Joolux - nền tảng thương mại điện tử cho hàng hiệu
Những chiếc túi da, đồng hồ hay mắt kính xa xỉ không chỉ hấp dẫn với tín đồ hàng hiệu mà còn là "mảnh đất màu mỡ" cho Joolux - startup thành lập vào năm 2016. Thời điểm đó, nhà sáng lập Joolux - Tạ Xuân Hiển đang theo học tiến sĩ xây dựng tại Mỹ.
Những năm tháng học tập và nghiên cứu tại xứ cờ hoa, chàng trai 8x sớm tiếp cận các nền tảng thương mại điện tử như eBay và nhận ra tiềm năng khổng lồ của lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, nhu cầu sở hữu hàng hiệu của người Việt rất cao, dễ dẫn đến tình trạng thượng vàng hạ cám, thậm chí hàng giả, hàng nhái.
Thời gian đầu, trang thương mại điện tử hoạt động theo hình thức đấu giá hàng hiệu. Tuy nhiên thị trường quá nhỏ khiến startup loay hoay không thể phát triển.
Đến đầu năm 2018, anh Hiển cùng các đồng sáng lập đã điều chỉnh hướng đi chiến lược của Joolux trở thành nền tảng bán hàng hiệu đã qua sử dụng.
Anh Tạ Xuân Hiển - Đồng sáng lập kiêm CEO Joolux giới thiệu công nghệ kiểm định Entrupy tại Ngoi Sao Expo 2019 tháng 10 tại TP HCM.
Theo anh Hiển, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang bùng nổ, đồng thời nhu cầu dùng hàng hiệu gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên mức giá của xa xỉ phẩm mới của các thương hiệu nổi tiếng như LV, Chanel... quá đắt, thông thường lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Trong khi đó, người chơi hàng hiệu thường chỉ dùng một món hàng 1-2 lần, còn lại xếp vào tủ.
"Chúng tôi cho rằng một nền tảng bán hàng hiệu đã qua sử dụng nhưng còn mới hơn 90%, với mức giá trung bình chỉ bằng 40-80% giá mua mới có thể giúp giải quyết bài toán cung - cầu này", anh Hiển nói.
Với ý tưởng đó, nền tảng thương mại điện tử chính thức mang tên Joolux - "Journey of Luxury" (Hành trình Hàng hiệu) từ năm 2018. Nền tảng hoạt động theo mô hình sàn giao dịch - nơi người bán và người mua trực tiếp trao đổi, giao dịch.
Mô hình kinh doanh của startup dựa trên thu tiền trên mỗi giao dịch thực hiện thành công. Một trong những điểm nổi bật của nền tảng này là công nghệ kiểm định hàng hiệu Entrupy giúp đảm bảo hàng hóa trên sàn là hàng thật. Joolux hiện là đại diện duy nhất tại Việt Nam của Entrupy.
Công nghệ Entrupy hiện được sử dụng rộng rãi ở Mỹ và châu Âu với độ chính xách cao. Với công nghệ này, máy quét dữ liệu hình ảnh túi xách sử dụng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) để quét và so sánh kết quả với cơ sở dữ liệu hình ảnh của Entrupy trên toàn thế giới.
Nếu phát hiện kiểm định sai, trung tâm kiểm định và Joolux bồi thường 100% giá trị giao dịch.
Sau ba năm nghiên cứu, xây dựng và một năm triển khai chính thức, Joolux hiện có gần 40.000 người dùng và trong số đó có 60% là người dùng thường xuyên hoạt động. Startup có văn phòng tại 4 tỉnh thành lớn và đang trong giai đoạn phát triển hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ đi kèm.
"Joolux sẽ trở thành hệ sinh thái dành cho cộng đồng những người chơi hàng hiệu tại Việt Nam, với phong cách sống hiện đại, trẻ trung và mong muốn sở hữu những trải nghiệm mới, thể hiện 'cái tôi' của mình", anh Hiển chia sẻ.
Joolux định hướng trở thành hệ sinh thái giao dịch, dịch vụ dành riêng cho hàng hiệu thứ cấp.
Theo đó hệ sinh thái hoàn chỉnh cho thị trường hàng hiệu thứ cấp bao gồm các hoạt động mua bán, ký gửi, cho thuê và sửa chữa, phục hồi hàng hiệu. Các hoạt động bên lề như chia sẻ thông tin, xu hướng, kiến thức về hàng hiệu cũng được cập nhật thường xuyên trên nền tảng này.
Hiện startup đã thu hút được ba nhà đầu tư thiên thần và hiện kêu gọi thêm nguồn vốn để đẩy mạnh khâu quảng bá, tiếp thị, mở rộng độ nhận diện thương hiệu Joolux trên toàn quốc.
Những nghiên cứu thị trường của Joolux cho thấy quy mô thị trường hàng hiệu ở Việt Nam có thể lên đến một tỷ USD. Đó sẽ là miếng bánh thị trường hấp dẫn để startup khai thác trong 3-5 năm tới.
Thị trường hàng hiệu thứ cấp trên toàn cầu có quy mô 25 tỷ USD vào năm 2018 và ước tính tăng lên 36 tỷ USD vào năm 2021, với mức tăng trưởng trung bình 12% một năm, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng 3% của hàng hiệu sơ cấp, theo Boston Consulting Group.