|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Kế hoạch bay thương mại của Vietravel Airlines sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

20:37 | 04/04/2020
Chia sẻ
Trước tình hình dịch COVID-19, Ban lãnh đạo công ty Vietravel Airlines sẽ phải họp bàn, nhưng chắc chắn thời gian bay thương mại như dự định trước đó sẽ bị lùi.

Liên quan đến Quyết định 457/QĐ-TTg ngày 3/4 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) của Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel), chiều 4/4, trao đổi với phóng viên TTXVN, đại diện Vietravel cho biết, việc phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ là các bước thủ tục cần phải thực hiện trong quá trình xin cấp phép thành lập hãng hàng không.

“Dự kiến tháng 10/2020 (khoảng trong quý III), Vietravel Airlines sẽ bay thương mại. Tuy nhiên, trước tình hình dịch COVID-19, Ban lãnh đạo công ty sẽ phải họp bàn, nhưng chắc chắn thời gian bay thương mại như dự định trước đó sẽ bị lùi. 

Đến thời điểm này, Vietravel chưa có kế hoạch cụ thể việc bay thương mại của Vietravel Airlines”, đại diện Vietravel cho hay.

Theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, dự án vận tải hàng không lữ hành Công ty TNHH hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) có thời gian hoạt động là 50 năm. Dự án có tổng vốn đầu tư thực hiện là 700 tỷ đồng.

Vietravel Airlines sẽ xây dựng hãng hàng không có trụ sở tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (Thừa Thiên Huế) gắn với du lịch, cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng không trong nước và quốc tế đến các nước trong châu lục. 

Điều này góp phần nâng cao năng lực vận tải hàng không của Việt Nam và phát triển ngành du lịch lữ hành, cũng như phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập.

Về quy mô, số lượng tàu bay khai thác năm đầu tiên của Vietravel Airlines là 3 tàu bay, tăng dần đến năm thứ 5 khai thác 8 tàu bay.

Cũng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, dự án sẽ có 9 tháng thực hiện đầu tư, tính từ khi phê duyệt chủ trương, bắt đầu khai thác và kinh doanh từ tháng thứ 10.

Quyết định của Thủ tướng cũng nêu rõ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có trách nhiệm chỉ đạo Vietravel Airlines trong giai đoạn thực hiện đầu tư tiếp tục hoàn thiện dự án theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan; kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện dự án của Vietravel Airlines theo đúng quy định của pháp luật, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của các bộ, ngành liên quan, bao gồm kiểm tra, giám sát việc huy động vốn của Vietravel Airlines theo tiến độ thực hiện dự án.

Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành và các cơ quan liên quan trong quá trình thẩm định và cấp phép kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và khả năng đáp ứng nguồn vốn của nhà đầu tư; giám sát việc phát triển đội tàu bay phải phù hợp với quy hoạch, năng lực quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, năng lực phục vụ cơ sở hạ tầng hàng không, việc bố trí các nguồn lực của nhà đầu tư phát huy năng lực khai thác, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không.

Theo đăng ký, Vietravel Airlines định hướng là hãng hàng không bay thuê chuyến (charter) và thường lệ phục vụ một phần khách du lịch của Vietravel, còn lại phục vụ cộng đồng. Mô hình này cũng đang được khuyến khích, ủng hộ ở nhiều nước khác.

Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam trong tờ trình gửi Bộ Giao thông Vận tải trước đó về dự án hàng không này, Vietravel Air với định hướng khai thác các đường bay phục vụ khách du lịch theo hình thức thuê chuyến là hình thức khá mới lạ tại Việt Nam, nhưng các tập đoàn lớn trên thế giới như: Contour Flight, TNT Vacations, Funjet Vacations, ESO Travel... đều sở hữu đội bay riêng để phục vụ cho khách của mình.

Là đơn vị du lịch lữ hành tại Việt Nam, hàng năm phục vụ gần 1 triệu lượt khách, như vậy Vietravel đã có một lượng khách rất lớn và ổn định để đảm bảo cho các chuyến bay của mình.

“Ngoài ra, với việc chọn Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài (Huế) làm sân bay căn cứ sẽ không tạo áp lực lên các Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài, được xem là khá chật chội trong thời điểm hiện nay”, Cục Hàng không Việt Nam cho hay.

