|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

KBSV: Tỷ giá chợ đen tăng vọt có thể do chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế

10:27 | 19/10/2023
Chia sẻ
Theo Chứng khoán KB Việt Nam, diễn biến tăng của tỷ giá chợ đen trong giai đoạn gần đây có thể do chênh lệch lớn giữa giá vàng Việt Nam và quốc tế. Ngoài ra, với việc tăng tỷ giá trung tâm, Ngân hàng Nhà nước dường như đã chấp nhận mặt bằng tỷ giá mới

Trong báo cáo vĩ mô công bố mới đây, CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng diễn biến tăng mạnh của tỷ giá chợ đen trong giai đoạn gần đây có thể đến từ mức chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và quốc tế.

Theo KBSV, trong 9 tháng đầu năm, tỷ giá trên thị trường chợ đen diễn biến tương đồng với tỷ giá liên ngân hàng. Mức chênh lệch giữa hai tỷ giá giảm đáng kể khi khác biệt giữa giá vàng trong nước - quốc tế thu hẹp xuống khoảng 10 triệu đồng/lượng khiến nhu cầu nhập lậu đi xuống. 

Tuy nhiên, khi biến động giá vàng trong nước và quốc tế trái phiếu như trong giai đoạn gần đây, chênh lệch giá vàng SJC và thế giới có lúc đã lên gần 15 triệu đồng/lượng. 

Giá vàng trong nước đã vọt tăng trong tuần qua. (Ảnh: WiChart).

Diễn biến này đã kích thích nhu cầu aribtrage (kinh doanh chênh lệch giá), khiến tỷ giá trên thị trường chợ đen tăng vọt. Vào ngày 18/10, tỷ giá chợ đen có lúc đã đạt 24.730 đồng, tăng 4% so với đầu năm. Tới phiên 19/10, khi giá vàng thế giới có xu hướng nhích lên, tỷ giá chợ đen đã quay đầu xuống ngưỡng 24.640 đồng. 

Tại thời điểm 7h hôm nay, giá vàng SJC bán ra cao nhất đạt 70,47 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng quốc tế ở ngưỡng khoảng 1.950 USD/ounce, tương đương khoảng 58 triệu đồng/lượng (ước tính theo tỷ giá chợ đen). 

(Ảnh: WiChart).

NHNN chấp nhận mặt bằng tỷ giá mới 

Các chuyên gia của KBSV cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dường như đã chấp nhận mặt bằng tỷ giá cao hơn để hỗ trợ nền kinh tế.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, tỷ giá đã hạ nhiệt khi chỉ số USD Index (DXY) đi xuống và nguồn cung ngoại tệ dồi dào. Tuy nhiên, kể từ tháng 7, tỷ giá bắt đầu đi lên khi DXY mạnh hơn kết hợp với mức chênh lệch lãi suất chính sách lớn giữa hai nền kinh tế. 

NHNN hiện vẫn chưa có điều chỉnh đáng kể về tỷ giá chào bán, duy trì ở vùng 25.200 đồng. Tuy nhiên, kể từ đầu năm, tỷ giá trung tâm đã tăng khoảng 2,1% lên ngưỡng 24.100 đồng vào ngày 19/10. KBSV cho rằng động thái này thể hiện qua điểm NHNN đã chấp nhận mặt bằng tỷ giá cao hơn để hỗ trợ nền kinh tế. 

Và mặc dù mất giá hơn 3% so với USD, nhưng chỉ số NEER (tỷ giá danh nghĩa đa phương) và REER (tỷ giá thực tế đa phương) lại tăng nhẹ, lần lượt đạt 103,4 và 110,1, nhích thêm 1,5% và 1,35% so với đầu năm. 

Diễn biến này đồng nghĩa với việc tiền đồng đang mạnh hơn so với rổ tiền tệ từ các đối tác thương mại. NEER tăng chủ yếu do nhân dân tệ giảm giá so với nền cùng kì 2022 (-7% YoY) và REER tăng ít hơn phản ánh lạm phát của Việt Nam đã cao hơn so với các đối tác thương mại chính, do Việt Nam có độ trễ về lạm phát khoảng hai quý.

Dự báo tỷ giá tăng 3,5% trong năm nay

KBSV dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tăng khoảng 3,5% trong năm nay, lên quanh mức 24.460 (tỷ giá liên ngân hàng). Các nhà phân tích cũng cho rằng với việc DXY và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tăng, nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục duy trì phát hành tín phiếu để hút ròng với khối lượng tối đa khoảng 250.000 tỷ đồng và có những biện pháp mạnh tay hơn nếu tỷ giá vượt ngưỡng 25.000 đồng. 

Lợi suất trái phiếu đã tạo đỉnh mới trong phiên giao dịch ngày 18/10. 

KBSV liệt kê một số áp lực lên tỷ giá trong những tháng cuối năm do lợi suất trái phiếu và chỉ số DXY tiếp tục tăng, nền kinh tế Mỹ duy trì sức mạnh, diễn biến trái chiều giữa chính sách của NHNN và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như nhu cầu xuất khẩu cuối năm tăng cao. 

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, bất chấp chính sách tiền tệ nới lỏng, tiền động vẫn là một trong những đồng tiền duy trì sức mạnh tốt nhất trong khu vực do nguồn cung ngoại tệ dồi dào. 

Các chuyên gia của KBSV cho rằng những lợi thế này sẽ được duy trì trong ba tháng cuối năm, hỗ trợ tỷ giá bên cạnh sự can thiệp của NHNN. Nguồn cung ngoại tệ sẽ tiếp tục tới từ xuất siêu, FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) và kiều hối.

Minh Quang