Cơn sốt tỷ giá lặp lại và sự khác biệt trong điều hành so với cuối năm 2022
Cơn sốt tỷ giá trở lặp lại
Tỷ giá USD đã ghi nhận khoảng thời gian biến động mạnh từ cuối tháng 8, giá USD bán ra tại một số ngân hàng có thời điểm vượt ngưỡng 24.600 VND/USD. Mức mất giá của tiền đồng tính đến cuối tháng 9 đã vượt ngưỡng 3%.
Diễn biến tỷ giá gần đây khiến chúng ta nhớ lại tình huống tương tự vào tháng 6 - 7/2022, khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải giải quyết nhiều vấn đề, đặc biệt là áp lực lạm phát cao.
NHNN đã hút ròng trên 189.000 tỷ đồng trên thị trường mở (OMO) từ ngày 22/6/2022 đến 13/7/2022 để hạ nhiệt áp lực tỷ giá. Sau đó, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tăng vọt lên trên 7%/năm vào cuối tháng 10/2022.
Đồng thời, NHNN tiếp tục bán hơn 15 tỷ USD dự trữ ngoại hối từ tháng 8 đến tháng 11/2022, sau khi bán tổng cộng 11 tỷ USD từ tháng 2 đến tháng 7/2022. Đáng chú ý, mức dự trữ ngoại hối vẫn được giữ quanh mốc ít nhất 3 tháng nhập khẩu kể từ năm 2020.
Tuy nhiên trong năm nay, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng NHNN đang ở thế chủ động hơn để có thể kiểm soát tình hình.
Theo Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, Fed đang tiến gần đến thời điểm kết thúc của chu kỳ thắt chặt tiền tệ và theo đó chỉ số USD Index (DXY) cũng được kì vọng sẽ hạ nhiệt, điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực lên tỷ giá USD/VND.
Đặc biệt, lạm phát năm nay ở mức khá thấp so với ngưỡng lạm phát mục tiêu. Bên cạnh đó, NHNN cũng đã có sự chuẩn bị đầy đủ hơn so với năm ngoái. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, nhà điều hành đã mua vào khoảng 6 tỷ USD dự trữ ngoại hối đưa dự trữ ngoại hối lên mức 89,2 tỷ USD (~3,4 tháng nhập khẩu), bổ sung một phần số tiền đã sử dụng để chống đỡ cho VND vào năm ngoái.
Vào thời điểm tháng 9, 10 năm ngoái, NHNN đã phải mạnh tay nâng lãi suất thêm 2 điểm % để hạn chế ảnh hưởng khi đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 20 năm. Trong khi đó tại năm nay, NHNN đã có 4 lần hạ lãi suất khiến chênh lệch lãi suất VND và USD kỳ hạn qua đêm đã liên tục tăng và duy trì trên dưới mức 5% kể từ tháng 8/2023.
Nhà điều hành cũng đã giải quyết tình trạng dư thừa thanh khoản bằng cách hút hơn 140.000 tỷ đồng từ hệ thống, kéo lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm từ mức thấp kỷ lục lên khoảng 1,32% vào ngày 5/10, giúp phần nào giảm áp lực tỷ giá.
Ngoài ra, sang năm nay, cán cân thương mại của Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt. Thặng dư thương mại 9 tháng đầu năm tăng gấp hơn ba lần từ khoảng 6,6 tỷ USD vào năm ngoái lên 21,3 tỷ USD trong năm nay. Đồng thời, lạm phát trong năm cũng đã hạ nhiệt so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, một điểm khác biệt giữa năm nay và năm ngoái đó là các yếu tố nội tại. Trong năm 2022, sự kiệnVạn Thịnh Phát, kéo theo việc NHNN phải hỗ trợ thanh khoản cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và những tác động dây chuyền sau đó đã tạo thêm áp lực trong điều hành chính sách,khiến NHNN buộc phải can thiệp và ảnh hưởng tâm lý thị trường.
Theo đánh giá của VDSC, phần lớn biến động tỷ giá tháng 10 năm ngoái đến từ những yếu tố nội tại này hơn là áp lực bên ngoài.
Những sự kiện "thiên nga đen" như vậy chưa xảy ra trong năm 2023, tỷ giá cũng đã có những gợn sóng khi USD mạnh lên, tuy nhiên biến động bất ngờ vẫn chưa xảy ra.