Trước đó, trả lời phỏng vấn phỏng vấn phóng viên TTXVN, bà Trương Thị Thu Giang, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị Vietravel cho biết, để chuẩn bị cho quá trình vận hành và khai thác Vietravel Airlines nếu được cấp phép bay, về nguồn nhân lực, Vietravel đã mua lại cổ phần Trường cao đẳng quốc tế Kent (Kent International College – trụ sở tại Tp. Hồ Chí Minh), một đơn vị đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo nhân lực chuyên ngành hàng không và sẽ là cơ sở đào tạo quan trọng cho nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của Vietravel Airlines.

Bên cạnh đó, Vietravel Airlines cũng đã làm việc với các tổ chức cung cấp nguồn nhân lực chuyên ngành hàng không, đặc biệt là lực lượng phi công, thợ bảo dưỡng tàu bay cho Vietravel Airlines.

“Về kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực sắp tới, Vietravel Airlines dự kiến sẽ tuyển dụng và gửi đi đào tạo các phi công cơ bản tại các cơ sở được Cục Hàng không Việt Nam công nhận hoặc chấp nhận.

Nhân viên kỹ thuật, thợ bảo dưỡng tàu bay, tiếp viên, nhân viên mặt đất phục vụ chuyến bay… sẽ được tuyển dụng và đào tạo thông qua hệ thống đào tạo của Trường cao đẳng quốc tế Kent và các cơ sở đào tạo khác nhằm đảm bảo nguồn nhân lực cho Vietravel Airlines khi đưa vào khai thác”, bà Trương Thị Thu Giang thông tin.

Về thị phần mà Vietravel Airlines tập trung vào khai thác, bà Trương Thị Thu Giang cho rằng, với lợi thế công ty mẹ là doanh nghiệp lữ hành hàng đầu của Việt Nam hiện nay, Vietravel Airlines sẽ tập trung vào thị phần khách du lịch của chính Vietravel cũng như khách du lịch trong và ngoài nước.

“Vietravel Airlines đặt mục tiêu cung cấp khoảng 55% ghế, tải của mình cho công ty mẹ Vietravel để đáp ứng khoảng từ 35-40% nhu cầu hành khách du lịch bằng đường hàng không của hãng. Còn từ 60-65% nhu cầu còn lại, Vietravel sẽ tiếp tục sử dụng lịch bay thường lệ của các hãng hàng không khác.

Khoảng 45% ghế, tải còn lại Vietravel Airlines sẽ cung ứng cho các công ty du lịch và các khách hàng khác trên các đường bay thuê chuyến”, bà Trương Thị Thu Giang cho hay.

Đối với đường bay trong nước, Vietravel Airlines chủ trương chọn các công ty hàng không thứ cấp ở các điểm đến như: Chu Lai cho khu vực Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi; Vân Đồn và Hải Phòng cho khu vực Quảng Ninh – Hà Nội – Hải Phòng; Cần Thơ cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tránh ùn tắc.

Với đường bay quốc tế sẽ được gắn với tuyến du lịch quốc tế của Vietravel bằng đường hàng không. Mạng đường bay sẽ từ Việt Nam đi các nước trong khu vực Đông Nam Á như: Malaysia, Singapore….; các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực Đông Bắc Á như: Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Trung Quốc…; các nước Tây Nam Á như Ấn Độ, đảo Maldives.

Vietravel cũng phấn đấu từ năm thứ tư, kể từ ngày được bay thương mại, mạng đường bay của Vietravel Airlines sẽ mở rộng sang Trung Đông, Australia và Newzeland; Nga, Anh, Pháp… tại châu Âu và thị trường Bắc Mỹ.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện tại thị trường Việt Nam đang có 68 hãng hàng không nước ngoài (đến từ 25 nước và vùng lãnh thổ) và 5 hãng nội địa (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacifiic, Vasco, Bamboo Airways).

Như vậy, cùng Vietravel Airlines vừa được phê duyệt chủ trưởng đầu tư thì hiện còn một số hãng khác đang chờ được xem xét cho việc bay thương mại là Kite Air của Công ty cổ phần hàng không Thiên Minh và Vietstar Air của Công ty TNHH MTV hàng không. 

Trước đó, vào tháng 1/2020, Vinpearl Air của Tập đoàn Vingroup đã công bố chính thức rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không.

Quang Toàn

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.