vay rất cao, có thể lên đến 12-13%/năm.
Mặc dù đã có nhiều biện pháp thực hiện nhưng việc giải ngân cho vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản của các ngân hàng vẫn thấp.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân chậm là Bộ Xây dựng giao cho UBND các tỉnh là phê duyệt các danh mục dự án đủ điều kiện để cho vay. Hiện một số địa phương cũng đã phê duyệt danh sách và gửi cho Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, qua rà soát những dự án này đều chưa đạt được cơ sở về pháp lý để có thể giải ngân cho vay.
Ông Hùng cho hay về bản chất gói tín dụng này không giống với gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội từng triển khai năm 2013 bởi gói trước đây được cho vay từ nguồn tái cấp vốn, lãi suất cố định chỉ 5%/năm; trong khi đó, gói 120.000 tỷ đồng là nguồn vốn tự thu xếp của các ngân hàng thương mại và là sự chia sẻ của ngành ngân hàng với doanh nghiệp và người dân.
Cho biết vào tại hội thảo ngành ngân hàng ngày 25/7, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, cho biết BIDV đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 01 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ tham gia chương trình với số tiền cấp tín dụng khoảng 95 tỷ đồng; Agribank đã cam kết cho vay 01 dự án tại Quảng Ninh với số tiền 950 tỷ đồng và đang tiếp cận gần 10 dự án tại TP HCM, Quy Nhơn, Hà Nam, Lâm Đồng.
Thông tin mới đây từ Bộ Xây dựng cho biết, hiện có khoảng 108 dự án đã được cấp phép xây dựng, đang triển khai đầu tư xây dựng thuộc đối tượng cho vay của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Hiện đã có 14/63 Sở Xây dựng trên địa bàn cả nước rà soát hồ sơ, lập danh mục các dự án đủ điều kiện trình UBND cấp tỉnh xem xét, công bố danh mục tổng số 39 dự án có tổng mức đầu tư hơn 43.406 tỷ đồng; trong đó nhu cầu vay vốn là hơn 17.869 tỷ đồng.
Cùng với đó, đã có 9 UBND cấp tỉnh công bố danh mục 17 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng. Các dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 16.839 tỷ đồng; trong đó, nhu cầu vay vốn là hơn 8.920 tỷ đồng.