|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Indonesia có nguy cơ tăng trưởng kinh tế âm 0,4% do dịch COVID-19

20:13 | 08/04/2020
Chia sẻ
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này đang đứng trước nguy cơ chỉ đạt tăng trưởng âm 0,4% vào năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Sự bùng phát đại dịch COVID-19 khiến cho mục tiêu kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Indonesia bị đe doạ. Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này đang đứng trước nguy cơ chỉ đạt tăng trưởng âm 0,4% vào năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu.

Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Indonesia, Winfried Wicklein cho rằng, mặc dù Indonesia có nền tảng kinh tế vĩ mô mạnh mẽ, nhưng sự bùng phát của dịch COVID-19 đã làm nền kinh tế nước này yếu đi rất nhiều.

Giá cả hàng hoá suy giảm, thị trường tài chính bất ổn, cùng với việc một số đối tác thương mại chính của Indonesia như Trung Quốc hay Mỹ đang trải qua những tác động tiêu cực của dịch COVID-19, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,3% của Indonesia khó lòng có thể đạt được. Thậm chí, Bộ Tài chính Indonesia còn đưa ra ước tính tăng trưởng kinh tế nước này chỉ đạt 2,3%, thậm chí trong trường hợp xấu nhất là tăng trưởng âm 0,4%. 

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), tháng 2 vừa qua, Indonesia đã đình chỉ các đường bay đến và đi từ Trung Quốc. Điều này khiến cho ngành du lịch của Indonesia bị ảnh hưởng nặng nề. Mỗi năm có khoảng 2 triệu khách du lịch Trung Quốc tới Indonesia. 

Việc đình chỉ các chuyến bay kéo dài có thể gây thiệt hại khoảng 4 tỷ USD cho nền kinh tế đất nước vạn đảo. Thâm hụt tài khoản vãng lai ước tính lên đến 2,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2020.

Indonesia có nguy cơ tăng trưởng kinh tế âm 0,4% do dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế Indonesia 2020 bị ảnh hưởng do COVID-19. (Nguồn : Kompas.com).

Bên cạnh đó, mặc dù chọn không phong toả đất nước để tránh ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế, song biện pháp giãn cách xã hội quy mô lớn mà chính phủ Indonesia đang áp dụng cũng gây ảnh hưởng phần nào tới nền kinh tế khi các hoạt động học tập và lao động đều được thực hiện tại nhà. Hàng chục ngàn người Indonesia đã mất việc làm do các công ty sa thải trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia, bà Sri Mulyani nhấn mạnh, Indonesia sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế do sự suy thoái các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng. Chẳng hạn như, các gia đình là xương sống của của nền kinh tế Indonesia, đóng góp 59% cho tăng trưởng kinh tế. 

Tuy nhiên trong giai đoạn này, mức tăng trưởng tiêu dùng của Indonesia chỉ đạt 3,2%, có thời điểm chỉ đạt 1,6% thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tiêu dùng thường ở mức 5%.

Doanh thu xuất khẩu dự kiến chỉ đạt từ âm 14% đến âm 16%, thấp hơn so với năm ngoái đạt được 1%. Xuất khẩu đóng góp 18% vào nền kinh tế Indonesia. Trong khi đó, đầu tư sẽ giảm từ mức 6% xuống còn 1%. Cho đến nay, đầu tư đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Indonesia khoảng 33,8%. Chi tiêu chính phủ đóng góp 11,41% cho tăng trưởng kinh tế nay cũng bị cắt giảm.

Những nỗ lực của chính phủ để ổn định kinh tế đất nước

Trước tình hình đó, Tổng thống Indonesia đã đưa ra ba chính sách giảm thiểu tác động của dịch COVID-19đối với nền kinh tế quốc gia. Thứ nhất là trong trường hợp dịch COVID-19 kết thúc trong thời gian ngắn, chính phủ sẽ thông qua Ngân hàng Indonesia và Cơ quan dịch vụ tài chính để duy trì sự ổn định thị trường tài chính mà không gây ra sự hoảng loạn quá mức cho các doanh nghiệp và người dân.

Thứ hai, chính phủ Indonesia đã đưa ra hai gói kích thích kinh tế trị giá 33.200 tỷ Rupiah và 405.100 tỉ Rupiah. Gói kích thích đầu tiên cung cấp các ưu đãi cho du lịch, được coi là không hiệu quả trong việc giảm tác động đại dịch toàn cầu đối với nền kinh tế quốc gia. 

Gói kích thích thứ hai được cung cấp để xử lý dịch COVID-19 và sẽ được phân bổ cho các lĩnh vực khác nhau như y tế, mạng lưới an sinh xã hội, ưu đãi thuế và chương trình phục hồi kinh tế quốc gia.

Cuối cùng, chính phủ Indonesia lên kế hoạch cải thiện cơ cấu kinh tế, đặc biệt là thông qua phát triển cơ sở hạ tầng, để trong tương lai Indonesia sẽ không phụ thuộc vào các quốc gia khác. Đây là một chính sách với một kịch bản dài hạn của nước này.

Để cụ thể hoá chương trình hành động, chính phủ Indonesia đã ban hành quy định về chính sách tài chính và ổn định hệ thống tài chính trong việc xử lí COVID-19 và quy định bổ sung liên quan đến Ngân sách nhà nước năm 2020.

Theo đó, việc sử dụng ngân sách của chính phủ trung ương sẽ tập trung vào y tế, mạng lưới an toàn xã hội và phục hồi kinh tế. Chính phủ Indonesia đã giảm 10% thu ngân sách nhà nước và chi tiêu nhà nước sẽ tăng 102%, trong đó phần lớn dành cho việc xử lý đại dịch COVID-19, trợ giúp xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. 

Một phần ngân sách nhà nước cũng sẽ được chuyển vào quỹ của các các địa phương để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân dưới hình thức hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người nghèo. Trước đó, Chính phủ Indonesia tuyên bố sẽ giải ngân 38 ngàn tỷ Rupiah cho các chương trình an sinh xã hội.

Ngân sách của 10 bộ, ban, ngành của Indonesia sẽ bị cắt giảm, trong đó ngân sách của Bộ Nghiên cứu và Công nghệ bị cắt giảm nhiều nhất, lên tới 94%. 

Trong khi đó, các bộ được bổ sung ngân sách bao gồm Bộ Giáo dục và Văn hoá, Bộ Y tế và Cơ quan năng lượng hạt nhân quốc gia. Bộ Tài chính Indonesia cũng đang tính toán tới việc cắt giảm tháng lương thứ 13 và thưởng ngày lễ để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia nhấn mạnh, nước này sẽ thực hiện việc quản lý ngân sách nhà nước, ngân sách khu vực một cách tối ưu, để nền kinh tế vận hành tốt và tạo cơ hội việc làm, cũng như ổn định kinh tế đất nước trước đại dịch toàn cầu.

Hương Trà