Tương đồng về bối cảnh bên ngoài
Có thể nhận thấy, xét từ bối cảnh bên ngoài thì áp lực từ chính sách của Fed hiện tại có nét tương đồng với những gì đã diễn ra vào năm ngoái.
Trong năm 2022, chiến dịch nâng lãi suất của Fed đã khiến đồng USD mạnh lên từ tháng 3. Chỉ số DXY chạm mức cao nhất trong vòng 20 năm sau khi Fed ba lần tăng lãi suất liên tiếp vào tháng 9.
Một lý do khác khiến USD mạnh lên đến từ việc dòng vốn toàn cầu tìm nơi trú ẩn trong bối cảnh khủng hoảng địa chính trị, khủng hoảng năng lượng từ cuộc xung đột Ukraine.
Ngoài ra, cùng khoảng thời gian này năm ngoái, đồng nhân dân tệ (CNY) cũng ghi nhận mức mất giá cao so với USD sau khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc điều chỉnh tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc (cặp tỷ giá USD/VND có tương quan cao với USD/CNY).
Những yếu tố trên tác động khiến tỷ giá USD/VND tăng vọt và đạt đỉnh vào tháng 11. Tỷ giá bán ra USD trên thị trường chợ đen có lúc lên gần mốc 25.500 đồng, trong khi tỷ giá mua vào đạt đỉnh khoảng 25.300 đồng. Trong khi đó, tỷ giá USD tại các ngân hàng cũng lập đỉnh lịch sử 24.700 - 24.900 VND/USD.
Tháng 9 năm nay, chỉ số DXY lại một lần nữa dậy sóng do những nhận xét của Chủ tịch Fed rằng lãi suất sẽ cần phải duy trì ở mức cao hơn, trong thời gian dài hơn. Ngoài ra, một loạt số liệu kinh tế khả quan và nguy cơ chính phủ Mỹ đóng cửa cũng là những yếu tố thúc đẩy DXY lên cao.
Năm nay, bối cảnh kinh tế không thuận lợi tại những khu vực như Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc cũng hỗ trợ USD mạnh lên. Ngoài ra, khủng hoảng Ukraine cũng chưa chấm dứt, trong khi Trung Đông, một khu vực quan trọng đối với ngành dầu khí toàn cầu, cũng vừa rơi vào xung đột vũ trang.
Những rủi ro bất ngờ
Nhiều chuyên gia đánh giá rằng áp lực tỷ giá có gia tăng nhưng không quá đáng lo ngại trong năm 2023, tuy nhiên cũng không loại trừ các yếu tố bất ngờ có thể xảy ra. Trong những tuần gần đây, nhiều yếu tố đang thúc đẩy đà tăng của DXY, có thể tạo nên biến động của tỷ giá USD/VND.
Gần đây, Quốc hội Mỹ đã thành công trong việc kéo dài thời gian hoạt động của Chính phủ thêm 45 ngày. Tuy nhiên, những bất ổn từ việc chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ phải đóng cửa cũng đã đẩy DXY lên mức cao nhất trong hơn 10 tháng.
Khi dự luật trên hết thời hạn vào cuối tháng 11, Quốc hội Mỹ sẽ lại phải tìm cách duy trì hoạt động cho Chính phủ và những biến động trên có thể một lần nữa thúc đẩy đồng bạc xanh mạnh lên.
Ngoài ra, cuộc xung đột đang diễn ra giữa lực lượng Hamas và Israel cũng có thể châm ngòi cho một đợt tăng giá của USD. Ngay sau khi Hamas tấn công Israel, những tài sản an toàn như USD hay vàng đã lên giá. Giá dầu cũng đi lên do Trung Đông là một khu vực quan trọng trong ngành dầu mỏ thế giới, làm dấy lên nỗi lo về lạm phát và khả năng Fed sẽ phải giữ lãi suất cao hơn, lâu hơn.
Ông Peter Cardillo, Kinh tế trưởng tại Spartan Capital Securities, cho rằng xung đột vũ trang sẽ củng cố sức mạnh của đồng USD. "Mỗi khi thế giới có biến động, đồng USD lại mạnh lên", ông Cardillo nhận định.
Kinh tế trưởng của Annex Wealth Management, ông Brian Jacobsen cho biết việc những diễn biến thị trường hiện nay có lớn hay không sẽ dựa vào thời gian xung đột kéo dài bao lâu và liệu có những quốc gia, lực lượng khác bị kéo vào hay không.