|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Indonesia cần tăng trưởng 6-7% để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình

23:23 | 17/03/2021
Chia sẻ
Nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình là 6%, Indonesia sẽ thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình với thu nhập bình quân đầu người là 12.535 USD vào năm 2040.
Indonesia cần tăng trưởng 6-7% để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình - Ảnh 1.

Indonesia cần tăng trưởng 6-7% để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. (Ảnh: Reuters).

Phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban XI của Quốc hội ngày 17/3, Bộ trưởng Kế hoạch Phát triển Quốc gia (PPN), Trưởng Cơ quan kế hoạch phát triển quốc gia (Bappenas) Suharso Monoarfa nhấn mạnh rằng nền kinh tế Indonesia phải tăng trưởng từ 6-7% từ năm 2022 để có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình là 6%, Indonesia sẽ thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình với thu nhập bình quân đầu người là 12.535 USD vào năm 2040.

Theo ông Suharso, sau đại dịch COVID-19, mức tăng trưởng kinh tế 5% sẽ không đủ để đưa Indonesia thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình trước năm 2045, do đó sẽ không thể giúp đưa số người thất nghiệp trở lại mức thu nhập trước khủng hoảng.

Thống kê cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Indonesia đã tăng từ 3.927,26 USD vào năm 2018, lên 4.174,53 USD vào năm 2019, nhưng đã giảm xuống còn 3.911,72 USD vào năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trong khi đó, tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người của Indonesia đã tăng từ 3.810,23 USD vào năm 2018 lên 4.047,62 USD vào năm 2019, sau đó giảm do xuống còn 3.806,37 USD vào năm 2020.

Dù vậy, mức tăng trưởng kinh tế âm 2,07% của Indonesia trong năm ngoái vẫn còn tương đối nhỏ so với các nước khác như Mỹ âm 3,5%, Mexico âm 8,3% và Philippines âm 9,5%.

Ông Suharso cũng cho biết, chìa khóa để khuyến khích tăng trưởng tốt hơn là kiểm soát sự lây lan của đại dịch COVID-19 bằng cách đạt được miễn dịch cộng đồng cho 188 triệu người trong tổng số 269 triệu người thông qua chương trình tiêm chủng. 

Giữa sức khỏe và kinh tế, cả hai phải được cân bằng để tăng trưởng kinh tế và việc xử lý COVID-19 phải đi đôi với nhau.

Đình Ánh